Tết Việt trong không gian văn hóa hiện đại

  • 09:15 | Thứ Hai, 12/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Việt. Với những nét đẹp văn hóa, ngày Tết bồi dưỡng thêm tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán cho mỗi người nên dù ở đâu, làm gì, mỗi dịp xuân về, Tết đến, người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội. Vì thế mà trong bối cảnh hội nhập, tiếp biến văn hóa như hiện nay, giá trị Tết Việt vẫn luôn được gìn giữ, bồi đắp. Nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ (TS) sử học Nguyễn Khắc Thái về những giá trị truyền thống của Tết Việt.
 
* P.V: Không chỉ đơn thuần là sự kiện mở đầu của một năm, Tết Việt còn chứa đựng trong đó nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của Tết cổ truyền trong đời sống văn hóa người Việt?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Theo nghĩa Hán-Việt, Nguyên đán (Nguyên-cái đầu tiên, khởi đầu; đán là ánh mặt trời mới mọc) có nghĩa là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc hay còn gọi là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Buổi sáng đầu tiên của một năm có ý nghĩa thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành, hanh thông, may mắn.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái.
Trong các lễ, “tiết” của một năm âm lịch, “tiết” đầu năm còn gọi là “Tết cả”, Tết cổ truyền. Chữ “Tết” thực ra từ chữ “tiết” do đọc chệch đi mà thành. Tết Nguyên đán diễn ra vào thời điểm kết thúc 1 chu kỳ 4 mùa trong năm (xuân, hạ, thu, đông) để bước vào một sự khởi đầu mới.
 
Có thể nói trước hết, Tết chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ phụng thiên nhiên. Con người ta sống luôn vươn tới những gì tốt đẹp nhất nhưng cuộc sống của con người lại luôn đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có sự tác động của thiên nhiên, điều kiện tự nhiên. Sự tác động đó liên quan trực tiếp đến mùa vụ, công việc đồng áng, năng suất lao động, cuộc sống sinh kế. Con người phải tìm cách thích ứng với thiên nhiên nắm được quy luật tự nhiên để thích nghi với cuộc sống, lao động sản xuất. Căn cứ vào đặc tính 4 mùa trong 1 năm, con người có thể xây dựng kế hoạch trồng trọt chăn nuôi, bố trí các mùa vụ phù hợp.
 
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Tết là dịp để người ta thờ phụng, bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần linh, cầu xin các vị thần linh, trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đó không phải là mê tín mà là cách người ta gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
 
Tết còn mang đến cho con người niềm tin, sự lạc quan, tiếp thêm nghị lực và quan trọng nhất đó là dịp đoàn tụ. Không có một cơ hội nào trong năm ngoài ngày giỗ cha, mẹ, quy tụ khá đầy đủ các thành viên trong một đại gia đình về đoàn tụ như dịp Tết. “Tết đoàn viên” là vậy.
 
* P.V: Người ta thường nói “ăn Tết”, “chơi Tết”, vậy có thể hiểu Tết là dịp để được vui chơi, hưởng thụ, là dịp để nhìn lại, trân trọng những gì đã qua và chuẩn bị cho một năm mới với những ước mơ, dự định mới…?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Đúng vậy, Tết là dịp để con người ta được hưởng thụ thành quả lao động của cả một năm. Hưởng thụ ở đây không phải là sự phung phí mà là dịp để các tập tục, thói quen đang mai một có dịp sống lại, được tái thực hành. Ngày Tết, nhà nhà đều ý thức đến việc chế biến các món ăn truyền thống, trưng bày, trang hoàng nhà cửa, thăm hỏi chúc mừng người thân, bạn bè…
 
Trong cuộc sống hiện đại, đầy đủ ngày nay, khái niệm ăn Tết và chơi Tết luôn được song hành. Ăn ở đây không chỉ đơn thuần là đưa dưỡng chất vào cơ thể mà là dịp để thưởng thức ẩm thực truyền thống cùng người thân, bè bạn, cùng nhau trò chuyện, chúc nhau những điều tốt đẹp nên việc ăn mang tính hưởng thụ tinh thần nhiều hơn là vật chất.
 
Tết không thể thiếu chơi, là dịp để thưởng ngoạn vẻ đẹp của mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm cùng gia đình, người thân. Khoảng thời gian được “ăn” Tết và “chơi” mang lại cho con người cảm giác thoải mái, sự phấn chấn, tạo động lực tiếp tục làm việc, lao động, sản xuất hăng say hơn để mang lại những kết quả tốt đẹp trong năm mới. Tết cũng là dịp để mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn.
 
Suy cho cùng, con người ta làm việc, phấn đấu, mục đích cốt lõi vẫn là để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng. Vậy Tết chính là dịp tốt nhất cho điều đó, để con người tự đãi ngộ chính mình, gia đình mình, ghi nhớ, đền đáp công ơn ông bà, cha mẹ, quê hương, đất nước.
 
* P.V: Có ý kiến cho rằng, Tết Việt bây giờ đã có sự thay đổi và dần mất đi các nét đẹp truyền thống. Ông nghĩ sao về điều này?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Tôi lại nghĩ khác, xã hội thay đổi, cuộc sống thay đổi, tất nhiên Tết cũng sẽ khác nhưng cái khác ở đây thể hiện ở mặt hình thức còn bản chất của Tết cổ truyền thì không có gì thay đổi. Nếu như ngày xưa, Tết là phải nấu rượu gạo, phải gói bánh chưng, bánh tét thì ngày nay người ta có thể thay rượu bằng thức uống lên men nấu từ lúa mạch, đặt mua các loại bánh mà không phải mất nhiều thời gian ngồi làm như trước. Nhưng mục đích là cũng để có mâm cúng cổ truyền đặt lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Bạn bè, người thân vẫn dành cho nhau lời chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt…
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp gói bánh chưng xanh mỗi dịp đón Tết Nguyên đán.
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp gói bánh chưng xanh mỗi dịp đón Tết Nguyên đán.
Cho nên, Tết không mất đi mà chỉ là thể hiện ở một hình thức khác. Theo nhịp sống hiện đại, Tết cũng luôn vận động và cách tân. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận Tết trong không gian văn hóa hiện đại, phù hợp với cuộc sống mới trên cơ sở vẫn giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc.
 
* P.V: Theo ông, đâu là nét đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền ở Quảng Bình.
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: Trước hết, phải thấy rằng, Tết ở Quảng Bình là một không gian mở, bắt nguồn từ văn hóa làng mà có. Ngày Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn tăng tính kết nối cộng đồng, làng xóm. Hòa trong cái chung của Tết Việt, mỗi vùng miền trên quê hương Quảng Bình đều có một phong tục, tập quán khác nhau với những nét sinh hoạt văn hóa khác nhau. Nhưng điểm chung nhất vẫn là tính cộng đồng, người ta sẵn sàng gác lại việc nhà nhưng việc “làng” để chuẩn bị cho Tết thì tất cả đều chung tay, cộng đồng trách nhiệm.
 
* P.V: Để bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Tết Việt, theo ông cần nhất là điều gì?
 
- TS. Nguyễn Khắc Thái: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và Tết cổ truyền là dịp thể hiện sinh động, phong phú, đặc sắc nhất những giá trị văn hóa. Để gìn giữ giá trị văn hóa của Tết, cần nhất là gìn giữ nét đẹp văn hóa làng. Ngành Văn hóa-Thể thao và các ngành, địa phương cần chú trọng hơn nữa đến việc tổ chức tốt các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, tiếp nhận những nét văn hóa mới trên cơ sở có chọn lọc để Tết cổ truyền hài hòa với nhịp sống hiện đại.
 
Điều cuối cùng tôi muốn nói là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước.
 
* P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất bổ ích này. Chúc ông và gia đình năm mới an khang, thịnh vượng.
 
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, sinh năm 1946, quê ở thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy), nguyên là giảng viên Trường đại học Khoa học Huế, sau đó về công tác và nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Quảng Bình. Ông là chủ biên hai bộ sách quan trọng của tỉnh, gồm: Lịch sử Quảng Bình, Địa chí Quảng Bình và là chủ biên, biên tập xuất bản nhiều sách về lịch sử, văn hóa Quảng Bình…
Nhật Văn (thực hiện) 

tin liên quan

Hàng nghìn người dân viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã đến viếng thăm, dâng hương, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Vượt nắng, thắng mưa"... 7 ngày đêm đưa điện lên bản

(QBĐT)- Già làng Đinh Rầu, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Trạch (Bố Trạch) tự hào nói với dân bản: "Giờ phút này, bà con mình được dùng ánh điện sáng quốc gia rồi. Ước mơ ngàn đời nay, giờ thành hiện thực".

Thiêng liêng kỷ vật để lại!

(QBĐT) - Qua bao thăng trầm biến cố thời gian, bao "vật đổi, sao dời" của cuộc sống, những kỷ vật của một liệt sỹ hy sinh vào những năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn, "thủy chung" cùng năm tháng.