Quảng Trạch: Bức xúc vì nạn trâu, bò thả rông
(QBĐT) - Tại các xã Quảng Phú và Quảng Đông (Quảng Trạch), tình trạng trâu, bò thả rông đang gây bức xúc cho người dân, bởi không chỉ phá hoại cây trồng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến Quốc lộ 1.
Phá hoại cây trồng
Thời gian qua, người dân ở các xã Quảng Phú và Quảng Đông luôn trong tâm trạng lo lắng với nạn trâu, bò thả rông phá lúa, hoa màu. Dù là sáng sớm, chiều muộn, thậm chí là đêm khuya, những đàn trâu, bò không có người chăn dắt cũng xuất hiện, phá hoại cây trồng. Người dân nhiều lần tổ chức vây bắt, tìm chủ nhân nhưng không thành nên chỉ đành xua đuổi.
Ông Lê Huy Hoàng (thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú) bức xúc: “Gia đình tôi trồng 4 sào lúa, trong đó có 2 thửa ruộng nằm ngoài bìa cánh đồng, nơi có nhiều trâu, bò thả rông nên thường xuyên bị chúng phá hoại. Để bảo vệ cây trồng, tôi phải mua dây thép gai, đúc trụ bê tông để làm hàng rào bảo vệ và túc trực xua đuổi, chứ không có biện pháp xử lý triệt để”.
Ông Lê Quang Trung, thành viên tổ thủy nông thôn Nam Lãnh (Quảng Phú) cho biết, tình trạng trâu, bò thả rông trên địa bàn đã diễn ra một thời gian dài. Điều đáng nói là đàn trâu, bò được chủ nhân thả rông cả ngày và đêm. Vì vậy, bất cứ thời gian nào chúng cũng có thể “ghé thăm” cánh đồng lúa, hoa màu để ăn, dẫm đạp làm gãy cây, gây ra nhiều thiệt hại cho bà con.
“Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng, đáng lẽ chỉ bảo vệ ban ngày thôi nhưng vì nạn trâu, bò thả rông tràn lan nên nhiều lần phải đi kiểm tra, xua đuổi chúng xuyên đêm. Tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên thôn, xã nhưng tình trạng này vẫn tái diễn nhiều lần. Trâu, bò thả rông không chỉ phá hoại lúa, hoa màu của nông dân mà còn phá cây cối trong khuôn viên nhà văn hóa; phá hoại hàng rào xanh, cây bóng mát trên các tuyến đường…, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Trung chia sẻ.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Không chỉ phá hoại cây trồng, việc trâu, bò không có người chăn dắt đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến vấn đề ATGT đường bộ. Đi lại trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận 2 xã Quảng Phú và Quảng Đông, phóng viên đã nhiều lần chứng kiến cảnh đàn bò hàng chục con đi lại “nghênh ngang” trên đường và đua nhau gặm cỏ bên đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông tốc độ cao.
Theo phản ánh của người dân, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện không thắng kịp, va chạm với đàn trâu, bò. Vào tháng 12/2022, anh Tưởng Văn Đ. ở xã Quảng Phú điều khiển xe ô tô bán tải đi làm việc ở Vũng Áng (Hà Tĩnh). Khi xe đang di chuyển trên Quốc lộ 1, đến địa phận xã Quảng Đông, bất ngờ đâm phải 1con bò thả rông, chạy ngang đường. Vụ tai nạn khiến con bò chết tại chỗ, xe ô tô bán tải hư hỏng phần đầu, phải tu sửa hàng chục triệu đồng; rất may không có thương vong về người.
Anh Lê Chiêu Nguyên ở thôn 19 tháng 5 (xã Quảng Đông) phản ánh: “Do nhà tôi sống cạnh Quốc lộ 1 nên tôi thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn giao thông do trâu, bò thả rông gây ra. Camera an ninh của nhà tôi cũng nhiều lần vô tình ghi hình được cảnh những chiếc xe đang di chuyển với tốc độ cao thì húc phải đàn trâu, bò đang đi trên đường. Đang trong đêm, mặc dù xe bị hư hỏng nhưng tài xế cũng không biết “bắt đền” ai nên đành ngậm ngùi đi sửa xe!”.
Chưa có thống kê đầy đủ về các vụ TNGT do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ TNGT trên đoạn đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn 2 xã Quảng Đông và Quảng Phú chắc chắn không dưới hàng chục vụ mỗi năm. Trâu, bò thả rông đang trở thành mối “hiểm họa”, nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết: Vấn đề người dân thả rông trâu, bò trên địa bàn đúng là một “vấn nạn” mà chính quyền địa phương đang rất “đau đầu”. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn xã Quảng Đông có khoảng vài chục hộ đang chăn nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông.
Thời gian qua, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chăn nuôi trâu, bò phải thực hiện chăn dắt, nuôi nhốt, thậm chí xử phạt. Tuy nhiên, do ý thức của nhiều người dân chưa cao, nên tình trạng thả rông trâu, bò vẫn tiếp tục tái diễn. Có nhiều trường hợp, khi tai nạn xảy xa, trâu, bò bị xe ô tô húc chết, bị thương khi nằm trên đường nhưng không có ai đứng ra nhận là của mình vì sợ bị xử lý...
Thực tế cho thấy, việc trâu, bò thả rông không chỉ gây mất ATGT, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, mà còn ảnh hưởng đến tài sản của người trồng trọt và chính những người chăn nuôi gia súc. Đã đến lúc các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần có biện pháp “mạnh” để ngăn chặn dứt điểm tình trạng trên.
Theo khoản 2, Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Đối với hành vi “Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác” sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. Đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt, hướng xử lý trong khoản 2, Điều 10, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; Điều 603, Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015… khá rõ ràng. |
Phan Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.