Xây dựng Trạm nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng

  • 08:32 | Thứ Năm, 19/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) -  “Trạm nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng (GLLMT) & Trung tâm Giáo dục môi trường” do Công ty TNHH MTV Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Việt (trực thuộc Trung tâm BTTN Việt) làm chủ dự án, được xây dựng tại bản Bang, Khu Dự trữ thiên nhiên (DTTN) Động Châu-Khe Nước Trong, thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy).

“Trạm nhân nuôi bảo tồn GLLMT & Trung tâm Giáo dục môi trường” đang được xây dựng tại xã Kim Thủy
“Trạm nhân nuôi bảo tồn GLLMT & Trung tâm Giáo dục môi trường” đang được xây dựng tại xã Kim Thủy.

GLLMT là loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ IUCN, có khả năng đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Hiện một số lượng cá thể đang được nuôi nhốt, chủ yếu tại các nước châu Âu. Tại Việt Nam, duy nhất Vườn thú Hà Nội đang nuôi khoảng 40 cá thể.

GLLMT có lịch sử cư trú ở các tỉnh: Hà Tĩnh (Khu BTTN Kẻ Gỗ), Quảng Bình (Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong), Quảng Trị (Khu BTTN Bắc Hướng Hóa và Đakrong) và Thừa Thiên-Huế (Khu BTTN Phong Điền). Các khu bảo tồn trọng yếu trong chiến lược phục hồi tái thả loài này gồm 4 khu BTTN, DTTN nêu trên và Khu BTTN Phong Điền và Vườn quốc gia Bạch Mã.

Trong “Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Việt Nam, đây là loài chim duy nhất được liệt kê trong danh sách cần thực hiện các hành động bảo tồn khẩn cấp. Và Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong là một trong các địa điểm đầu tiên trong 4 khu dự trữ, BTTN của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế trong vùng phân bố tự nhiên của loài này được lựa chọn để tái thả sau khi thực hiện thành công giai đoạn nhân nuôi và huấn luyện GLLMT.

Để đáp ứng việc nhân nuôi, Công ty TNHH MTV Bảo tồn Thiên nhiên Việt đã được cho thuê địa điểm để xây dựng “Trạm nhân nuôi bảo tồn GLLMT & Trung tâm Giáo dục môi trường” với thời gian thuê ban đầu là 30 năm, bắt đầu từ năm 2021.

Đại biểu tham dự hội thảo “Thu hút sự hỗ trợ của địa phương để phục hồi loài GLLMT”
Đại biểu tham dự hội thảo “Thu hút sự hỗ trợ của địa phương để phục hồi loài GLLMT”

Trước đó, vào tháng 12/2022, hội thảo "Thu hút sự hỗ trợ của địa phương để phục hồi loài GLLMT" do Tổ chức các khu dự trữ các loài động vật hoang dã Singapore tài trợ được tổ chức tại TP. Đồng Hới.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng, các tổ chức liên quan đến hoạt động bảo tồn, nuôi nhốt và cứu hộ các loài động vật hoang dã, đại diện cộng đồng vùng đệm các khu DTNT, khu BTTN.

Hội thảo đã làm rõ thực trạng của GLLMT. Theo đó, với nỗ đặt bẫy ảnh của hơn 125.000 đêm đặt bẫy ảnh trong hơn 10 năm (từ 2011) trên diện tích 36.000 ha môi trường sống tiềm năng phù hợp cho loài này, chưa thu được bằng chứng về sự hiện diện của GLLMT trong tự nhiên. Do đó rất có thể GLLMT đã bị tuyệt chủng.

Đại biểu dự hội thảo đã được cập nhật về tình trạng quần thể GLLMT đang được nuôi nhốt tại Vườn thú Hà Nội; kết quả thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn GLLMT giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch hành động phục hồi GLLMT giai đoạn 2020-2025 với tầm nhìn 2030.

Về “Trạm nhân nuôi bảo tồn GLLMT & Trung tâm Giáo dục môi trường” tại xã Kim Thủy với tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng, dự kiến vào quý III/2023 sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động.

Các cá thể GLLMT sẽ được nhân nuôi tại đây cho đến khi có thể thích nghi với môi trường hoang dã sẽ được tái thả vào khu vực rừng được lựa chọn. Hiện Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt cùng các bên liên quan đang tiến hành các bước tiếp theo để có thể tái thả GLLMT trong tương lai.

Ngọc Mai

tin liên quan

Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

(QBĐT) - Ngày 16/1, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 91/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tổng thể của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phân bổ gạo hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có quyết định phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân thiếu đói các huyện, thị xã, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. 

Những "bảo mẫu" đặc biệt

(QBĐT) - Một ngày như mọi ngày, thạc sĩ thú y Nguyễn Tất Thắng (SN 1993) cùng các cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn thường nhật cho các loại thú quý hiếm đang được chăm sóc, bảo tồn tại đây. Tháng 3/2022, 7 cá thể hổ chuyển từ VQG Pù Mát (Nghệ An) về trung tâm và cũng từ đó... họ trở thành những "bảo mẫu" của những thú nuôi đặc biệt này.