Chính sách nhân văn

  • 14:46 | Thứ Sáu, 08/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn. Hiện chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm cao nhất quyền lợi của người tham gia.
 
San sẻ gánh nặng
 
“Tôi sống được đến nay là nhờ BHYT”, là chia sẻ của ông P.V.D. (55 tuổi, ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch). Ông D. cho biết, mình bị bệnh suy thận phải chạy thận hơn 10 năm nay. Khi mới phát hiện căn bệnh hiểm nghèo này, gia đình ông suy sụp, bởi không biết lấy tiền đâu mà chữa trị. Bởi với căn bệnh này, để duy trì sự sống, ông D. phải chạy thận lọc máu mỗi tuần 3 lần, mỗi lần chạy thận, chi phí tiền thuốc mất hơn 600 nghìn đồng. Tính ra mỗi năm chỉ riêng tiền thuốc đã mất gần 90 triệu đồng.
 
Cũng may, nhờ cán bộ Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Bố Trạch đến tận nhà tuyên truyền cho gia đình biết được chính sách nhân đạo của BHXH Việt Nam, đó là BHXH vẫn chấp nhận hồ sơ tham gia BHYT cho ông D. khi biết ông đã mắc bệnh. Điều này không giống với các loại bảo hiểm thương mại khác.
 
Có đau ốm mới thấy tầm quan trọng và giá trị nhân văn sâu sắc của tấm thẻ BHYT. Đó là những lời rút ra từ đáy lòng của chị Nguyễn Thị Nhung (xã Quảng Phú, Quảng Trạch) khi mẹ chị phải thường xuyên nằm viện điều trị bệnh viêm phổi với tổng chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, dù điều kiện kinh tế không dư dả nhưng chị Nhung quyết định tham gia BHYT hộ gia đình với 4 thành viên.
 
“Không may gặp rủi ro, đau ốm mới thấy hết giá trị của thẻ BHYT. Khi bị bệnh hiểm nghèo vào nằm viện, có thẻ BHYT sẽ hỗ trợ mình rất lớn, giảm bớt khó khăn cho gia đình. Còn nếu may mắn không phải nhập viện điều trị thì số tiền tham gia BHYT của mình cũng sẻ chia được với nhiều bệnh nhân khác”, chị Nhung chia sẻ.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, BHYT có lợi cho tất cả mọi người nhưng với những bệnh nan y như ung thư, suy thận nó càng có ý nghĩa như một tấm “bùa hộ mệnh”, san sẻ gánh nặng chi phí điều trị bệnh của các gia đình chẳng may có người thân lâm bệnh. Nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn, hầu hết bệnh nhân khó có thể trụ nổi, bởi chi phí thuốc men cho bệnh nhân mắc bệnh nặng rất cao, tốn kém.
 
“Ở đây có nhiều mức hưởng thẻ BHYT. Tôi lấy một ví dụ đơn giản nhất, đó là một trường hợp đau ruột thừa đến phẫu thuật, nếu như không có thẻ BHYT thì chi phí mất khoảng 5-7 triệu đồng. Số tiền này đối với người nông dân ở khu vực này là một tài sản rất lớn. Có thẻ BHYT, nếu hưởng 80% thì tối đa chỉ mất 1 triệu đồng, người nghèo thì được hưởng 100%”, bác sĩ Nguyễn Viết Thái cho biết.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng đang KCB ở Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy đã giảm được “gánh nặng” chi phí nhờ tấm thẻ BHYT.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng đang KCB ở Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy đã giảm được “gánh nặng” chi phí nhờ tấm thẻ BHYT.

Hướng đến không giới hạn chi trả

Các chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, hướng đến bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người tham gia. Hiện nay, nhiều kỹ thuật cao, nhiều loại thuốc chất lượng cũng như các dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm đã được BHYT thanh toán đến 80-90%, thậm chí là 100%. Do đó, người bệnh giờ đây đã có thể yên tâm điều trị.
 
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm BHYT đã chi trả từ 100-110 nghìn tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh (KCB). Trong đó, rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả nhiều tỷ đồng. “Kỷ lục” chi trả cho một bệnh nhân bị bệnh chảy máu di truyền ở tỉnh Vĩnh Long với 11 năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) được BHYT chi trả tới 40,8 tỷ đồng; hay một bệnh nhân khác ở tỉnh Kiên Giang cũng bị bệnh về máu được chi trả hơn 11 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, vẫn có những bệnh nhân được chi trả nhiều tỷ đồng khi tiếp cận những kỹ thuật cao, điều trị tích cực.
 
Ở Quảng Bình, tính đến hết tháng 5/2022, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán chi phí KCB cho hơn 325.000 lượt người với mức chi hơn 238 tỷ đồng. Trong đó có hàng chục trường hợp chi phí điều trị trên 100 triệu đồng, như: Bệnh nhân Hồ Công Nhân (xã An Ninh, Quảng Ninh) được thanh toán chi phí KCB hơn 260 triệu đồng; Nguyễn Minh Đức (xã Phù Hóa, Quảng Trạch) được thanh toán chi phí KCB hơn 250 triệu đồng; Nguyễn Đình Dự (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) được thanh toán chi phí KCB gần 200 triệu đồng…
 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, hiện nay chính sách BHYT đã mở rộng thanh toán rất nhiều khoản viện phí, bao gồm: Kỹ thuật cao, thuốc men và các dịch vụ cận lâm sàng... Người tham gia BHYT chỉ phải đóng 804 nghìn đồng/năm và giảm dần nếu mua theo hộ gia đình, nhưng được BHYT chi trả gấp nhiều lần trong quá trình điều trị.
 
Hiện nay, Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa dịch vụ khám sàng lọc một số bệnh, khám định kỳ dự phòng sớm và cả tiêm vắc-xin phòng bệnh vào danh sách các dịch vụ được BHYT chi trả. Đó là các bệnh rối loạn chuyển hóa và nội tiết, tiểu đường, ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, cùng một số bệnh ung thư khác để có hiệu quả khi can thiệp sớm. Danh sách các dịch vụ, các loại bệnh được BHYT chi trả đang được nghiên cứu mở rộng dần để bảo đảm quyền lợi ngày càng cao cho người tham gia BHYT.
 
“Tính đến 30/6/2022, toàn tỉnh có 741.654 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 90%, giảm 6.322 thẻ BHYT so với năm 2021. Nguyên nhân là do từ tháng 7/2021, toàn tỉnh có 104.849 người (tương đương 11% dân số của tỉnh) bị cắt giảm thẻ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện, ngành BHXH tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nhanh chóng khỏa lấp “khoảng trống” này.  Cùng với đó, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh để có mức hỗ trợ BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, đối tượng là học sinh, sinh viên…, sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình đã đề ra”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết.
 
Phan Phương

tin liên quan

Tuyên truyền kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em, rất đáng báo động. Do đó, cần sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng cho các em nhằm nâng cao ý thức phòng tránh đuối nước để mùa hè thực sự trở thành thời gian nghỉ ngơi an toàn.

Khánh thành, bàn giao giếng nước khoan cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Ngày 8/7, tại xã Thượng Trạch, Trung tâm Chính trị huyện Bố Trạch phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch tổ chức hội nghị báo cáo viên Huyện ủy tháng 6; khánh thành, bàn giao giếng nước khoan tại bản Cà Roòng 2 (xã Thượng Trạch).

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

(QBĐT) - Sáng 8/7, tại TP. Đồng Hới, Cụm thi đua số 4, Hội Khuyến học các tỉnh Bắc miền Trung sơ kết công tác khuyến học 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.