Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Đúng người, đúng nghề, đúng nhu cầu

  • 08:03 | Thứ Tư, 06/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều lao động nông thôn (LĐNT) tìm được việc làm ổn định, một số khác đã khởi nghiệp bằng chính những kiến thức học được tại các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh chú trọng đầu tư. Nhờ đó, nhiều ước mơ thoát nghèo đã thành hiện thực, bộ mặt nông thôn mới cũng khởi sắc từng ngày.
 
Năm 2019, cùng rất nhiều chị em phụ nữ khác ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), chị Lê Thị Hồng tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh tổ chức ngay tại địa phương. Với kiến thức học được từ lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng, chị Hồng mạnh dạn mở nhà hàng chuyên về hải sản tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh.
 
Những ngày cao điểm của mùa du lịch, nhà hàng của chị luôn đông khách du lịch ghé lại thưởng thức hải sản địa phương. Chị Hồng chia sẻ: “Trước đó, tôi có mở một quán cà phê nhưng do chưa có kinh nghiệm, lại đúng vào đợt dịch bệnh nên quán hoạt động không hiệu quả. Sau khi được học nghề, cùng ít vốn liếng tích cóp được, tôi quyết định mở nhà hàng. Những kiến thức từ chế biến món ăn, giao tiếp với khách, quản trị… được học tại khóa đào tạo đều được tôi vận dụng vào thực tế quản lý nhà hàng. May mắn, nhà hàng hoạt động ổn định nên cũng tạo thêm việc làm cho chị em trên địa bàn”.
 
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), nhờ các lớp đào tạo nghề cho LĐNT mà nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn đã chủ động tìm việc làm, tăng thu nhập. Chị em có tay nghề vững hơn thì mạnh dạn mở quán ăn, nhà hàng. Nhờ đó, cuộc sống nhiều hội viên đã bớt khó khăn và độc lập hơn về tài chính.
 
Năm 2021, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho chị em phụ nữ xã Bảo Ninh gắn với nhu cầu phục vụ du lịch và chế biến hải sản của địa phương. Vì vậy, bước vào mùa du lịch năm 2022 này, nhiều chị em đã vận dụng kiến thức được học vào phục vụ khách du lịch, đồng thời dạy lại cho các hội viên khác để cùng nhau tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.
 Sau học nghề, nhiều LĐNT mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.
Sau học nghề, nhiều LĐNT mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Tháng 9/2019, sau khi sáp nhập, hợp nhất và đổi tên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ Quảng Bình đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, hỗ trợ người học sau đào tạo. Hoạt động tư vấn việc làm là một trong những nội dung để trung tâm xây dựng chương trình, mở lớp dạy nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương, vùng nguyên liệu sẵn có, nhu cầu và khả năng, trình độ của học viên, đồng thời giúp người học có thể tìm, tạo được việc làm, có thu nhập, cải thiện được đời sống.

Để hoạt động khảo sát, tuyển sinh học nghề được triển khai theo đúng quy trình, trung tâm đã cử cán bộ về tận cơ sở, phối hợp với các hội địa phương nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên, sàng lọc từng ngành nghề, tuyển sinh, đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Công tác đào tạo luôn bảo đảm về đối tượng cũng như số lượng học viên, tham gia học nghề đúng người, đúng nghề, đúng với nhu cầu.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc trung tâm, đơn vị đã chủ động làm việc với các địa phương nhằm tuyên truyền về chính sách dạy nghề, học nghề, từ đó định hướng giúp lao động (LĐ) lựa chọn ngành nghề phù hợp theo khả năng, điều kiện, sở trường, trình độ, lứa tuổi và thị trường. Đồng thời, việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo luôn được trung tâm chú trọng, để những kiến thức của người học không bị lãng phí.
 
“Chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị, HTX để bao tiêu sản phẩm cho người học. Các đơn vị liên kết bao tiêu và cung cấp nguyên liệu chủ yếu với cơ sở kinh doanh các nghề làm nón, chổi, nghề thêu, đan lát thủ công hoặc các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các HTX, cơ sở chế biến hải sản, các cửa hàng nông sản... Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều LĐ đã có việc làm ổn định. Nhiều người mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng. Họ cũng thành lập các chi hội nghề nghiệp, tổ sản xuất để hỗ trợ nhau cùng phát triển”, ông Thành cho biết thêm.
 
Sau hai năm bị chững lại do dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022, không khí học nghề, đào tạo nghề tại các vùng quê bắt đầu rộn ràng trở lại. Nhằm mục đích nâng cao trình độ kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, góp phần thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển nguồn nhân lực LĐNT, trung tâm đã phối hợp cùng các địa phương khảo sát và thực hiện tuyển sinh các lớp đào tạo với hơn 40 ngành, nghề. Học viên sẽ được đào tạo nghề miễn phí.
 
Với một số chương trình, học viên sau khi hoàn thành khóa học cũng được tặng thêm cây giống, vật nuôi để tăng gia sản xuất. Hiện, tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) đang triển khai khóa đào tạo nghiệp vụ nhà hàng cho 35 hội viên nông dân, phụ nữ. Khóa học này được kỳ vọng sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển du lịch cộng đồng ngay tại địa phương. Ông Thành cho biết, đơn vị cũng đang triển khai lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng tại xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), hy vọng sẽ mở ra những hướng đi mới trong phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân nơi đây.
 
Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ Quảng Bình đặt ra mục tiêu tuyên truyền, tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.500 LĐ về học nghề, tổ chức 20 lớp đào tạo nghề với 700 học viên, trong đó, 80% LĐ có việc làm sau học nghề.
 
Khi công tác đào tạo nghề được thực hiện đúng người, đúng nghề, đúng với nhu cầu, thì thoát nghèo và làm giàu không còn là mơ ước xa xôi. Bởi với sự cần cù, chịu khó vốn sẵn của người nông dân Việt Nam, chỉ cần có thêm kiến thức và hiểu biết về một ngành nghề nào đó thì lực lượng LĐNT đã có thể tạo ra cho bản thân, gia đình một con đường mới để thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Diệu Hương

tin liên quan

Xác định nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Lệ Thủy

(QBĐT) - Sáng 5/7, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã có báo cáo nhanh gửi Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Lệ Thủy khiến 5 người thương vong.

20 năm vì người nghèo

(QBĐT) - Sau 20 năm thành lập và phát triển, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bố Trạch đã thực hiện tốt công tác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sự ra đời của PGD NHCSXH huyện đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Xử phạt hành chính chủ 2 cây sung "khủng"

(QBĐT) - Liên quan đến vụ 2 cây sung "khủng" bị các lực lượng chức năng tạm giữ khi đang vận chuyển trên địa bàn xã Trường Xuân (Quảng Ninh), ngày 5/7, ông Nguyễn Thế Sơn - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết: Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ lâm sản (2 cây sung) với số tiền 750.000 đồng.