Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch

  • 08:19 | Thứ Sáu, 05/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Huyện Quảng Ninh hiện đang quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong trạng thái bình thường mới.
 
Ngay khi huyện Quảng Ninh thay đổi cấp độ phòng dịch, trở về trạng thái bình thường mới, cơ sở may gia công Thăng Hằng, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh đã nhanh chóng "bắt nhịp" sản xuất.
 
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Xuân Thăng, chủ xưởng may Thăng Hằng cho biết, cơ sở sản xuất của anh nhận may gia công các sản phẩm thời trang của Công ty Gia Thịnh, quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Tùy theo độ khó, dễ của từng đơn hàng, bình quân mỗi tháng, xưởng nhận gia công từ 7.000-10.000 sản phẩm, cao điểm là 20.000 sản phẩm. Tuy nhiên, thời điểm dịch bùng phát, khó khăn từ đơn vị cung ứng phía Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình sản xuất, nhiều lao động bị gián đoạn việc làm. May mắn là hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, 70% người lao động tại xưởng đã được ưu tiên tiêm vắc-xin nên yên tâm sản xuất. 
Các cơ sở sản xuất nhanh chóng  "bắt nhịp " trạng thái bình thường mới.
Các cơ sở sản xuất nhanh chóng "bắt nhịp" trạng thái bình thường mới.
Theo ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, ngoài khu cách ly tập trung tại khu vực Nam Long được sử dụng để cách ly 15 công dân về từ vùng dịch, các khu cách ly khác đã được trả lại đúng công năng để các trường tổ chức dạy học. Toàn huyện hiện có 194 trường hợp công dân trở về từ vùng dịch đã khai báo y tế và đang được cách ly tại nhà theo quy định. Huyện cũng đã chú trọng phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ chức mặt trận đoàn thể và người dân nhằm tăng cường kiểm soát người về từ vùng dịch.
 
Xác định tiêm vắc-xin là giải pháp cấp bách và lâu dài trong phòng, chống dịch Covid-19, huyện Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo, triển khai 12 đợt tiêm vắc-xin. Bác sĩ Nguyễn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh cho hay: Tính đến ngày 2-11-2021, huyện Quảng Ninh đã có 36.717 người được tiêm vắc-xin; trong đó có 32.836 người hoàn thành mũi 1 và 3.881 người đã hoàn thành 2 mũi tiêm. Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, điều động cán bộ phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn và thực hiện tiêm đúng quy trình đối với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại 2 xã Trường Xuân, Trường Sơn.
 
Thích ứng với trạng thái "bình thường mới", vừa kiểm soát dịch bệnh, huyện Quảng Ninh vừa tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
 
Theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo hoàn thành triển khai thi công các công trình mới năm 2021, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình theo đúng kế hoạch. Huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn thực hiện những giải pháp đồng bộ tăng thu ngân sách, trong đó, chú trọng tập trung thu thuế ngoài quốc doanh, thuế môn bài, thu tiền sử dụng đất và các khoản nợ đọng thuế; thực hiện chi ngân sách đúng quy định, không bổ sung các khoản chi ngoài dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân đối ngân sách địa phương.
 
Nhờ đó, tính đến ngày 30-9-2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 420 tỷ đồng, đạt 128% dự toán tỉnh giao và 91% dự toán huyện giao (tăng 140% so với cùng kỳ); tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đạt 273,6 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với 12/14 xã đạt chuẩn NTM và có thêm 6 thôn đạt bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận.
 
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Quảng Ninh chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
 
Theo ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để người dân biết và đăng ký nếu đúng đối tượng; đồng thời, chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội và các phòng, ban liên quan kiểm tra, rà soát, lập danh sách hỗ trợ theo quy định, triển khai kịp thời các chính sách...”.
 
Trong đợt đầu triển khai, huyện Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt cho đối tượng lao động tự do với tổng số 631 người; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 152 người; đề xuất hỗ trợ đối với 122 trường hợp trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tập trung…
 
“Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn, Ủy ban MTTQVN huyện cũng đã kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ và triển khai gói an sinh xã hội với 330 suất quà, tổng trị giá trên 180 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân tại những địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid. Đây là sự chung tay, sẻ chia kịp thời của cấp ủy chính quyền các cấp huyện Quảng Ninh nhằm san sẻ yêu thương, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” đã đề ra”, ông Lê Chí Huy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
 
Thanh Hải

tin liên quan

"Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda"

(QBĐT) - Ngày 31-10, tại bãi biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam - Nhãn hàng Bia Huda phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda" năm 2021.

[Infographic] Hơn 27 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Sau một tháng triển khai Nghị quyết 116 của Chính phủ, hơn 27 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được dành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Điểm sáng Thanh Hóa

(QBĐT) - Là xã vùng cao biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì bám dân, bám địa bàn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng tỉnh và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đã trở thành điểm sáng về chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.