"Nhập nhằng" Hoành Sơn quan

  • 05:59 | Thứ Hai, 05/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dãi dầu mưa nắng ngót 200 năm mà không được trùng tu, bảo vệ, Hoành Sơn quan đang dần xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích do “nhập nhằng” trong phân định địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý.
 
Trên đỉnh đèo Ngang, nơi phân định ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tồn tại Hoành Sơn quan cổ kính. Trong tâm thức của du khách khi ghé đến tham quan đều nhận thấy công trình ngày càng xuống cấp, do chưa được quan tâm bảo vệ, trùng tu tương xứng với vai trò, giá trị lịch sử đặc biệt của nó, khiến ai cũng không khỏi chạnh lòng, nuối tiếc.
 
Công trình bị xâm hại, xuống cấp
 
Dãy Hoành Sơn bắt đầu từ dãy Giăng Màn, hay còn gọi là Khai Trường Sơn, ở xã Dân Hóa (Minh Hóa) chạy từ Tây sang Đông, có những đồi núi cao trùng trùng điệp điệp, ngang đến giáp biển, trông như bức tường thành, là chỗ hiểm yếu giữa hai miền Nam Bắc. Đầu năm Gia Long (1802), khi đặt dinh Quảng Bình đã lấy núi này làm giới hạn. Nửa núi ra phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa núi vào phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình.
 
Năm (1833), vua Minh Mạng đã cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn. “Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở 1 cửa, bên tả, bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi; bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng; có chỗ cao 3,4 thước, có chỗ cao 5,6 thước không chừng”[1].
 
Việc xây dựng Hoành Sơn quan thuộc địa phận xã Quảng Đông (Quảng Trạch) nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, mà người địa phương quen gọi là Cổng Trời. Khách bộ hành trên đường thiên lý Bắc-Nam phải đi qua duy nhất cánh cổng này.
Hoành Sơn quan cổ kính nằm uy nghi trên đỉnh Hoành Sơn nhưng bị xuống cấp, xâm hại nghiêm trọng.
Hoành Sơn quan cổ kính nằm uy nghi trên đỉnh Hoành Sơn nhưng bị xuống cấp, xâm hại nghiêm trọng.
Sử sách ghi lại, đèo Ngang được khai phá, đắp đá thành đường nối liền 2 bên chân núi Hoành Sơn. Từ hướng Hà Tĩnh đi lên, có 1.000 bậc thang bằng đá lên xuống, xưa kia được quan quân nhà Nguyễn xẻ núi tạo thành, lên đỉnh thì thấy Cổng Trời. Cổng có cửa cao 4m, hai bên có tường thành chạy dài, trên cổng là biển ngạch đá xứ Thanh đề 3 chữ Hán đại tự “Hoành Sơn quan”. Kiến trúc thành lũy với vẻ trầm mặc, cổ kính, là chứng tích hùng hồn về những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc.
 
Được đánh giá là công trình có vị trí và giá trị đặc biệt quan trọng cả về phương diện địa lý lẫn lịch sử nhưng Hoành Sơn quan đang bị lãng quên, xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, cả hệ thống công trình Hoành Sơn quan chỉ còn cổng và đoạn tường thành rêu phong. Ngoài ra, phía trong cổng chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký được tẩy xóa trông nhem nhuốc, cộng với nạn bôi bẩn khiến diện mạo công trình bị xâm hại nghiêm trọng.
 
Đáng nói, ngay sát công trình, khoảng 7 năm trước, người dân còn tự ý xây 1 cái miếu lớn, nhưng đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, đập bỏ. Tại ngôi miếu này hiện còn sót lại phần móng, 1 cái am thờ, thi thoảng có đoàn người đến thắp hương, khấn vái. Do không được tu bổ, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa nên cây cối mọc um tùm, hoang phế, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, có nguy cơ trở thành phế tích.
 
Nhập nhằng trong phân định
 
Dù chỉ là một công trình kiến trúc nhưng Hoành Sơn quan được cả UBND tỉnh Quảng Bình lẫn UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa. Tháng 8/2002, UBND tỉnh Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Đến tháng 3/2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
 
Sau đó, cả 2 tỉnh đều đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do tranh chấp.
 
Năm 2002, Sở VH-TT-DL 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết vụ tranh chấp Hoành Sơn quan. Tuy nhiên, phía Hà Tĩnh lại đưa ra bản đồ địa chính mới khẳng định di tích thuộc về tỉnh này, còn phía tỉnh Quảng Bình cương quyết không đồng ý với lý do công trình được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý. Dù Bộ VH-TT-DL gợi ý 2 tỉnh cùng làm chung hồ sơ nhưng chẳng địa phương nào chịu chấp thuận.
 
Từ thời điểm đó đến giờ, Hoành Sơn quan vô tình bị chia làm hai, mặt Bắc Hà Tĩnh thì quản lý, phía Nam thì Quảng Bình, thế nên công tác bảo vệ, trùng tu công trình gặp nhiều khó khăn. Việc xảy ra tranh chấp Hoành Sơn quan giữa 2 tỉnh diễn ra dai dẳng trong hàng chục năm qua.
 
Nguyên nhân là do trong quá trình trắc địa, đo đạc, cơ quan chức năng của Bộ Tài Nguyên-Môi trường đã vận dụng và phân chia một cách máy móc theo đường phân thủy mà không nghiên cứu trên giác độ không gian văn hóa, lịch sử, đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, dẫn đến việc phân chia địa giới hành chính hiện tại, công trình này nằm bên mái núi tỉnh Hà Tĩnh.
 
Trong khi đó các thư tịch cổ và hầu hết nhà nghiên cứu đều cho rằng trong lịch sử, Hoành Sơn quan thuộc sự quản lý của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt là trong các bộ quốc sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí… đều minh định điều đó. 
 
Cùng chịu chung số phận như Hoành Sơn quan, còn có Hải Vân quan từng bị bỏ quên cả một thời gian dài vì nằm trong khu vực chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, khiến di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 14/4/2017, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định công nhận Hải Vân quan là Di tích quốc gia. Đến tháng 12/2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở VH-TT TP. Đà Nẵng tổ chức triển khai dự án trùng tu, phục hồi di tích Hải Vân quan trong thời gian 2 năm. Dự án có tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đóng góp mỗi bên 50%.

Dùng dằng làm tổn thương di tích

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, việc Hoành Sơn quan xảy ra tranh chấp dai dẳng trong hàng chục năm qua giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình chỉ dưới 2 góc độ, đó là: Về địa giới hành chính ngày nay thì nằm bên mái núi Hà Tĩnh tính theo đường phân thủy, nhưng về tính lịch sử và công tác bảo vệ di tích thì chắc chắn thuộc về Quảng Bình, điều đó không thể bàn cãi. 
 
Theo quan điểm của Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, đến nay, Hoành Sơn quan vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia là một thiếu sót của các cơ quan quản lý văn hóa. Việc dùng dằng rồi “bỏ rơi” một di tích đặc biệt, đánh dấu sự phát triển của một giai đoạn đất nước như vậy vô tình tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng làm tổn thương di tích. Thứ nhất, do không được quan tâm, bảo vệ, trùng tu nên công trình đang có dấu hiệu hoang phế và xuống cấp. Thứ hai, đang có tình trạng công trình bị xâm hại bởi một vài công trình do người dân tự phát xây dựng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khu vực bảo vệ cũng như không gian, cảnh quan của công trình. Thứ ba, vị trí công trình rất đặc biệt, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử-văn hóa gắn liền với hành trình phát triển dân tộc từ hàng trăm năm nay, mà cảnh quan nơi đây xứng đáng là danh thắng nổi tiếng. Cho nên nếu làm tốt, biết quan tâm đầu tư sẽ là một điểm đến tiềm năng để khai thác du lịch.
 
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, ranh giới quốc gia mới vĩnh viễn, còn địa giới giữa các tỉnh thì có thể điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa từng địa phương trong từng giai đoạn lịch sử.
 
Vì vậy, “việc cần làm ngay” đối với Hoành Sơn quan là Trung ương sớm quyết định giao cho một trong hai địa phương Quảng Bình hay Hà Tĩnh quản lý để di tích sớm được xếp hạng cấp quốc gia, bảo tồn và phát huy tác dụng. Giao cho tỉnh nào cũng được vì là di tích quốc gia, 1 đơn vị quản lý và 2 địa phương cùng khai thác chung không sao cả. Nếu khai thác du lịch thì đó là điểm đến chung, khách ai thì người đó đưa đến di tích.
 
Do sự nhập nhằng trong việc phân chia địa giới khiến cho Hoành Sơn quan rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, công trình đang xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích. Cũng bởi lý do trên mà công trình uy nghi, cổ kính này đến nay vẫn chưa được một lần nào được tu bổ, tôn tạo, khiến cho công tác bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích gặp không ít khó khăn.
                                                                         Nhật Linh
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Hà Nội, 2022, tập 3, tr.500.
 

tin liên quan

Phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng

Ngày 30/5, tại trụ sở 55 Quang Trung, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức Lễ công bố thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng và phát động Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025.

Thênh thang những mảng màu trên biển quê hương

(QBĐT) - "Nguyễn Văn Tùng đã tìm thấy mình", đó là câu nói của họa sĩ trẻ Trương Thế Linh nhận định và được nhiều người trong giới chuyên môn đồng tình khi Nguyễn Văn Tùng công bố se-ri tranh về biển sau khi anh quyết định trở về quê hương sinh sống, sáng tác.

Bế mạc Trại sáng Văn học-Nghệ thuật Nhật Lệ năm 2023

(QBĐT) - Sáng 29/5, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức buổi bế mạc, công bố tác phẩm Trại sáng tác VHNT Nhật Lệ năm 2023.