Lan tỏa "thương hiệu" Quảng Bình qua tác phẩm văn học nghệ thuật

  • 08:12 | Chủ Nhật, 28/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong buổi tập huấn cho hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình về “VHNT đương đại”, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của VHNT đối với việc quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, góp phần phát triển kinh tế du lịch. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với NSND Vương Duy Biên để làm rõ hơn về nội dung này.
 
* P.V: Qua chia sẻ với văn nghệ sĩ (VNS), được biết ông là người dành rất nhiều tình cảm với quê hương Quảng Bình. Vậy điều gì ở vùng đất “gió Lào cát trắng" này để lại ấn tượng trong ông?
 
- NSND Vương Duy Biên: Nhiều lắm, từ thiên nhiên, cảnh quan đến con người nơi đây đều để lại ấn tượng trong tôi. Quảng Bình là vương quốc của những hang động đẹp, có biển, rừng, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Nơi đây còn là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam và nhiều văn nhân nổi tiếng.
 
Vùng đất này còn lập nên những kỳ tích trong các cuộc kháng chiến. Người dân nơi đây rất mộc mạc, thân thiện, hiếu khách. Và nữa, Quảng Bình là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhưng lại là điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
 
* P.V: Và những yếu tố trên chính là lợi thế để VNS khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm VHNT, thưa ông?
 
- NSND Vương Duy Biên: Đúng vậy, với những đặc trưng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người..., Quảng Bình chính là mảnh đất “màu mỡ” để các VNS khai thác thành đề tài của VHNT. Tôi cho rằng, việc quảng bá mỗi vùng đất, tạo tiền đề phát triển du lịch qua tác phẩm VHNT là cách làm mang lại rất nhiều hiệu quả.
 
Qua các hình thức, như: Tác phẩm văn học, mỹ thuật, âm nhạc…, đặc biệt là điện ảnh, sẽ chuyển tải sinh động những đặc trưng văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của quê hương đến với du khách. VHNT đương đại không chỉ khai thác đề tài mới mà có thể đi từ đề tài cũ nhưng có cách nhìn, thể hiện mới phù hợp với thời đại. Ví dụ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đề tài mà các lĩnh vực VHNT đều có thể khai thác.
NSND, nhà điêu khắc Vương Duy Biên chụp ảnh lưu niệm với văn nghệ sĩ Quảng Bình.
NSND, nhà điêu khắc Vương Duy Biên (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với văn nghệ sĩ Quảng Bình.
* P.V: Theo ông, VHNT Quảng Bình cần những gì để phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Bình?
 
- NSND Vương Duy Biên: Trong văn hóa, VHNT là loại hình quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Tôi được biết, Quảng Bình có đội ngũ VNS rất mạnh. Họ khao khát cống hiến và lao động nghệ thuật nghiêm túc. Điều họ cần là cơ chế, điều kiện để khơi gợi nguồn cảm hứng và tạo động lực sáng tác.
 
Trong thời đại mở cửa như hiện nay, việc sử dụng tác phẩm VHNT để quảng bá quê hương, tạo tiền đề phát triển du lịch là rất cần thiết. Tôi ví dụ như sau khi bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh được công chiếu, lượng khách du lịch, đặc biệt là khách trẻ đến với tỉnh Phú Yên tăng lên rất nhiều.
 
Các địa danh du lịch nổi tiếng của địa phương này được thu vào màn ảnh nhỏ qua những góc quay toàn cảnh tạo nên sức hút đặc biệt đối với du khách. Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng nếu cứ để mãi là vùng đất tiềm năng mà không khai thác hết, phát lộ ra qua các hình thức quảng bá thì chưa tạo được sự chú ý, sức hút đối với các nhà đầu tư cũng như du khách.
 
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các công trình, nhà máy, tập trung cho phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đầy đủ đến văn hóa, VHNT, trong khi văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để xây dựng, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
 
VHNT là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân-thiện-mỹ của con người, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Theo tôi, càng hội nhập kinh tế, càng phải quan tâm hơn đến việc gìn giữ, phát huy các giá trị của văn hóa.
 
Trên hành trình lao động nghệ thuật, các VNS Quảng Bình cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sáng tác. Tôi rất thích tác phẩm âm nhạc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Mỗi lần nghe ca khúc này đều có sự xúc động và yêu Quảng Bình hơn. Sở dĩ một tác phẩm sống mãi với thời gian mà ai nghe cũng đều yêu mến Quảng Bình là bởi “Quảng Bình quê ta ơi” thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa, thiên nhiên, con người Quảng Bình.
 
Mỗi ca từ, giai điệu đều thấm đẫm chất văn hóa địa phương. Trong cái đa dạng của văn hóa, VNS cần tìm ra cho mình những nét riêng để sáng tác và làm mới mình qua tác phẩm. Một tác phẩm VHNT mà đậm chất văn hóa, bản sắc địa phương thì càng có sức lan tỏa trong việc quảng bá quê hương.
 
Tôi hy vọng rằng, tỉnh Quảng Bình sẽ có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho VHNT để VHNT thể hiện được vai trò, sứ mệnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đưa nền VHNT địa phương lên tầm cao mới.
 
* P.V: Là người trực tiếp sáng tác, nếu có điều kiện thể hiện đề tài ở Quảng Bình, ông sẽ chọn đề tài nào, thưa ông?
 
- NSND Vương Duy Biên: Tôi nghĩ rằng đó là tác phẩm điêu khắc tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách thể hiện riêng, đậm chất Quảng Bình. Tôi tin rằng, VNS Quảng Bình có thể làm được điều này. Tôi mong VNS Quảng Bình sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm về đề tài quê hương nhằm lan tỏa “thương hiệu” Quảng Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
 
* P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này! 
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình cho biết: "Trong quá trình phát triển, VHNT Quảng Bình đã đi qua những chặng đường và ghi dấu ấn sáng tạo của các VNS qua những tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong dòng chảy VHNT cả nước. Anh chị em VNS Quảng Bình đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều tác phẩm có tính lan tỏa cao, như: “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, “Tượng đài Mẹ Suốt” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, nhiều tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, hội họa về thiên nhiên, du lịch Quảng Bình... Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho hội viên đi thực tế sáng tác để tiếp tục có những tác phẩm VHNT chất lượng cao, nhất là những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, mang hồn cốt của con người, quê hương Quảng Bình".
Nh.V (thực hiện)

tin liên quan

Lệ Thủy: Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2023

(QBĐT) - Ngày 27/5, tại Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Lệ Thủy đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2567) năm 2023. 

Nguyễn Khắc Thứ và những gì còn lại...

(QBĐT) - Nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ (1921-1990) là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông sớm có thành tựu, được tặng giải thưởng cao quý cùng với các tên tuổi lừng danh như Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm… với ký sự "Trận Thanh Hương"…

Cơn mưa

(QBĐT) - nước mắt rạp mình trước cánh đồng
mùa màng lấm tóc mẹ