Thênh thang những mảng màu trên biển quê hương

  • 07:51 | Thứ Hai, 29/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Nguyễn Văn Tùng đã tìm thấy mình”, đó là câu nói của họa sĩ trẻ Trương Thế Linh nhận định và được nhiều người trong giới chuyên môn đồng tình khi Nguyễn Văn Tùng công bố se-ri tranh về biển sau khi anh quyết định trở về quê hương sinh sống, sáng tác.
 
Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1989 (quê tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch), tốt nghiệp chuyên ngành hội họa tại Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 2013. Với khát khao của người trẻ muốn đến những không gian rộng lớn để thử thách và thỏa chí tang bồng trong sáng tạo, anh đã lựa chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi khởi dựng và bước đầu thành công tại đây với phong cách sáng tác mạnh mẽ. Giai đoạn này, trong tranh Nguyễn Văn Tùng là sự va đập của các mảng, nhát màu nguyên sắc gợi mở sự chuyển động và nhiều khát khao của một tác giả trẻ giàu nội lực.
 
Anh tham gia vào đời sống mỹ thuật của TP. Hồ Chí Minh với các triển lãm nhóm “Gió Lào 2013”, “Mắt xích 2014”, triển lãm “Open studio Tùng Art 2015” và nhiều triển lãm cấp quốc gia. Tác phẩm của anh đã được các nhà sưu tập trong nước và quốc tế tìm đến sở hữu.
 
Trước biến cố đại dịch Covid-19, năm 2020, Nguyễn Văn Tùng lựa chọn trở về quê hương tìm sự bình yên để tiếp tục sáng tác. Thật bất ngờ, bên biển quê hương, anh có nhiều cảm hứng để sáng tác những bức tranh về phong cảnh và đời sống người dân vùng biển. Anh đã tìm gặp được sự đồng điệu trước khoảng rộng lớn bao la của biển cùng hoài bão, ước vọng của mình.
 
Anh bắt đầu đổi khác với những mảng màu nhẹ nhàng, thơ mộng và thênh thang. Biển hiện lên đầy chất thơ. Khung cảnh đời thường bình dị nhưng qua cách nhìn của họa sĩ trẻ lại trở nên bình yên và đẹp đến lạ. Tranh của anh không đi vào diễn tả chi tiết mà là sự khoáng đạt trong bút pháp và cách sử dụng màu sắc tạo nên những không gian bồng bềnh, mát rượi như mang cả làn gió biển.
Tranh về biển của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng.
Tranh về biển của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng.
Hình tượng con người thường xuất hiện nhỏ bé, khái quát điểm xuyết tạo nên sự sinh động theo lối thể hiện “cảnh chính người phụ” trong tranh… Trong nhiều tác phẩm khó có thể phân định ở đâu là mặt biển, ở đâu là bầu trời mà là những vệt màu đan quệt vào nhau tạo nên sự giao hòa với sắc màu nhã nhặn. Bắt gặp được mạch cảm xúc, anh vẽ rất nhiều tác phẩm về biển như để tìm về tuổi thơ cùng đắm mình và trò chuyện với con sóng.
 
Và kết quả, anh tổ chức triển lãm cá nhân “Bến quê” vào tháng 8/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, tạo nên dấu ấn trong hành trình sáng tác của mình, được công chúng đón nhận và giới chuyên môn đánh giá tích cực. Đó là hạnh phúc của người sáng tạo khi hành trình tìm kiếm cái đẹp của mình đã để lại dấu ấn.
 
Nguyễn Văn Tùng hiện nay đã lựa chọn gắn bó với quê hương khi lập gia đình, sinh sống và tiếp tục sáng tác. Anh còn ấp ủ nhiều dự định với những giai đoạn sáng tác để làm mới mình. Biển quê hương thanh bình sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận để anh tiếp tục sáng tạo và sớm có các triển lãm công bố tác phẩm mới trong tương lai.  
Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo cấy gần 30.000ha lúa. Mặc dù bị ảnh hưởng do thiên tai, nhưng với các giống lúa chất lượng đã góp phần nâng tầm giá trị hạt gạo cho bà con nông dân.  

Lan tỏa "thương hiệu" Quảng Bình qua tác phẩm văn học nghệ thuật

(QBĐT) - Trong buổi tập huấn cho hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình về "VHNT đương đại", Nghệ sĩ Nhân dân, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của VHNT đối với việc quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng.

Lệ Thủy: Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2023

(QBĐT) - Ngày 27/5, tại Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Lệ Thủy đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2567) năm 2023.