Thương nhớ những dòng thư

  • 09:09 | Chủ Nhật, 21/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian lặng lẽ trôi, có biết bao điều ta đã quên như một lẽ tự nhiên. Song một lúc nào đó, khi bắt gặp những phong thư đã cũ, những nét chữ nhòe theo năm tháng, nỗi nhớ lại ùa về với biết bao kỷ niệm của ngày đã qua.
 
 “Có thư, có thư…” - Tiếng chú đưa thư vang lên, cả nhóm sinh viên gồm 4 đứa con gái tóc buộc đuôi gà đều chạy ra cổng. “Đây là thư của Phượng. Cái này là của Hương và đây là của Hà”, vừa nói, chú bưu tá vừa nở nụ cười thật tươi. Những đứa có thư mừng quýnh, đứa không có thư lặng lẽ nhìn theo bóng dáng người đưa thư với ánh mắt đượm buồn.
 
Ngày ấy, khu nhà mà chúng tôi trọ học những năm tháng sinh viên nằm trong con hẻm nhỏ giữa lòng TP. Huế. Chung cảnh xa nhà, nhớ quê, chúng tôi luôn chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn. Đứa nào có quà quê là cả nhóm được hưởng, duy chỉ có những lá thư là của đứa nào đứa ấy đọc. Có đứa sau khi đọc thư xong là chia sẻ với bạn bè thông tin từ phương xa gửi tới. Hương là đứa hay khoe nhất, nào là khoe ở quê được mùa ngô, lúa, hay đứa em mới học lớp 1 mà đã biết viết thư, khoe chị gái sắp lấy chồng và khoe cả những bức ảnh từ quê nhà gửi tới.
 
Khác với Hương, mỗi lần đọc thư, Phượng đều rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ mẹ, bởi vậy mà chúng tôi thường gọi bạn ấy là “mít ướt”. Duy chỉ có Hà là luôn trong trạng thái “bí mật”. Mỗi lần nhận thư, Hà đều tìm cho mình một góc riêng, đọc xong thư là tìm chỗ cất thật cẩn thận như thể sợ chúng tôi tò mò đọc trộm. Và nếu ai đó hỏi về địa chỉ người gửi thư là Hà đỏ mặt ngượng ngùng và nhất định không nói.
 
Với chúng tôi ngày ấy, được nhận thư là niềm hạnh phúc rất lớn. Có những buổi chiều tà không muốn rời ô cửa sổ nhìn ra cánh cổng khu nhà trọ để chờ đợi chú đưa thư với âm thanh quen thuộc “có thư, có thư”. Nhiều khi chỉ cần nghe tiếng chuông xe đạp dồn dập là cả nhóm đã vội vàng ra cổng, rồi hồi hộp chờ đợi chú đưa thư lật tìm bức thư có tên mình. Gắn bó với công việc là chiếc cầu nối tình yêu thương nên chú đưa thư khá hiểu tâm trạng vui buồn của từng người, nhất là những sinh viên xa nhà như chúng tôi. Đứa nào không có thư, chú thường nhẹ nhàng an ủi: “Thư của cháu đang trên đường tới, mai mốt chú ghé nhé…”.
 
Những lá thư được xếp ngay ngắn nằm trong chiếc phong bì hình chữ nhật với con tem và dấu bưu điện ghi rõ nơi đi, nơi đến ngày ấy là phương tiện liên lạc hữu hiệu nhất của những người xa nhau. Việc muốn biết người thân, người thương ở phương xa như thế nào, cuộc sống, sức khỏe ra sao… chỉ có thể qua lá thư, bởi ngày ấy, mạng internet, hay khái niệm thư điện tử còn khá xa lạ.
 
Thời sinh viên, nhất là những ngày đầu nhập học, ai cũng bỡ ngỡ, lắm lúc chông chênh, va vấp khi bước vào cuộc sống tự lập. Mỗi lần nghĩ tới ngày tháng bình yên trong ngôi nhà nhỏ, có mẹ, có cha, có người bạn hàng xóm cùng nhau chơi trò trốn tìm, đuổi bắt là cả một trời kỷ niệm lại tràn ra trước mắt. Những lúc như thế, chỉ có thể ngồi vào bàn và viết. Từng câu, từng chữ cứ tuôn ra theo mạch nguồn cảm xúc. Đó là hình ảnh cha ngày ngày cặm cụi sau vườn để cây nhãn thêm hoa, vườn cà thêm trái; là trán mẹ lấm tấm giọt mồ hôi bên bếp lửa khói bay nhòe mắt để lo cho cả nhà có bữa cơm chiều đầm ấm.
Minh họa: Minh Quý
                                                                   Minh họa: Minh Quý
Và nữa, nhớ cả những lần giận dỗi, làm mình, làm mẩy với mẹ chỉ vì bị mẹ chê làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn… Đêm xa nhà, trước trang giấy và cây bút nhỏ, ta như tự soi lại mình, thấy mình ngày ấy sao dại khờ nông nổi, không hiểu mẹ cha luôn mong muốn và làm những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Nghĩ vậy, nhưng nếu có mẹ ở bên, chắc gì đã đủ mạnh dạn để nói với mẹ một lời xin lỗi chân thành. Chỉ khi một mình đối diện với chính mình mới có thể nói lên tất cả như đang trò chuyện, tỉ tê cùng mẹ.
 
Mỗi lần nghe câu hát: “Trang thư xanh anh lén trao em, viết bằng mực tím, tím bông hoa cà” hay “mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về” lại nhớ ngày xưa, thời mà ta thường gọi là “tuổi hoa” với những dòng lưu bút trao nhau ngày cuối khóa. Cũng là thổ lộ tình cảm rằng “tớ mến bạn” hay “tớ thích bạn” nhưng nào có ai dám nói lên điều ấy mà chỉ lặng thầm nhặt những cánh phượng vĩ ép khô, kèm theo phong thư có dòng chữ nắn nót thật đẹp rồi len lén bỏ vào cặp sách hay hộc bàn của đối phương. Người nhận được quà dẫu có xúc động cũng đâu dám tỏ bày tình cảm mà chỉ biết lặng im, nâng niu cất giữ “kỷ vật” của riêng mình thật cẩn thận.
 
Ngày nay, mỗi dịp chia tay cuối cấp, các cô cậu học trò thi nhau chụp ảnh kỷ yếu, làm phim kỷ niệm. Bối cảnh cũng là hoa phượng đỏ, xe đạp, áo dài… cũng là nam thanh, nữ tú thẹn thùng trao nhau phong thư giấu trong cánh phượng… Nhưng tất cả đều là sản phẩm của thợ ảnh xây dựng nên. Phong thư chỉ đơn thuần là chiếc phong bì, bên trong để trống. Thế hệ chúng tôi nhìn lại cảnh đó bỗng thấy mình thực sự hạnh phúc, bởi ngày xưa, thời của chúng tôi không phải “diễn” mà tất cả như một lẽ tự nhiên. Chúng tôi không phải đợi đến cuối cấp, chuyển cấp mới có mà nó diễn ra hàng ngày, nhất là dịp kết thúc năm học để bước vào kỳ nghỉ hè, khi những cành phượng vĩ trổ bông và tiếng ve kêu rả rích.
 
Cuộc sống hiện đại với sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối internet, chúng ta có thể truy cập vào mạng xã hội để trò chuyện, chia sẻ thông tin. Một dòng tin được gửi đi thì chỉ trong tích tắc là đã nhận được phản hồi nên không còn cảm giác hồi hộp, chờ đợi…
 
Việc trao gửi tình cảm cho nhau qua những lá thư đã trở thành “xa lạ” với nhiều người, nhất là người trẻ, trong khi lá thư viết tay không chỉ đơn thuần là thông tin mà còn chứa đựng trong đó tình cảm, sự yêu thương của người viết và người nhận.
 
Giữa cuộc sống tất bật, đôi khi tâm trạng ngổn ngang và chợt bắt gặp lại nét chữ thân quen từ những bức thư xưa, thấy lòng lắng dịu. Những chuyện đã qua, những người đã gặp, những nơi đã đến… theo từng câu chữ trở về nguyên vẹn. Ta gặp lại trong từng lá thư cả một thời thanh xuân tươi đẹp với bao kỷ niệm ngọt ngào, những trò nghịch ngợm và cả ước mơ, hoài bão. Có lúc tự hỏi lòng rằng: “Đã bao lâu rồi mình chưa nhận được thư? Có ai muốn viết thư cho mình và liệu có còn ai mong chờ thư mình gửi?".
Nh.V

tin liên quan

Chiếc giá sách

(QBĐT) - Kỷ vật cuối cùng cha để lại cho con
Chiếc giá sách đơn sơ, bình dị
Chiếc giá sách-con vô cùng yêu quý
Đã đi theo con suốt cả cuộc đời

PGS.TS. Lý Hoài Thu và hành trình đồng sáng tạo

(QBĐT) - Biết tôi cùng quê hương và có "chút xíu" quan hệ gia tiên, nội tộc với nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn, PGS.TS.Lý Hoài Thu sôi nổi hẳn lên. Bà kể từng gặp tôi tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (1916-2016).

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Làng quê Yên Phú, xã Trung Hóa (Minh Hóa), nằm giữa thung lũng có phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi đá nhấp nhô bên cạnh hồ nước trong xanh và bãi cỏ tự nhiên rất đẹp.