Những không gian lấp lánh của trẻ thơ

  • 08:50 | Chủ Nhật, 14/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Danh họa Pablo Picasso, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất lịch sử mỹ thuật thế giới đã nói:“Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ”. Lịch sử mỹ thuật thế giới đã có một họa phái mang tên Hồn nhiên (NAIFS) ra đời ở Pháp đầu thế kỷ XIX do một số họa sĩ vẽ theo sở thích riêng với phong cách ngộ nghĩnh như trẻ thơ, nhằm thể hiện tâm tình của họ và đã tạo ra một loại hình thức mới cho nghệ thuật, như: Henri Rousseau, Camille Bombois…
 
Có lẽ bất cứ một họa sĩ chuyên nghiệp nào trên hành trình tìm kiếm cái đẹp của mình khi vơi cạn ý tưởng, khô cằn cảm xúc hoặc gặp những áp lực sáng tạo, họ đều có ước muốn: “Vẽ được như trẻ em”.
 
Thế giới của trẻ em luôn lung linh đầy màu sắc và biểu tượng cùng với mong muốn khám phá và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống xung quanh. Vẽ là một nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách. Từ khi bắt đầu nhận biết về thế giới quanh mình, trẻ em thường vẽ để biểu thị sự quan sát và giao tiếp khi ngôn ngữ chưa phát triển hoàn chỉnh (hoạt động vẽ đặc biệt có ý nghĩa trong việc phát triển hệ thống cơ, xương bàn tay và trí tuệ cho trẻ em).
 
Từ những hình, màu cơ bản ở lứa tuổi mầm non, bắt đầu biết miêu tả hiện tượng sự vật, có chủ đề nội dung rõ ràng ở cấp tiểu học cho đến khả năng miêu tả sát đúng với hiện thực xung quanh ở tuổi THCS là một quá trình bồi đắp để thành những đối tượng thẩm mỹ phản ánh cuộc sống, biểu thị cảm xúc và mang tình cảm, ước mơ trong thế giới riêng đầy “siêu thực” của trẻ  em.  
 
Tranh vẽ của trẻ em được “tiến hóa” cùng với hành trình sống, quan sát, khám phá và cảm nhận cuộc sống. Những bức tranh thường rực rỡ về màu sắc, đường nét linh hoạt, hình tượng khái quát, bố cục mới lạ. Trong nhiều bức tranh có thể xuất hiện cùng lúc nhiều trường phái sáng tác từ hiện thực, lập thể, trừu tượng, siêu thực… trong không gian đồng hiện mang tính liệt kê, bỏ qua mọi quy luật đúng sai, nhưng mang đầy xúc cảm, rung động thẩm mỹ.
 
Các em không chỉ có mục đích miêu tả những điều mình thấy mà còn bộc lộ suy nghĩ riêng cũng như muốn tái tạo, hình thành biểu tượng riêng về thế giới khách quan theo suy nghĩ, tình cảm của mình. Ai cũng biết bầu trời thường màu xanh, mặt trời thì đỏ, lá cây xanh… tuy vậy, với trẻ em, trời có thể đỏ, mặt trời có mắt mũi miệng, lá cây màu tím, hồng, những ngôi nhà bay lơ lửng, loài động vật chưa từng được thấy… Đó là một thế giới riêng thơ mộng do các em tạo nên và cần được tôn trọng, bởi chính là cá tính riêng trong sáng tạo, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ khác lạ cho những người lớn chúng ta.
Tranh của em Nguyễn Quỳnh Anh, lớp 2A, Trường tiểu học số 2 Nam Lý.
Tranh của em Nguyễn Quỳnh Anh, lớp 2A, Trường tiểu học số 2 Nam Lý.
Mục tiêu của môn Mỹ thuật trong trường học là giáo dục thẩm mỹ nhằm hình thành nhân cách toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ cho học sinh. Chúng ta đã có một thời kỳ thiếu vắng lĩnh vực này trong chương trình giáo dục. Từ những năm 2000 với sự đổi mới, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa Mỹ thuật vào các bậc học từ mầm non, lớp 1 đến lớp 9 một cách hệ thống cũng như áp dụng nhiều chương trình, mô hình giáo dục thẩm mỹ tiên tiến theo định hướng phát triển năng lực, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao sự sáng tạo độc lập của học sinh. Tiếp đến là chương trình giáo dục phổ thông 2006 và mới nhất là chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bổ sung nhiều hình thức trong việc tạo điều kiện và không gian cho học sinh thể hiện sự sáng tạo của mình.
 
Cùng với đó là ngày càng nhiều trung tâm, học viện sáng tạo do những người có chuyên môn lập ra từ thành phố lớn đến địa phương tạo thành sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em có đam mê với mỹ thuật thỏa sức khám phá bản thân thông qua ngôn ngữ tạo hình. Nhiều cuộc thi vẽ tranh từ cấp địa phương cho đến quốc gia, quốc tế do các cấp bộ, ngành hay đơn vị, cá nhân tổ chức cùng rất nhiều cuộc thi trong những năm qua về đề tài biển, đảo quê hương, trường lớp, ước mơ…, thể hiện sự quan tâm và đề cao của xã hội đối với sự sáng tạo của trẻ em.
 
Những năm làm giáo viên mỹ thuật bậc THCS, giảng dạy đào tạo giáo viên mỹ thuật tại Trường đại học Quảng Bình, được tiếp cận thực tế dạy-học mỹ thuật tại các trường trong tỉnh, đặc biệt là có cơ hội tham gia nhiều cuộc chấm thi vẽ tranh thiếu nhi do Sở GD-ĐT, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Tỉnh đoàn, Phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới và các cơ quan, ban, ngành, nhà trường tổ chức, tôi rất vui mừng khi không gian cho các em thỏa thích sáng tạo rất được quan tâm.
 
Nhận thấy tiềm năng sáng tạo của học sinh rất phong phú, nhiều em thật sự có năng khiếu thiên bẩm về hội họa, tín hiệu rất vui trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thẩm mỹ hiện nay. Nhiều tác phẩm tạo nên sự bất ngờ lớn về ngôn ngữ tạo hình và ý tưởng sáng tạo cho ban giám khảo và những nhà chuyên môn. Từ đây, chắp cánh cho các em tiếp tục hoàn thiện năng lực của mình trong tương lai.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những điều tích cực cũng có một vấn đề cần quan tâm, như: Nội dung chương trình môn Mỹ thuật trong nhà trường còn mang nặng hình thức, rập khuôn, máy móc, yêu cầu tất cả các em đều phải đạt kết quả tốt như nhau…Tại một số cuộc thi còn có sự nóng vội, sơ sài trong cách tổ chức, lựa chọn chủ đề quá lớn, phức tạp và đặc biệt là sự kỳ vọng quá lớn của người lớn đã tạo nên áp lực cho học sinh.
 
Nhiều bức tranh đã có sự can thiệp của giáo viên mỹ thuật, như: Sửa chữa hình, bố cục, sao chép theo ý tưởng, ý muốn của giáo viên…, dẫn đến thiếu vắng sự trong trẻo, hồn nhiên trong tạo hình của từng lứa tuổi. Phổ biến như vẽ về đề tài biển, đảo quê hương, đa phần các em đều thể hiện về hình tượng chú bộ đội Hải quân đang chiến đấu, cầm súng canh gác trong không gian vần vũ, khắc khổ…, trong khi cuộc sống thanh bình trên biển, đảo thì rất ít khi được đề cập đến.
 
Điều này lỗi ở phần cung cấp, gợi ý đề tài của thầy cô theo sự hiểu biết, suy nghĩ của mình và buộc các em thực hiện theo nhằm để “đoạt giải” hay xuất hiện những bố cục, hình tượng mà chỉ có người đã qua đào tạo mỹ thuật chuyên nghiệp mới xây dựng được, hoàn toàn xa lạ với sáng tạo của tuổi thơ… Hãy cung cấp những hình ảnh đẹp, tích cực và gần gũi với thế giới tinh khôi của các em. Trao đổi, trò chuyện khơi gợi trí tưởng tượng và tôn trọng sáng tạo riêng với những đề tài gần gũi, như: Người thân, ước mơ, trường lớp để các em bày tỏ với điều mình quen thuộc, yêu quý.
 
Phát triển năng lực sáng tạo có quy luật như một đời cây: Nảy mầm-ra lá-đâm hoa-kết quả. Sự nóng vội đốt cháy giai đoạn, mong muốn có kết quả sớm sẽ nên những vết thương trong sự phát triển tự nhiên của sự sáng tạo. Sáng tạo dù ở bất kỳ lứa tuổi nào đều cần cá tính, sự riêng biệt và đúng với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Để trẻ em sống đúng với thế giới riêng của mình, hãy tôn trọng cá tính và năng lực của từng em. Mỗi bức tranh của trẻ em là một bông hoa có hương sắc riêng tạo nên vườn hoa rực rỡ. Mỗi loài hoa đều cần được trân trọng bởi chúng có “vẻ đẹp riêng”.
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

 

tin liên quan

82 tiết mục dự thi vòng sơ khảo liên hoan "Tiếng hát Tuổi hồng" lần thứ I

(QBĐT) - Sáng 13/5, tại Nhà Thiếu nhi Quảng Bình diễn ra vòng sơ khảo liên hoan "Tiếng hát Tuổi hồng" lần thứ I, năm 2023. 

Nghĩ về văn hóa đọc!

(QBĐT) - 1. Gần đây, trên facebook của một nhà văn sinh năm 1987, có đăng dòng trạng thái "Văn hóa đọc người Việt còn không?"

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Qua góc máy của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa đã được khắc họa rất sôi động, ấn tượng, dự cảm cho một "mùa vàng" của du lịch Quảng Bình.