Nghĩ về văn hóa đọc!

  • 08:15 | Thứ Bảy, 13/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Gần đây, trên facebook của một nhà văn sinh năm 1987, có đăng dòng trạng thái “Văn hóa đọc người Việt còn không?”, kèm bức ảnh mà anh ta “chộp” được khi hành nghề xe ôm tại một nhà ga. Bức ảnh thấy rõ, trong khi chờ tàu, một “ông Tây” ngồi say sưa đọc sách, còn tất cả người Việt đều chăm chú vào điện thoại thông minh.
 
Phía dưới là những bình luận trái chiều nhau. Người ngán ngẩm cho văn hóa đọc người Việt. Kẻ bênh vực: “Ở đâu cũng vậy thôi, trào lưu rồi, ông Tây chỉ là trường hợp đặc biệt…”. Có người phản biện: “Biết đâu, những người cầm điện thoại, họ đang đọc sách đấy chứ? Hiện nay, đâu chỉ có sách giấy như ông Tây…”.
 
Cũng trên facebook anh nhà văn này, sát Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đăng khoe khối lượng sách cả nghìn cuốn mà anh ta mua được. Gần nhất anh ta vét sạch túi, mua gần 15 triệu đồng tiền sách. Anh ta trăn trở: “Nhiều nhà văn bỏ ra tiền tỷ để đầu tư làm ăn, nhưng chẳng bao giờ bỏ ra trăm triệu đồng để đầu tư tủ sách…”.
 
Nhiều người bình luận: Tất nhiên rồi, trước khi muốn viết, đọc thì phải có tiền đã. Lại có người thông cảm: "Em ơi, sách mua sắm ít một thôi, đọc đến đâu mua đến đó đỡ kẹt tiền hơn". Nhưng anh ta trả lời dứt khoát: “Với em, mua sách không chỉ để đọc, mà hàng đêm em còn đối thoại với sách, đối thoại với tác giả của nó”. Thật là một anh nhà văn có văn hóa đọc và yêu sách “đột biến” giữa thời buổi này.
 
2. Cũng gần đây thôi, facebook của một nhà văn đã đăng dòng trạng thái đầy hài hước và mai mỉa. Ông nhà văn nổi tiếng người Ba Đồn này đã kể lại câu chuyện cười ra nước mắt. Trong một chuyến về quê, ông được một người bạn ở huyện miền núi mời dự tiệc. Tại đó, ông hân hạnh được ngồi cạnh một thiếu phụ xinh đẹp, là tổ trưởng bộ môn văn của một trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn.
 
Chúc tụng đã nhiều, mà chẳng thấy cô giáo này biết mình là ai, ông nhà văn bèn hỏi, cô giáo tổ trưởng văn có biết nhà văn quê hương... không? Ngần ngại một lúc cô giáo trả lời: "Dạ, em… không biết ạ!". Ông nhà văn “tủi thân” hỏi: "Rứa chắc là biết nhà văn Bảo Ninh chứ?". Cô giáo lại tiếp tục ậm ừ. Nhà văn hài hước: “Ôi may quá, đến tác giả của Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng thế giới mà cô giáo cũng không biết, huống hồ anh tép riu như mình”.
 
Quá nhiều người đổ xô vào bình luận rằng, một tổ trưởng tổ văn THPT mà không đọc sách thì làm sao có kiến thức văn để dạy, làm sao để khuyến khích học sinh về văn hóa đọc? Cũng có người bênh vực đầy hàm ý, dạy văn chỉ cần theo hướng dẫn giảng dạy là đủ. Giáo viên nữ ngoài đứng lớp còn lo đủ việc nhà, thời gian đâu mà cầm đến sách. Có người đầy triết giáo: “Cần gióng lên một hồi chuông cảnh báo về văn hóa đọc trong hàng ngũ dạy văn nói riêng và cộng đồng nói chung!”.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

3. Tôi bắt đầu mê sách và ham đọc kể từ học lớp 4/10, khi phần thưởng cho học sinh tiên tiến là cuốn tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng” của nhà văn quê hương Hoàng Bình Trọng. Lứa tuổi của chúng tôi, và sau nhiều thế hệ 7X nữa, mê đọc đến nỗi phải “ăn cắp” từng tí thời gian để đọc. Tôi thậm chí còn bị đánh đòn vì ham đọc sách, không hoàn thành chỉ tiêu công việc mẹ giao.

Dọc đường đi học về, dù rất đói, nhưng ai cũng cầm quyển sách vừa đi vừa đọc. Có đứa còn đọc trộm trong giờ học các “tiết phụ” bị cô thầy tịch thu sách, lo đến phát ốm vì không biết lấy gì đền cho thư viện. Các thư viện ở huyện, nhà trường luôn trong tình trạng rỗng. Bởi hễ ai trả cuốn nào là có người khác “chụp” ngay. Quà tặng thời chúng tôi, cho cô thầy nhân ngày 20/11, cho bạn bè chia tay, thậm chí cả người yêu đều bằng sách. Chao ôi, sách của những thập niên 70, 80 thế kỷ trước còn khan hiếm nên quý lắm!

Không như bây giờ sách nhiều... Tất cả các nhà trường, từ tiểu học đến THPT đều có thư viện..., còn lớn hơn cả thư viện huyện ngày xưa. Tuy nhiên, tôi đã đến rất nhiều trường, tất cả vẫn nằm nguyên trong những tủ sách. Cô thủ thư chỉ có mỗi việc làm là... quét bụi và theo định kỳ, lấy sách ra thuyên chuyển cho các trường khác, nhận sách các trường khác xếp vào tủ.
 
Trong Hội sách khuyến học Ba Đồn, diễn giả Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức hội sách, đã được mời đến nói chuyện về sách và văn hóa đọc tại một trường THPT trên địa bàn. Ông hỏi: “Cháu nào đọc mỗi tháng một cuốn sách, giơ tay lên nào?”. Nhắc lại câu hỏi mấy lần vẫn không có cánh tay nào. Ông lắc đầu hỏi: "Vậy thì một năm?". Vài cánh tay giơ lên. Có lẽ chỉ cần kể vậy thôi, không bình luận gì thêm nữa, người quan tâm cũng đủ trăn trở về văn hóa đọc hôm nay.
 
4. Đứng trước thực trạng đó, nhà báo Phạm Phú Thép, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn vô cùng trăn trở. Ông đã đứng ra kết nối, cùng với chính quyền phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) và Alpha Books cùng các nhà tài trợ, tổ chức Hội sách khuyến học Ba Đồn.
 
Ông Phạm Phú Thép tâm tư: “Còn nhớ, vào dịp Tết Nguyên đán năm 1946 đã có sự kiện hội sách Ba Đồn. Khi đó, hội sách được tổ chức nhờ ông Lưu Trọng Dư (còn gọi là Thông Dư, là anh của nhà thơ Lưu Trọng Lư) và ông Nguyễn Thanh Đàm, ông Hồ Danh. Ban Tổ chức hội sách đã sưu tầm nhiều báo, tạp chí, sách... để phục vụ cho đông đảo nhân dân. Vậy cớ sao trước thực trạng văn hóa đọc bị mai một này, ta không tổ chức hội sách Ba Đồn lần thứ hai?”.
 
Hội sách khuyến học phường Ba Đồn được diễn ra tại đình làng Phan Long trong 3 ngày từ 25-27/4/2023, với chủ đề “Mở tương lai-khai trí sáng”. Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, đây là hội sách đặc biệt trong chuỗi các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 này.
 
Tại hội sách, trong khuôn viên đình làng Phan Long, có tới mấy nghìn đầu sách về các lĩnh vực văn học, lịch sử, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ… được trưng bày phục vụ người yêu sách, bạn đọc tại chỗ và bán giảm giá từ 10-50%, và đã có gần một nghìn đầu sách được bán ra. Nhìn số lượng người tham gia từ già đến trẻ, nhất là về đêm, những người quan tâm đều cảm thấy hạnh phúc. Thời gian hội sách quá ngắn, khiến nhiều người chưa đến được rất tiếc. Như vậy, cũng chưa đến nỗi bi quan về văn hóa đọc lắm, chí ít là ở đất Ba Đồn này.
 
Ông Trần Việt Châu, Chủ tịch UBND phường Ba Đồn cho hay, Hội sách khuyến học Ba Đồn là hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển trong cộng đồng.
 
Rất nhiều người, nhiều lĩnh vực đã khẳng định, thành công của mình là nhờ đọc sách. Người dân Ba Đồn kỳ vọng hội sách này sẽ giúp họ có thêm tri thức để làm được những điều mình muốn, để mỗi con người, ngôi nhà, mỗi khu phố Ba Đồn thêm sức sống, thêm tươi mát tâm hồn.
 
Những người có trách nhiệm với Ba Đồn đã khẳng quyết rằng, tương lai không xa của năm 2023, sẽ có một thư viện mở được thiết kế bởi Alpha Books tại không gian văn hóa đình làng Phan Long để phục vụ người đam mê sách, để khơi dậy niềm tự hào về văn hóa đọc của mảnh đất văn vật này.
 
Ý chí đã quyết và đặc biệt, cái khó nhất là tiền cũng đã ổn. Hy vọng!                                                                             
     Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Qua góc máy của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa đã được khắc họa rất sôi động, ấn tượng, dự cảm cho một "mùa vàng" của du lịch Quảng Bình.

Hoa mười giờ

(QBĐT) - Sao gọi là hoa mười giờ?
Đó chỉ là giờ hoa nở
Sắc hoa thắm hồng trước cửa
Chờ ai, dáng hoa nghiêng nghiêng?

Biển chiều Đá Nhảy

 (QBĐT) - Hùng vĩ thay Lệ Đệ
Chơi Đá Nhảy-Lý Hòa 
Núi già hay núi trẻ
Thông ngàn hỏi gió xa