Thơ chọn-Lời bình:

Đến với bài thơ "Băn khoăn" của thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa

  • 07:34 | Thứ Tư, 10/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Băn khoăn
Truyện Kiều em vốn không rành
Kính mong các bậc đàn anh giải trình
“Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”
Phẳng lặng sao lắm kinh hoàng?
Sóng xô Phúc Kiến, lửa tràn Chiết Giang
Biên thùy Từ Hải dọc ngang
Năm năm hùng cứ ngang tàng một phương
Vững vàng sao lắm tai ương?
Sai nha hoạnh họe, dân thường khổ thay!
Quan tòa hay lũ cướp ngày?
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi
Sở, Mã là lũ nhặng dòi
Bạc Bà, Bạc Hạnh là nòi sài lang.
Vương Ông chịu cảnh hàm oan
Gia đình ly tán, nát tan, đau lòng
“Sẵn thây vô chủ bên sông”
 “Vững vàng”, “phẳng lặng”? Đúng không? Giải giùm!
 Hoàng Hiếu Nghĩa
 
Lời bình:

Bài thơ "Băn khoăn" có mặt trong Tuyển tập Hoàng Hiếu Nghĩa (NXB Thuận Hóa, 2017). Những câu hỏi mà thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa đặt ra khá bất ngờ. Tôi vốn là một trong những người yêu thích và quan tâm tìm hiểu Truyện Kiều, nhưng không hề để ý đến sự mâu thuẫn này. Trả lời thỏa đáng những “băn khoăn” của thầy thật không dễ dàng chút nào.

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Tuyển tập Hoàng Hiếu Nghĩa".

Ngay hai câu mở đầu: Truyện Kiều em vốn không rành/Kính mong các bậc đàn anh giải trình, thầy đã làm khó cho những ai muốn trả lời rồi! Đã đành đây chỉ là cách đố vui, theo kiểu đối đáp dân gian giữa bên trai bên gái, nhưng khi thầy xưng “em” thì chắc chắn không một ai dám làm “bậc đàn anh” của thầy cả. Lại nữa, thầy nói “Truyện Kiều em vốn không rành” cũng ít ai tin.

Ở tỉnh Quảng Bình hiện nay hiếm người am hiểu Truyện Kiều tường tận như thầy. Bởi am hiểu Truyện Kiều tường tận nên thầy mới có thể tập Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều thành thạo đến như thế. Những bài viết của thầy về Truyện Kiều hết sức công phu và có tính thuyết phục cao. “Vốn không rành” Truyện Kiều, làm sao thầy có thể phát hiện những nghịch lý: Phẳng lặng sao lắm kinh hoàng?/Sóng xô Phúc Kiến, lửa tràn Chiết Giang... Vững vàng sao lắm tai ương?/Sai nha hoạnh họe, dân thường khổ thay!.
 
Bức tranh hiện thực “năm Gia Tĩnh, triều Minh” lần lượt tái hiện qua mấy dòng lục bát cô đọng, súc tích của thầy. Truyện Kiều dài ngót nghét 3.254 câu, thầy chỉ tóm lược trong 18 câu, mà có đủ các yếu tố: Đố Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều. Bài thơ là một hình thức “đố vui để học”. Tôi không may mắn được học với thầy một giờ nào nhưng luôn coi mình là “học trò ruột” của thầy. Giáo viên, khi ra đề cho học sinh làm bài kiểm tra (bất cứ bộ môn nào) cũng đều soạn sẵn đáp án. Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa chắc cũng như vậy.
 
Để tham gia trò chơi “đố vui để học” của thầy, tôi đã dành thời gian thích đáng nghiền ngẫm lại tác phẩm Truyện Kiều. Tôi nhận ra: Muốn trả lời những câu hỏi tương đối hóc búa trong bài thơ "Băn khoăn" của thầy, phải đi sâu tìm hiểu cách nói mỉa của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Trong Truyện Kiều, tác giả sử dụng cách nói mỉa khá biến hóa. Đối với những kẻ chuyên "buôn thịt, bán người" như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh thì độc giả nhận ra ngay thái độ châm biếm, mỉa mai của tác giả. Nhà thơ thường thể hiện trực tiếp thái độ của mình qua một số từ ngữ mang tính biếm hoạ (chữ “tót” trong câu "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”). Đối với những nhân vật Nguyễn Du yêu mến như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải… đôi khi nhà thơ cũng sử dụng cách nói mỉa nhưng hết sức nhẹ nhàng, kín đáo, phải thật tinh ý mới nhận ra.
 
Chẳng hạn, nhà thơ chế giễu chàng Kim trong câu: Rắp mong treo ấn từ quan. “Rắp mong” có nghĩa là mới trong ý nghĩ thôi. Đó là cái việc như ta biết Kim Trọng không bao giờ làm. Ngoài cách nói trực tiếp, Nguyễn Du còn sử dụng cách nói ngược. Đối với những nhân vật có vai vế trong triều đình như Hồ Tôn Hiến, nhà thơ thường sử dụng cách nói ngược rồi “trường kỳ mai phục” (phục bút). Đọc những dòng giới thiệu về Hồ Tôn Hiến: Có quan tổng đốc trọng thần/Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài, ta tưởng như nhà thơ ca ngợi viên tổng đốc trọng thần này. Mãi đến khi Hồ Tôn Hiến cho quân bao vây đánh úp Từ Hải, bắt Kiều đánh đàn trong bữa tiệc mừng công, rồi gán Kiều cho một viên thổ quan, ta mới hiểu hết cái “tài” lật lọng, “tài” “ăn ốc đổ vỏ” của vị quan tổng đốc này.
 
Tương tự như vậy, mới đọc qua mấy câu giới thiệu khái quát: Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh/Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng… đầu tác phẩm, ta cứ tưởng cái thời ấy “phẳng lặng” thật, “vững vàng” thật. Nhưng càng đọc ta mới hiểu cái thời ấy chẳng hề “phẳng lặng”, chẳng hề “vững vàng” một chút nào.
 
Đúng như thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa băn khoăn: Phẳng lặng sao lắm kinh hoàng/Sóng xô Phúc Kiến, lửa tràn Chiết Giang... Vững vàng sao lắm tai ương/Sai nha hoạnh họe, dân thường khổ thay! Đó cũng là cách nói mỉa kết hợp với nghệ thuật “phục bút” tài tình của đại thi hào. Thì ra nhà thơ dùng những từ như “phẳng lặng”, “vững vàng” là với ý châm biếm, mỉa mai. Những “phẳng lặng”, “vững vàng” kia chẳng qua chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài mà thôi.
 
Không biết lời giải đáp như thế của học trò có trùng với đáp án của thầy không? Dẫu sao thì tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Cái chìa khóa mà tôi dùng để giải mã những băn khoăn của nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa, đã phần nào giúp tôi hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nghệ thuật châm biếm, mỉa mai hết sức tinh vi, độc đáo của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Với tôi, đây là trò chơi trí tuệ vô cùng thú vị và bổ ích. Hình thức “đố vui để học” kiểu như những câu hỏi trong bài thơ "Băn khoăn", theo tôi nên được áp dụng rộng rãi và thường xuyên để góp phần kích thích trí tò mò, tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Văn nói chung và Truyện Kiều nói riêng.                                                                           
Mai Văn Hoan

tin liên quan

Quảng bá hò khoan Lệ Thủy tại Festival nghề truyền thống Huế

(QBĐT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, hò khoan Lệ Thủy vinh dự cùng 69 cơ sở, làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Huế và các tỉnh, thành trong cả nước tham gia sự kiện.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. 

Hội làng truyền thống dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(QBĐT) - Trong 2 ngày 28-29/4 (tức mồng 9 và 10/3 âm lịch), làng Thổ Ngọa và Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn tổ chức lễ hội làng truyền thống nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc.