Tâm tình người thủy thủ-Hành trình của một bài thơ

  • 08:12 | Thứ Bảy, 20/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Hà Nhật nguyên là giáo viên dạy văn Trường cấp III Đồng Hới và Trường cấp III Lệ Thủy những năm 60, 70 thế kỷ XX. Ông là một trong hai huyền thoại của ngành Giáo dục Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Học văn thầy Cán, học toán thầy Trình/Học sinh trung bình cũng thành tiên tiến”. Nhà thơ Hà Nhật chính là nhà giáo Lương Duy Cán. Thơ ông lãng tử, phóng khoáng và giàu ân tình như con người ông vậy. Gần đây, tôi may mắn được gặp nhà thơ Hà Nhật khi ông về thăm quê ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa).
 
Nhắc đến kỷ niệm những năm tháng dạy học ở Quảng Bình, nhà thơ rất nhớ về “số phận” một bài thơ được nhiều người yêu thích, bài thơ “Hai bài thơ tình của người thủy thủ”. Đó là tác phẩm được viết trong một chuyến đi biển mùa hè năm 1962. Mặc dù bị những trận say sóng nhấn chìm nhưng những câu thơ trữ tình hiện đại lại vút lên: “Em hỏi tôi nước biển màu gì/Tôi/Người thủy thủ/Từng lênh đênh năm tháng/Tôi sẽ nói cùng em/Nước biển dịu dàng/Bí mật và cuồng nộ/Cũng như màu đôi mắt của em/Song dẫu thế nào/Tôi cũng sẽ đến bên em/Và tôi sẽ làm cho mắt em xao động/Như gió ngày ngày/Xua sóng về trên biển rộng…” (Bài thơ tình thứ nhất).
 
Nhà thơ Hà Nhật kể rằng, ông làm bài thơ này trong thời gian ông đang bị “treo bút” do bị quy kết có tư tưởng “tiểu tư sản”. Để tác phẩm được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông không đề tác giả là Hà Nhật mà mượn tên của hai cô em quen biết: Mai và Liêm làm bút danh. Rất may tạp chí đã đăng một phần của bài thơ, với tựa đề: “Một bài thơ tình của người thủy thủ”-tác giả Mai Liêm.
 
Đêm nay khi trăng mọc/Thuyền anh sẽ nhổ neo/Em đừng hỏi/Vì sao anh đi/Cũng đừng hỏi/Chân trời xa có gì kêu gọi/Anh biết/Nếu ở cuối trời có đảo trân châu/Hay ở đảo xa/Có nụ hoa thần tìm ra hạnh phúc/Hay có người gái đẹp/Môi hồng như san hô/Cũng không thể khiến anh xa được em yêu/Nhưng em hỡi/Nếu có người trai chưa từng qua bão tố/Chưa từng qua thử thách gian lao/Lẽ nào có thể xứng với tình em” (Bài thơ tình thứ hai).
 Tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Hà Nhật.
Tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Hà Nhật.

Tác phẩm này đã để lại dấu ấn khó phai trong ký ức tác giả và trong tình cảm của người yêu thơ. Đặc biệt khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Vân chắp cánh bằng âm nhạc thì sự lan tỏa của nó càng xa hơn. Thực ra có nhiều người phổ nhạc bài thơ này nhưng chỉ ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân là thu hút được thính giả ngay từ lần đầu tiên phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Bài ca tâm tình người thủy thủ” ngay lập tức được thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ yêu thích. Ca khúc bay đi bốn phương nhưng không ai biết đích xác tác giả của những ca từ lãng mạn và phóng khoáng ấy. Mai Liêm là một ẩn số. Nhà thơ Hà Nhật vẫn “mai danh, ẩn tích”. Ông hạnh phúc khi tác phẩm của mình được âm nhạc chấp cánh nhưng không muốn lộ diện khi những mặc cảm về cái gọi là “thành phần có tư tưởng tiểu tư sản” vẫn còn đè nặng. Mọi thông tin về hành trình từ bài thơ đến ca khúc ông chỉ được nghe kể lại. Lần đầu tiên là một người bạn ở Hà Nội viết thư cho biết: “Tối qua tao vừa nghe trên đài phát bài hát phổ bài thơ của mày, người hát là Quý Dương”. Chỉ vậy, bài hát hay thế nào thì chịu vì lúc bấy giờ có một chiếc đài để nghe là điều xa xỉ. 
 
Nhà thơ Hà Nhật kể rằng, lần đầu tiên ông nghe bài thơ được phổ nhạc của mình trong tình huống rất trớ trêu. Dịp đó, Đoàn văn công Trung ương vào biểu diễn tại hội trường Tỉnh ủy Quảng Bình, chỉ những ai có giấy mời mới được vào xem. Mặc dù không thuộc thành phần nhưng ông vẫn cứ đi bộ từ đồi Thuận Lý xuống đồi Giao Tế, hy vọng nếu gặp được người quen thì xin vào… Trong lúc đang loanh quanh tìm vận may, ông nhìn thấy tấm áp phích giới thiệu chương trình đêm diễn, rất bất ngờ trên đó có ghi: “Bài ca tâm tình người thủy thủ, nhạc: Hoàng Vân, lời: Phỏng thơ Mai Liêm, đơn ca: Kiều Hưng”.
 
Cảm xúc vừa vui, vừa buồn lại có phần chua chát dâng ngập trái tim nhạy cảm, trong kia người ta sẽ hát lên những lời thơ của ông nhưng ông thì đang đứng ở ngoài mong xin được vào… "coi ké". Thế nhưng, đây là cơ hội hiếm có để được trực tiếp nghe những lời thơ của mình vút lên trên nền nhạc, ông quyết tâm đợi đến cùng để xin vào xem đêm diễn. Luẩn quẩn quanh hội trường Tỉnh ủy từ chập tối, những người không vào được đã nản chí về hết,  riêng ông vẫn ở lại, mong gặp một cơ may. Trong đó, nghệ sĩ Kiều Hưng sắp trình bày bài hát phổ lời thơ của ông, ông không thể về!
 
Ông kể: “Tôi đứng một lúc thì có người đi đến. Tôi đành liều đến nói nhỏ: “Làm ơn nói với anh Kiều Hưng, tôi muốn gặp anh ấy!”. Lúc đó, tôi hơi run, nhưng rất may nghệ sĩ Kiều Hưng đã bước ra. Anh ấy tỏ vẻ rất ngạc nhiên: “Tôi là Kiều Hưng. Có gì không đồng chí?”  Tôi nói: “Nói thật, tôi là Mai Liêm, tác giả lời bài hát "Bài ca tâm tình người thủy thủ" nhưng tôi không có giấy mời vào xem biểu diễn”. Nghệ sĩ Kiều Hưng à lên, rồi rủ: “Thôi, anh cứ tạm vào đây đứng chơi với anh chị em diễn viên, vừa xem cũng được”.
 
 Tôi vừa mừng vừa xúc động, vội vàng đi theo anh ấy vào phía sau sân khấu. Tuy nhiên, “được đằng chân, lân đằng đầu”, đứng lẩn xẩn một lúc tôi lại nghĩ: Ở chỗ này thì làm sao xem biểu diễn được, nhất là sắp đến lúc Kiều Hưng hát “bài hát của tôi”. Thế là tôi đành liều lom khom men ra phía trước sân khấu, đến khoảng lối đi giữa hai hàng ghế rồi lẳng lặng lót dép ngồi xuống. Không ngờ, lát sau có một cô gái bưng ghế đến và mời tôi ngồi.
 
Những năm sau này, tôi từng nghe bài hát rất nhiều lần, nhưng chưa có lần nào tôi cảm thấy bài hát ấy hay và đầy hồn vía như lần đó. Tôi cũng nhớ mãi và biết ơn nghệ sĩ Kiều Hưng đã giúp tôi được lần đầu nghe ca khúc phổ thơ mình trong cảm xúc vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc, mặc dù lúc đó chẳng ai biết tôi là Mai Liêm. Chỉ lâng lâng cảm xúc một mình thôi mà nhớ mãi! Một điều thú vị nữa là mấy chục năm sau, khi chuyển vào dạy học tại Phan Thiết tôi được gặp lại cô gái đã bưng ghế ra cho tôi ngồi xem trong đêm diễn đáng nhớ ấy!".
 
Bài thơ “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” và ca khúc “Bài ca tâm tình người thủy thủ” ra đời đã hơn 60 năm. Người yêu thơ, khán thính giả khắp nơi cũng đã biết ông là tác giả của bài thơ nhưng nhà thơ Hà Nhật vẫn đề tên tác giả của thi phẩm này là Mai Liêm, chỉ thêm phần mở ngoặc Hà Nhật. Với ông, sức sống một tác phẩm hoàn toàn không ở cái tên tác giả mà chính ở nội dung của nó. Hà cớ gì phải thay đổi?!
Trương Thu Hiền

tin liên quan