Thanh Hữu với "Tình thơ"

  • 07:26 | Thứ Hai, 24/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau "Khóc và cười" (NXB Thuận Hóa, 2022), Thanh Hữu vừa mới trình làng tập thơ thứ 2: "Tình thơ" (NXB Thuận Hóa, 2023). Trong ngôn ngữ tiếng Việt, những từ ghép đẳng lập, như: Đau buồn, mưa nắng, sông núi… dù có đảo vị trí thì nghĩa cũng không thay đổi. Nhưng những từ ghép chính phụ nếu thay đổi vị trí thì nghĩa sẽ thay đổi, chẳng hạn: “Hoa đào” khác “đào hoa”, “báo giấy” khác “giấy báo”, “học sinh” khác “sinh học”… Cũng tương tự như vậy, “tình thơ” khác “thơ tình”. “Thơ tình” chủ yếu là những bài thơ viết về tình yêu trai gái. Còn “tình thơ” có nghĩa rộng hơn. Đó là những bài thơ trữ tình viết về tình yêu quê hương, gia đình, bạn bè, tình yêu nam nữ.
 
Đọc những vần thơ chân chất, thật thà, mộc mạc của anh, tôi chợt nhớ Phùng Quán. Trong những phút “ngã lòng”, thi sĩ Phùng Quán đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thanh Hữu cũng thế. Có thể nói không ngoa rằng anh nhờ thơ mà yêu đời, mà vui vẻ sống. Thơ là “liều thuốc”, là “cứu cánh” của anh. Hay dở với anh không thành vấn đề, miễn là diễn tả được nỗi lòng. Anh “mần thơ” chủ yếu là để “khuây khỏa” những tháng năm cô đơn, ốm đau, bệnh tật chứ không phải để trở thành thi nhân, thi bá chi cả (như Đôi lời tự bạch của anh ở tập Khóc và cười).   
<img alt="Bìa sách " tình="" thơ="" "="" của="" tác="" giả="" thanh="" hữu.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202304/original/images494110287_Thanh_huu_THINH_THO__2_.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202304/original/images494110287_Thanh_huu_THINH_THO__2_.jpg" style="width: 300px; height: 479px; float: left;">
Bìa sách "Tình thơ" của tác giả Thanh Hữu.

 

Với tôi, người nào yêu thơ, bỏ công sức làm thơ tôi đều trân trọng. Tôi xem công việc đọc thơ bạn bè như công việc “đãi cát tìm vàng”. Giữa sa mạc mênh mông, nếu kiên trì nhẫn nại, thế nào cũng tìm được một vài “hạt vàng” lấp lánh. “Hạt vàng” đôi khi chỉ là một chút “cải biên” thơ của người đi trước. Một chút thôi, nhưng vẫn có thể đem lại sự mới mẻ.

Tí “vàng” đó đôi khi chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo ca dao hay “Truyện Kiều”: Thuyền em giờ đã sang sông/ Bến anh mòn mỏi dõi trông tháng ngày/Nghĩ tình không ớt mà cay/Ngẫm duyên không nợ lắc đầy sầu đong (Đồi sim tím). “Tình không ớt mà cay” lấy từ ca dao “ớt nào mà ớt chẳng cay” nhưng nói chệch đi. “Lắc đầy sầu đong” lấy từ Truyện Kiều (Nguyễn Du) “sầu đong càng lắc càng đầy” nhưng nói ngược lại. Phải thuộc nằm lòng ca dao và Truyện Kiều mới vận dụng một cách sáng tạo như vậy.

Trong bài Yêu nàng nữ sĩ trên Phây, 3 câu đầu tầm tầm, không có gì để bình: Trách thay cho thân phận mình/Cứ thương cứ nhớ bóng hình nàng thơ/Để rồi ra ngẩn vào ngơ… Câu thứ 4, chợt lóe sáng bởi cách dùng từ không giống ai của tác giả: Đọc thơ nàng viết, bơ phờ nhớ nhung. Thông thường, “bơ phờ” được ghép với “mặt mũi” hay “tóc tai”… “Nhớ nhung” mà cũng “bơ phờ”, quả tôi mới nghe lần đầu.

Cũng tương tự như vậy, trong bài Hoa thạch thảo, tác giả viết: Và đêm nay viết câu thơ trong lặng lẽ/Để gửi về hoa Thạch Thảo ngày xưa/Rồi trái tim vang lên rất khẽ/Nghe xuân về dịu mát những lời mưa... “Dịu mát những lời mưa” chứ không phải “dịu mát những lời thơ”. “Những lời thơ” thì bình thường, “những lời mưa” đặt trong văn cảnh này mới thật đắc địa.
 
Bài Ước hóa con cào cào vừa thật lại vừa hóm: Hồng Thắm nay ở Vũng Tàu/Về quê ra đứng ở bàu ruộng quê/Thoáng nhìn ai thấy cũng mê/Má non, môi thắm chẳng chê chỗ nào/Ước chi anh hóa cào cào/ Để mà bay đến đậu vào má em. Các chàng trai trong ca dao, khi tỏ tình với các cô gái, có hàng trăm điều ước: Ước gì anh hóa thành dưa/Để đêm em nhớ, em đưa anh vào; Ước gì anh hóa ra gương/Để cho em cứ ngày thường em soi/Ước gì anh hóa ra cơi/Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng… Nhưng không có chàng trai nào ước hóa thành “con cào cào” hết sức ngộ nghĩnh như chàng trai si tình Thanh Hữu cả.   
 
Đặt nhan đề Tình thơ là tác giả muốn gửi thông điệp đến độc giả khi nâng niu tập thơ chứa chất tình nghĩa và ơn nghĩa này. Đó là tình cảm với người yêu đơn phương: Gặp em chẳng nói nên lời/Xa em thì mãi muôn đời nhớ thương/Để rồi lòng nặng vấn vương/Thương em mà chẳng biết phương mô tìm… (Nhớ mãi bóng hình). Đó là cô Ngọc Trâm “chân chất và hiền ngoan” (quê xã Vạn Trạch, Bố Trạch) đã hết lòng chăm sóc trong những ngày anh nằm viện. Đó là cô Nguyễn Lụa, từ Hà Nội vào tận Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trao quà từ thiện, khiến anh cảm động đến trào nước mắt. “Những tấm lòng vàng”ấy đã và đang góp phần quan trọng giúp anh vượt qua số phận, “vượt lên chính mình”.
 
Tập thơ thứ nhất Khóc và cười  đã được bạn đọc gần xa ưu ái đón nhận. Tôi tin với tập thơ thứ hai này, chắc chắn cũng sẽ được độc giả ưu ái đón nhận như thế. Mong anh luôn lạc quan, yêu đời và tiếp tục “mần thơ” với tâm thế: Tuổi đời nghe cũng đã già/Mà tâm hồn thấy, như là trai tơ…
 
Tác giả Thanh Hữu sinh năm 1965, quê gốc huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), quê mẹ ở xã An Ninh (Quảng Ninh), hiện đang sinh sống ở xã An Ninh.

                                                                                                                       Mai Văn Hoan

tin liên quan

Biển chiều Nhật Lệ

(QBĐT) - Nhật Lệ chiều buông yên ả
Biển trời man mác màu xanh
Con sóng hôn bờ cát trắng
Mặn mòi suốt bao tháng năm...

Dòng sông bên ngôi nhà Đại tướng

(QBĐT) - Có lẽ tôi và rất nhiều người con của Lệ Thủy không ít lần băn khoăn đi tìm câu trả lời về tên của dòng Kiến Giang. Với tôi, dòng sông quê hương như một thiếu nữ tuổi xuân thì. 

Thơ chọn-Lời bình: Trước đền thờ vua Hùng

(QBĐT) - Nhà thơ Thạch Quỳ là người thường có nhiều chiêm nghiệm về các đề tài lịch sử và thế sự. Ông là tác giả hai bài thơ khá nổi tiếng: "Nói với con" và "Qua đền Công ghi chuyện cũ".