Văn học Quảng Bình, người trẻ đang ở đâu?

  • 08:10 | Thứ Bảy, 22/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hãy bắt đầu bằng con số hiện có của Phân hội Văn học, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình: 99 hội viên. Trong đó, 63 người từ 60 tuổi trở lên, 28 người từ 40-59 tuổi, chỉ có 8 người dưới 40. Theo tiêu chí của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, dưới 35 tuổi mới được gọi hội viên trẻ, thì Phân hội Văn học của hội chỉ có 5 người, chiếm xấp xỉ 5%. Trong bài viết này, xin được mở rộng biên độ độ tuổi lên đến 40. Đây không chỉ là thực trạng của riêng Hội VHNT Quảng Bình mà của hầu hết hội VHNT các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
 
Có phải do các hội VHNT chưa làm tròn nhiệm vụ của mình?! Một thực tế là từ trước đến nay, đặc biệt kể từ Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới với quan điểm: Tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
 
Chương trình hành động số 31-Ctr/TU của Tỉnh ủy Quảng Bình đã có những chỉ đạo quyết liệt về bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ: Có kế hoạch và chính sách để không ngừng phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng các năng khiếu, tài năng VHNT, tạo lực lượng kế tiếp cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà… Vì vậy, công tác phát hiện, thu hút tài năng sáng tạo trẻ luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch từng năm và mỗi nhiệm kỳ của Hội VHNT Quảng Bình.
 
Hội đã thành lập Ban sáng tác trẻ do các văn nghệ sĩ trong độ tuổi, tài năng, tâm huyết đảm nhiệm. Xác định vai trò của mình, Ban sáng tác trẻ đã hoạt động tích cực, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động VHNT trên địa bàn. Qua đó, phát hiện những tác giả có năng khiếu để giới thiệu quảng bá tác phẩm trên Tạp chí Nhật Lệ, báo, đài trong tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khắp cả nước; đồng thời, mời tham gia các hoạt động do hội tổ chức, như: Đi thực tế, giao lưu học tập kinh nghiệm, trại sáng tác nhằm tạo cảm hứng sáng tạo và lưu giữ tình yêu VHNT chớm nở trong họ.
 
Sự nỗ lực của Ban sáng tác trẻ đã thu được một số kết quả nhất định. Một số người dù chưa đủ điều kiện trở thành hội viên nhưng đã đến tham gia các hoạt động hội, xem như là một dịp tốt để gặp gỡ, giao lưu tác phẩm để phát triển. Có một không gian khác, rất thân thiện và rộng mở đối với các tác giả trẻ, đó là Tạp chí Nhật Lệ-một cơ quan truyền thông đủ năng lực để thu hút tác phẩm của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh.
 
Tạp chí thực sự là "đất lành" để ươm mầm những tài năng. Nhà văn Nguyễn Hương Duyên, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nhật Lệ chia sẻ, Ban biên tập "mừng như bắt được vàng" khi phát hiện ra một tác giả trẻ nào đó xuất hiện. Họ luôn săn đón, chăm chút cho những người trẻ ấy bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và kỳ vọng.
Chuyến đi thực tế của Ban sáng tác trẻ tại Đồn Biên phòng Làng Ho.
Chuyến đi thực tế của Ban sáng tác trẻ tại Đồn Biên phòng Làng Ho.
Với sự dày công rèn giũa và hỗ trợ của đội ngũ biên tập viên giàu kinh nghiệm, nhiều tác giả trẻ đã trưởng thành từ đây. Đó là: Hoàng Thúy, Lê Hương, Nhung Nhung, Phạm Thùy Ngân, Ngô Mậu Tình... Những tác giả này hiện đang sinh sống và làm việc tại Quảng Bình, họ đang cần mẫn viết với niềm say mê rất đáng trân trọng. Với tác phẩm của mình, họ đã được nhiều độc giả nhớ tên. Tuy nhiên, bên cạnh đó. có một số tác giả trưởng thành từ những trang viết đăng tải trên Tạp chí Nhật Lệ nhưng bởi nhiều lý do họ không còn sáng tác văn học nữa. Điều này để lại nhiều nuối tiếc cho các biên tập viên ở Tạp chí Nhật Lệ nói riêng và Hội VHNT Quảng Bình nói chung.
 
Trước thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng già hóa, thậm chí có nguy cơ đứt gãy thế hệ, Hội VHNT Quảng Bình đã có nhiều chuyến khảo sát tại các huyện, thị xã để tập hợp, tổ chức trại sáng tác cho tác giả trẻ chưa kết nạp hội viên của hội, với điều kiện đơn vị hoặc địa phương sở tại đánh giá là có năng khiếu, có một chút yêu thích văn học và độ tuổi mở rộng lên đến 40. Chỉ cần họ chấp nhận dự trại là đã thành công! Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, nhà văn Nguyễn Thế Tường… từng vài lần “cơm nhà, trù đạy” đi đến các phòng Giáo dục-Đào tạo, trường THPT trên địa bàn các huyện nhờ giới thiệu những giáo viên và học sinh có năng khiếu viết văn.
 
Tuy nhiên, tìm kiếm tài năng sáng tác văn học là một con đường dài và vắng bóng người. Phải nói rằng, đó là những chuyến đi ngổn ngang cảm xúc. Khấp khởi hy vọng rồi thất vọng, vì có lần đi suốt cả ngày vẫn không tìm được một ai chịu gật đầu vào Đồng Hới ở lại 15 ngày chỉ để viết văn, làm thơ. Ngời ngời tự hào: “Tôi là nhà văn… ở Hội VHNT Quảng Bình” rồi bất lực, bực dọc thậm chí nổi nóng bởi có những nơi không cần nghe hết câu đã từ chối thẳng thừng yêu cầu đầy nhã ý của cán bộ hội.
 
Trại sáng tác trẻ được cho là thành công nhất về sự huy động con người được tổ chức cách nay đã gần 10 năm, với sự tham gia của 15 người trẻ từ Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, là cán bộ viên chức, giáo viên. Hội VHNT Quảng Bình hoàn toàn không dám kỳ vọng tất cả sẽ trở thành tác giả, chỉ mong bên cạnh công việc họ đang làm, mỗi người còn nuôi giữ tình yêu văn chương để viết như là một nhu cầu tự thân.
 
Sau trại này chỉ có duy nhất 1 người đủ nồng đượm với văn chương để đi cùng đam mê của mình cho đến nay. Đó là Trác Diễm. Diễm đã bước đầu thành công trên đường văn khi năm 2022, cô được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vấn đề là chỉ hết năm nay nữa Diễm đã qua tuổi 35. Liệu sau Diễm sẽ có một nhân tố mới nào xuất hiện?
 
Sáng tạo văn học đòi hỏi năng khiếu, niềm đam mê và cả yếu tố kinh tế.  “Có thực mới vực được đạo”, không thể theo đuổi đam mê văn chương khi điều kiện về vật chất chưa bảo đảm, nhiều người trẻ rất tài năng vừa chạm lề đường văn đã dừng lại. Còn nhớ năm 2008, lần đầu tiên ở Quảng Bình xuất hiện tập thơ “Bé và mặt trời” của cháu Lê Huyền Minh. Khi đó, Huyền Minh mới 10 tuổi, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Hải Đình (TP. Đồng Hới).
 
Tập thơ ngay lập tức gây ngạc nhiên trong công chúng. Sau đó, xuất hiện một hiện tượng khác, đó là Mai Như Quỳnh với tiểu thuyết đầu tay “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” đã khiến bạn đọc và giới chuyên môn sửng sốt khi còn là học sinh lớp 11, Trường THPT Lệ Thủy. Hội VHNT Quảng Bình mời Quỳnh dự trại sáng tác văn học với kỳ vọng em sẽ trở thành tác giả trẻ giàu nội lực. Tuy nhiên, sau sự xuất hiện lần đầu tiên và hết sức bất ngờ, Huyền Minh, Như Quỳnh đều chọn một ngành khác có thể mang đến nhiều cơ hội hơn trên đường đời để theo đuổi.
 
Hiện nay, hầu hết hội viên văn học trẻ của Hội VHNT Quảng Bình đều là cán bộ, viên chức nhà nước, có thu nhập ổn định từ lương. Trác Diễm, viên chức Văn phòng hội; Lê Hương, giáo viên; Nguyễn Thị Diệu, giáo viên; Nhung Nhung, công chức UBND xã; Phạm Thùy Ngân, giáo viên; Ngô Mậu Tình, giáo viên… Họ yên tâm viết văn làm thơ khi có cảm xúc. Còn những người trẻ khác chưa có công việc và thu nhập ổn định thì thật... bất khả thi, “cơm áo không đùa với khách thơ”!
 
Phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp hội viên trẻ là nhiệm vụ khó khăn, gần như nghị quyết nhiệm kỳ nào, kế hoạch hoạt động năm nào Hội VHNT Quảng Bình cùng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tác giả trẻ để kết nạp vào hội với quyết tâm mạnh mẽ. Đính kèm theo là rất nhiều biện pháp nhằm thu hút sự quan tâm và gắn bó của người trẻ đối với tổ chức hội, qua đó, tiếp cận để khích lệ động viên tinh thần lao động sáng tạo trong họ, như: Phối hợp ngành Giáo dục-Đào tạo và các trường THPT toàn tỉnh để phát hiện năng khiếu sáng tác văn học, giúp đỡ tạo điều kiện để người viết trẻ công bố tác phẩm trên Tạp chí Nhật Lệ.
 
Ban sáng tác trẻ, Hội VHNT Quảng Bình cũng đã tích cực tạo môi trường cho tác giả trẻ có điều kiện hoạt động sáng tác, như: Tổ chức trại sáng tác, đi thực tế, Tạp chí Nhật Lệ tiếp tục phát hiện tác giả trẻ, gặp gỡ động viên và góp ý cho tác phẩm đồng thời dành số trang thích đáng để đăng tải tác phẩm của họ…
 
Nhìn chung, kết quả thu được cũng đã có nhưng không như kỳ vọng. Vậy nên, câu hỏi: Văn học Quảng Bình, người trẻ đang ở đâu vẫn luôn mang tính thời sự.  
Trương Thu Hiền
 

tin liên quan

Tọa đàm kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam"

(QBĐT) - Tối 20/4, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tổ chức chương trình tọa đàm kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943-2023).

Không để sách "chết"

(QBĐT) - Những cuốn sách không nằm im lìm trên giá, mỏi mòn chờ… bụi phủ. Ngược nắng, ngược gió, ngược đường sá xa xôi, chúng được mang đến tận tay các em nhỏ ở các bản làng xa ngái còn nhiều khó nhọc.

Khai trương tủ sách Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 21/4, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình phối hợp với Thư viện tỉnh khai trương tủ sách Hội VHNT tại Thư viện tỉnh.