Thơ chọn-Lời bình: Trước đền thờ vua Hùng

  • 07:41 | Chủ Nhật, 23/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên cột vôi con nghê đá đang cười
Bao lớp ngói chất dày như lớp sóng
Hai vị tướng cầm gươm vẫn đứng
Canh khung trời trước cửa tam quan.
 
Chào mào về bay ríu cụm xoan
Cỏ gừng mọc trong kẽ sân gạch lở
Nghe gió thổi tóc tiên bay bờm ngựa
Bóng áo bào trong ráng đỏ chiều hôm.
 
Chẳng gặp Giáng Kiều với nhánh mẫu đơn
Ngọn khói tỏa hương trầm thơm chuyện cũ
Người dâng núi và kẻ thì dâng lũ
Chiếc bánh vuông trời đất tạo nên hình
 
Thuở trống đồng Lạc Việt mới khai sinh
Mặt trời chiếu nghìn tia trên mặt trống
Nửa điệu múa còn nguyên hình sự sống
Nghìn ước mơ trong một dáng chim bay.
 
Buổi khố trần cung nỏ đã cầm tay
Căm giặc giã, gửi mơ vào ngựa sắt
Ngọn đuốc dựng ánh vàng lửa thép
Cây tre ngà sáng mãi đến hôm nay.
 
Vua Hùng ơi! Người đã vạch luống cày
Với hạt lúa đầu tiên gieo xuống đất
Với tiếng trống đầu tiên, với ngọn cờ thứ nhất
Thời gian đi sâu thẳm, rộng dài
 
Thời gian đi tốc độ vòng quay
Xích máy kéo trở về cùng máy đập
Mà tiếng cuốc vua Hùng thời mở đất
Mãi thiêng liêng như tiếng gọi ban đầu.
Thạch Quỳ
de
Lời bình:
 
Nhà thơ Thạch Quỳ là người thường có nhiều chiêm nghiệm về các đề tài lịch sử và thế sự. Ông là tác giả hai bài thơ khá nổi tiếng: “Nói với con” và “Qua đền Công ghi chuyện cũ”. Bài thơ “Trước đền thờ vua Hùng” vừa có không khí, vừa có không gian lịch sử lại vừa sâu lắng ở một chiều sâu tâm thức của thế sự. Chính sự kết hợp độc đáo và hài hòa này đã cho ông khá thành công với một tứ thơ vừa tôn nghiêm, tôn kính, vừa sống động tươi xanh, vừa trầm lắng lay thức.
 
Mở đầu bài thơ là những phác họa chấm phá, nhưng lại ấn tượng về chi tiết với hình ảnh rất gợi cảm: “Trên cột vôi con nghê đá đang cười” đến “Hai vị tướng cầm gươm vẫn đứng”. Một khung cảnh, khung ảnh viền lại khuôn hình trong kiến trúc, nhưng lại bắt đầu một không gian tâm tưởng lay động lòng người bởi: “Bao lớp ngói chất dày như lớp sóng”. Và sóng lòng nhà thơ bắt đầu cuộn lên những cung bậc, những âm vang da diết của trầm tích quá khứ lịch sử gắn bó với xanh tươi thiên nhiên qua trầm mặc dấu ấn thời gian.
 
Đó là cảnh: “Chào mào về bay ríu cụm xoan-Cỏ gừng mọc trong kẽ sân gạch lở”. Một sự quan sát khá tinh tế để đẩy những liên tưởng dào dạt tới một cấp độ cao hơn, đằm thắm hơn: “Nghe gió thổi tóc tiên bay bờm ngựa-Bóng áo bào trong ráng đỏ chiều hôm”.
 
Một không gian thật đẹp và hào hùng gợi cho ta nhớ lại những trang sử truyền thống của đất nước như một tấm toan để nhà thơ hồi tưởng vẽ lên đó những phác họa tâm tình với bao đồng cảm thiết tha. Truyền thuyết Lang Liêu và sự tích “Bánh chưng, bánh dày” cùng chuyện “Sơn Tinh-Thủy Tinh” được nhà thơ điểm tô bằng nét cọ với gam màu trầm: “Ngọn khói tỏa hương trầm thơm chuyện cũ”. Chuyện cũ là bệ phóng để chiếu rọi về cái mới hôm nay, về phong thổ đất đai nước Việt khi: “Chiếc bánh vuông trời đất tạo nên hình”.
 
Có thể nói ống kính của tâm hồn thi sĩ bắt rất nét, rất ấn tượng khi cận cảnh khắc họa hình ảnh trống đồng. Đó không chỉ là bảo vật quý báu của văn hóa Việt Nam mà còn là điểm hội tụ của hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời vua Hùng dựng nước. Trống đồng và những hình khắc hoa văn cho chúng ta hình dung được đôi nét về cuộc sống của Việt cổ thời xa xưa ấy.
 
Nhà thơ đã thấm thía hết hồn Việt để phát hiện bề sâu của: “Nửa điệu múa còn nguyên hình sự sống-Nghìn ước mơ trong một dáng chim bay”. Tứ thơ được cất cánh bay lên, được thăng hoa, được thổi vào những huyền thoại mà Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng chính là một hình ảnh bất tử: “Căm giặc giã, gửi mơ vào ngựa sắt” với “Cây tre ngà sáng mãi đến hôm nay”.
 
Khổ thơ hay nhất và kết tinh nhất là vua Hùng gắn bó với thần dân cùng nông dân đi cày, cùng gieo hạt lúa. Sự gần gũi bình dị và thuần hậu ấy chính là điểm sáng nhân văn lung linh trong hồn cốt linh khí của văn minh lúa nước. Đó cũng chính là hạt nhân của bài thơ, từ đó lan tỏa, từ đó tôn vinh, từ đó cộng hưởng tâm tình. Đó cũng chính là độ lùi của thời gian, độ sâu của tâm tưởng và độ thiết thân cộng cảm khi nhà thơ thốt lên: “Vua Hùng ơi! Người đã vạch luống cày-Với hạt lúa đầu tiên gieo xuống đất-Với tiếng trống đầu tiên, với ngọn cờ thứ nhất-Thời gian đi sâu thẳm, rộng dài”.
 
Cái hay của bài thơ là khổ cuối đã đưa ta về với thực tại với một đời sống công nghiệp mới: “Xích máy kéo trở về cùng máy đập”. Nhưng sâu thẳm cội nguồn chính là nền móng, nền tảng: “Mà tiếng cuốc vua Hùng thời mở đất-Mãi thiêng liêng như tiếng gọi ban đầu”.
 
Bài thơ có bao âm thanh, kể cả âm thanh trong tâm tưởng, từ tiếng chim chào mào đến âm vang trống đồng và tiếng cuốc của vua Hùng mở đất tạo ra một âm hưởng, bản giao hưởng từ cội nguồn truyền thống vừa sâu đằm, vừa thiết tha bay bổng…
Nguyễn Ngọc Phú

tin liên quan

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ diễn ra vào ngày 30/4

(QBĐT) - Bà Hoàng Thị Thanh Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đồng Hới cho biết: Là hoạt động chính trong Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới diễn ra hàng năm, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ vào sáng 30/4 đã cơ bản hoàn tất.

Tỉnh Phú Thọ trọng thể tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2023

Lễ hội Đền Hùng là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc.
 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Lễ cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) dịp rằm tháng giêng và lễ hội cầu mùa ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm.