Nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo: 'Tôi đánh luống đời mình...'

  • 08:58 | Chủ Nhật, 02/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi lần gặp nhà thơ, tiến sĩ văn chương Trần Quang Đạo, tôi đều cố im lặng để nghe ông nói chuyện. Xem ra đều thất bại, nên lại phải chia đều “trách nhiệm” gợi chuyện. Ngay cả những bữa nhậu, nơi bạn nhậu thường tranh nhau rổn rang, Trần Quang Đạo là người kiệm lời. Mỗi ánh nhìn của ông, có suy tư, ưu tư, có trải đời, có chất vấn...
 
Nhà thơ Trần Quang Đạo (SN 1957) sinh ra và lớn lên ở xã Phú Thủy (Lệ Thủy). Tôi chưa đến Phú Thủy, nhưng nhiều xã khác trong huyện Lệ Thủy thì đã từng ăn cơm “mòn bát đũa”. Lệ Thủy, nơi “địa linh nhân kiệt”, mảnh đất mà tôi nghĩ các nhà nghiên cứu khảo cổ, phong thủy, văn hóa, lịch sử... còn phải nghiên cứu để “giải mã” về vùng đất này cho thấu triệt. Chỉ biết rằng, với những giá trị đã được xác lập, thì Lệ Thủy đúng là vùng đất của văn hóa. Không phải tự nhiên, mảnh đất đó sản sinh cho đất nước những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử; nơi rất nhiều văn nhân nổi danh, thành danh.
 
Nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo
Nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành thơ, nhưng Trần Quang Đạo là một người đa tài. Về văn xuôi, ông đã có các tiểu thuyết “Mối tình chưa hôn lễ”, NXB Thanh Niên, 1990; “Đêm ảo ảnh”, NXB Công an nhân dân, 1993; và tập truyện dài “Những đứa con của trời”, NXB Kim Đồng, 1997 (đã tái bản 5 lần). Về thơ, ông đã có “Luân khúc”, NXB Quân đội nhân dân, 1991; “Vòng tay cỏ”, NXB Văn học, 1998; “Nhớ về miền cát trắng”, NXB Thanh Niên, 1999 (in chung); “Ngọn cỏ thời yêu nhau”, NXB Thanh Niên, 2001; “Khúc biến tấu xương rồng”, NXB Hội Nhà văn, 2004; “Những giấc mơ cắt dán”, NXB Hội Nhà văn, 2008; “Bay trong mơ”, NXB Hội Nhà văn, 2019. Ngoài văn, thơ, Trần Quang Đạo còn viết lý luận phê bình, kịch bản phim và sáng tác âm nhạc.
 
Nói về lý do của giai đoạn 2009-2019, ít xuất bản thơ, ông kể: “Trong 11 năm qua, vì công việc của một công chức cứ chẻ thời gian ra manh mún: Lo bài vở cho báo ra hàng ngày. Lo tiền trả lương cho cán bộ, phóng viên. Rồi bạn bè. Các cuộc bù khú rượu chè. Các cuộc chơi… cứ bâu lấy tôi… nên không để tâm làm thơ được. Thảng hoặc tôi có làm thơ vào dịp gần Tết để gửi cho các báo in số Tết”. Nếu tìm một người nói để tin ngay, tôi chọn Trần Quang Đạo. Ở tâm sự trên cũng vậy, ông chân thành như... Trần Quang Đạo.
 
Trong sự nghiệp văn chương, cho đến hiện giờ, Trần Quang Đạo đã có các giải thưởng: Giải C cuộc thi thơ 1983-1984, giải khuyến khích thi thơ năm 1993-1994 và tặng thưởng thơ hay năm 1995 của Tạp chí Văn nghệ quân đội; giải nhì cuộc thi truyện NXB Kim Đồng, năm 1997 (với tác phẩm Những đứa con của trời); giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2019), giải thưởng Văn học ASEAN (2019-2020) cho tập thơ “Bay trong mơ”.
 
Cũng xin nói thêm, giải thưởng Văn học ASEAN là giải thưởng được tổ chức hàng năm, trao thưởng cho các nhà văn, nhà thơ xuất sắc của các nước trong khu vực Đông Nam Á do Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức. Có thể nói, “Bay trong mơ”, đã mang đến cho Trần Quang Đạo “giấc mơ hiện thực”. Tập thơ này ngoài ấn bản tiếng Việt, còn được xuất bản bằng tiếng Hungary (Nhà xuất bản AB ART) và nhận được giải thưởng Nghệ thuật Danube.
 
Trần Quang Đạo là nhà thơ của những giấc mơ. “Những giấc mơ cắt dán”, 2008; “Bay trong mơ”, 2019-hai tập thơ cách nhau 11 năm, cho thấy giấc mơ ám ảnh, tạo nên biên độ cảm xúc của thi sĩ. Nói như nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, “Con đường giấc mơ, khai mở hiện thực”. Tôi nghĩ, hiện thực ám ảnh trong cả những giấc mơ của Trần Quang Đạo; đến lượt nó, giấc mơ “sàng lọc” hiện thực, chiết xuất nên vẻ đẹp mà ông thờ phụng. Đó là một hành trình mang tên ông.
 
“Trần Quang Đạo đã khẳng định được hành trình thơ của mình trước không gian vô tận của thơ ca bằng sự đào sâu và các khía cạnh của giấc mơ”, (Hoàng Thụy Anh: Trần Quang Đạo và những giấc mơ bay theo lối của riêng mình).
 
...
 
Tôi tập bay trong mơ
 
phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại
 
khích lệ tôi
 
vẫy gọi tôi
 
tôi mọc thêm màu sắc
 
trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời.
 
(Bay trong mơ)
 
Tâm hồn Trần Quang Đạo luôn bay theo hướng nghĩa, hướng thiện, hướng về cái đẹp, phía khát vọng của con người: “Bay không cần định hướng/bầu trời xanh này của tôi/của những bầu bạn khác/tự do không khung cửa/những tầng mây đỡ cánh tôi bay/dù tôi không còn mẹ”, (Bay trong mơ).
 
Từ năm 2019 đến nay, nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước “gọi tên” Trần Quang Đạo. Vui, phấn khởi, nhưng ông điềm tĩnh. “... đối với tôi, giải thưởng không phải là bảo bối. Nó chỉ là một cú huých cho bước đường sáng tác tiếp theo. Và mình phải vượt qua chính mình”, Trần Quang Đạo chia sẻ.
 
Trần Quang Đạo là người nặng tình, sống trách nhiệm, không chỉ với gia đình, mà cả bạn bè, đồng đội. Ông từng nhập ngũ vào tháng 2/1975, thuộc biên chế Sư đoàn 341, Quân khu 4; đã từng sống, chiến đấu, xây dựng quân đội ở biên giới Việt Nam-Lào; và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1978.
 
Tác phẩm của ông khắc họa rõ chân dung tâm hồn của một nhà văn có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Với Quảng Bình, bạn đọc dễ nhận ra ngay ở tên các tác phẩm, như “Vòng tay cỏ”, “Nhớ về miền cát trắng”, “Ngọn cỏ thời yêu nhau”, “Khúc biến tấu xương rồng”....
 
Yêu và hãnh diện về quê hương, dù nghèo. “Đất quê dù có chua phèn/Thì hoa vẫn nở đua chen dưới trời/Bung cánh gió, khoe rạng ngời/Nhị vàng ủ mật cho đời đẹp hơn”, (Ru sen). Không ai chọn được cho mình người mẹ, cũng như quê hương. Trong tâm hồn Trần Quang Đạo, những cánh đồng lúa rộm vàng của thôn Phú Hòa, dòng nước xanh trong của những con sông. “Xa sông/tôi thương từng con cá mình đã câu thuở nhỏ/thương đàn cá con mất mẹ đỏ lấm tấm mặt sông/Tôi hóc xương và khóc/nước mắt đỏ trong mơ nhỏ xuống dòng trôi” (Thả cá xuống sông).
 
Trong các tập thơ đã xuất bản, tên tỉnh Quảng Bình, với tư cách là danh từ chỉ được nhắc đến trong không nhiều bài; nhưng tinh thần, cốt cách, tâm hồn Quảng Bình hiện lên khá rõ ở nhiều sáng tác của ông. Và, luôn tự hào “anh như trời đất mang từ Quảng Bình ra phố cỏ”, (Ước I).
 
...
 
Nghe trong veo tiếng chim thúc trời sáng
Tiếng chim chuyền trong nắng ban trưa
Một thiên nhiên ngập tràn quê kiểng
Tiếng quê hương thanh lọc tâm hồn
 
(Thanh lọc)
 
Năm 2018, nhà thơ Trần Quang Đạo gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, ông luôn lạc quan. Bạn bè thân thiết, vẫn theo dõi ông trên trang cá nhân. Thấy ông lúc vẽ, lúc ngồi bên đàn piano, hoặc cầm guitar sáng tác âm nhạc. Dịp đó, Trần Quang Đạo nhớ bạn bè. Thi thoảng, ông nhắn nhe, mời huynh đệ đến nhà nhậu, ngắm bạn làm vui.
 
Nhà thơ Trần Anh Thái, người anh gần gũi, có lần nói với tôi: “Thằng Đạo đang ốm đau như thế, tiền đâu mà mời bạn nhậu? Thôi dẹp đi, đừng làm phiền”. Rất may, dần dần sức khỏe ông hồi phục. Nhìn thấy ông, cầm gậy trên sân golf, anh em ai cũng mừng.
 
Trần Quang Đạo, trở lại với các sự kiện văn học nghệ thuật. Lần mới nhất tôi gặp ông tại cuộc giao lưu giữa các nhà thơ, nhà văn Việt Nam với hai nhà thơ, nhà văn, dịch giả tiêu biểu của Hungary, là Attila F Balázs và Halmosi Sándor, tại Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Tập thơ “Xương của nắng” (Sándor Halmosi, Phan Anh Sơn chuyển ngữ tiếng Việt) chính là do nhà thơ Trần Quang Đạo đầu tư in ấn. Trần Quang Đạo không chỉ “Tôi đánh luống đời mình làm bờ ngăn giả dối”, (Ma trơi) mà còn là một trong những sứ giả văn hóa, vì cái đẹp không biên giới.
 
Nhà thơ Ngô Đức Hành

 

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống là nét văn hóa đặc trưng, riêng có, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 19/5

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).