"Khó thế mà cũng làm được!"

  • 05:58 | Chủ Nhật, 26/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khó ai có thể tưởng tượng được, trong diện tích chưa đầy hai trăm mét vuông của hai dãy nhà cấp 4 đã cũ, là nơi đặt một tòa soạn báo, một nhà in nhưng vẫn cho ra những số báo chất lượng khiến bạn đọc vô cùng tin yêu và đồng nghiệp nể phục. Đó là Báo Quảng Bình những năm đầu tỉnh trở về địa giới cũ.
 
Ngày nay, ngôn ngữ mạng có câu “Khó thế mà cũng nghĩ ra” để chỉ những điều vô lý, còn câu “Khó thế mà cũng làm được” là thật. Đến bây giờ, nghĩ lại, những người làm Báo Quảng Bình thời kỳ đó cũng không biết bằng cách nào mình đã vượt qua. Không chỉ vượt qua mà còn vượt qua một cách xuất sắc.
 
Ngày đầu trở lại Đồng Hới, lúc đó còn là thị xã, chỉ còn một cái nhà hai tầng lỗ chỗ mảnh bom, nơi đặt Đài Truyền thanh thị xã, một cái tháp nước mà sau này, trong hồi ký của các phi công Mỹ là họ không đánh sập vì còn dùng nó như một cột mốc để khi máy bay trúng đạn có thể lấy làm tọa độ tính đường bay ra Hạm đội 7, còn thì, sau bao nhiêu năm nó vẫn còn như là bình địa.
 
Báo Quảng Bình được phân ở cùng với các cơ quan: Thanh tra, Phụ nữ, Mặt trận, Hội Văn nghệ… trong cơ sở của Chi cục Muối cũ. Và trong diện tích nói trên, phải bố trí nơi làm việc của Ban Biên tập, Tòa soạn, phóng viên, văn thư đánh máy, kế toán, tiếp bạn đọc… Đặc biệt là cả một nhà in, lúc đó còn in ti-po, sắp chữ nên có rất nhiều công nhân. Tờ báo Quảng Bình được làm ra ở đó từ công đoạn đầu tiên đến cuối cùng.
 
Năm 1989, chỉ có anh Đỗ Quý Doãn làm Tổng Biên tập, anh Thanh Ba làm Phó Tổng biên tập (sau có thêm ông Nguyễn Văn Dinh), Nguyễn Thế Thịnh được phân công làm Thư ký Tòa soạn điều hành luôn phóng viên. Lực lượng phóng viên cũng rất mỏng. Những người có tên trên (và chị Lê Hồng) là từ Báo Bình Trị Thiên ra, sau mới bổ sung thêm. Vật chất như thế, nhân lực như thế nhưng ngay từ đầu, Tổng Biên tập đã chủ trương làm một tờ báo có kết cấu chuyên mục chặt chẽ và duy trì một cách chất lượng nhất có thể.
 
Do có tư duy mạch lạc từ đầu nên đã tạo ra tiền đề, tiền đề tạo ra quy trình… Những người làm Báo Quảng Bình rất tự hào khi những năm sau đó, mỗi lần có hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, đồng nghiệp các báo luôn đánh giá cao tờ Báo Quảng Bình.
 
Vì sao khó thế mà cũng làm được?
 
Có lẽ, trước hết xuất phát từ lòng tự trọng, dù nghèo nhưng vẫn khẳng định bản thân có thể làm được một cách tốt nhất. Thứ hai là sự đồng lòng, đồng lòng vì khát vọng xây dựng quê hương. Thứ ba (nhưng lại là thứ nhất), là lãnh đạo có tầm nhìn, quyết liệt. Thứ tư là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh (lúc đó hầu như lãnh đạo cao nhất của tỉnh ngày nào cũng ghé thăm báo, đi làm việc ghé đón phóng viên).
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nhận giải báo chí quốc gia
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nhận giải báo chí quốc gia
Một thời gian sau, báo có trụ sở khang trang hơn. Thời đại 4.0 mà kể lại chuyện ngày báo in ốp-sét (chế bản điện tử) như là ngày hội. Mừng vô cùng tận. Dù lương thấp, nhuận bút hạn hẹp, phương tiện thiếu thốn nhưng tờ báo vẫn tạo nên các tên tuổi. Những tên tuổi đó ngày một phát triển. Minh Toản là phóng viên đầu tiên đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc (Giải báo chí quốc gia bây giờ), nay là Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong. Tùng Lâm nay là Tổng Biên tập Báo Quảng Bình. Hữu Thái nay là Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông…
 
Không phải người viết chỉ kể về những nhà báo sau này làm lãnh đạo mà vì, trước khi làm lãnh đạo họ là những nhà báo giỏi. Những bài, loạt bài phóng sự, điều tra của Minh Toản, Tùng Lâm, Hữu Thái… thường là những “bài đinh”. Tên của họ là một “bảo chứng” với bạn đọc.
 
Tôi, xin kể một chút về mình, làm Thư ký Tòa soạn với 4 đời Tổng Biên tập cho đến khi sang làm Báo Thanh Niên. Nhiều người duy diễn có lẽ tôi là người “ba phải” nên mới làm được thế. Không phải. Là vì tôi chính trực. Là “người gác đền” về nội dung, Thư ký Tòa soạn phải tham mưu cho lãnh đạo điều đúng, còn quyết định là ở Tổng Biên tập.
 
Thời đó, có một chuyện không vui khiến một Tổng Biên tập bị kỷ luật mất chức vì một bài báo, nhưng tôi là Thư ký Tòa soạn lại không sao, chỉ vì tôi ghi ý kiến vào bài viết là không nên đăng.
 
Sau này, có làm chức vụ quản lý nho nhỏ ở Báo Thanh Niên, tôi cũng viết và đoạt 3 giải thưởng báo chí quốc gia, trong đó có hai tác phẩm viết về Quảng Bình là từ vốn sống trong thời kỳ khó khăn ấy.
 
Thời làm báo, tôi ở dưới quyền 7 tổng biên tập, nhưng người làm tôi nể phục nhất là anh Đỗ Quý Doãn, Tổng Biên tập đầu tiên lúc chia tỉnh. Có nhiều cái để nể, nhưng phục nhất là cách sử dụng người của anh. Anh biết đặt người đúng vị trí, sử dụng họ đúng thế mạnh từng người. Làm sếp của một dàn cá tính thật không dễ gì, vì thế mới nể phục. Thời kỳ làm Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, anh cũng làm cho các tổng biên tập nể chứ không làm họ sợ (vì soi và phạt).
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nói chuyện truyền thông với các giảng viên Trường đại học Đông Á.
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nói chuyện truyền thông với các giảng viên Trường đại học Đông Á.
Báo Quảng Bình ngày một phát triển, từ tuần một số ngày đầu, sau đó xuất bản hàng ngày và có thêm báo điện tử cập nhật liên tục, cách làm báo cũng có nhiều đổi khác, có thuận lợi hơn và cũng khó khăn hơn. Trình độ của người làm báo theo đó cũng được nâng lên. Tư duy của người làm báo cũng phải thay đổi theo sự tiến bộ của công nghệ, người làm báo cũng phải cập nhật liên tục để tương thích. Sự xuất hiện của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang tạo nên cơn sốt toàn cầu. Rất nhiều ý kiến cho rằng, trong 10 ngành nghề có ảnh hưởng nhất có nghề báo. Không sai.
 
Nhưng mà, trí tuệ nhân tạo cũng do con người tạo ra và để phục vụ con người chứ không phải để thay thế. Người dùng có thể Chat GPT để hỏi về một chuyện gì đó đã xảy ra chứ không thể hỏi có chuyện gì đang xảy ra. Chuyện đang xảy ra chỉ có người làm báo biết, AI không thể thay thế. Chỉ khi người làm báo viết ra, lúc đó mới “chạy” vào dữ liệu của AI.
 
Chẳng có gì phải lo sợ như đã từng lo sợ internet du nhập vào Việt Nam trước đây. Vấn đề là người làm báo phải nắm bắt nó, hiểu biết về nó để bắt nó phục vụ lại. Muốn thế thì chỉ có một cách, phải học và cập nhật liên tục kiến thức của mình về cách làm báo trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
 
Ngày trước “khó thế mà cũng làm được”, thì nay “khó mấy cũng phải làm được”!
 
Nguyễn Thế Thịnh
 

tin liên quan

Những ý kiến tâm huyết của cộng tác viên

(QBĐT) - 60 năm qua, Báo Quảng Bình đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Trong sự thành công đó của Báo Quảng Bình không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của đội ngũ cộng tác viên.

Báo Quảng Bình-dấu ấn thời gian

(QBĐT) - Ngày 27/3/1963, Báo Quảng Bình xuất bản số đầu tiên. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Quảng Bình đã tiếp nối truyền thống đáng tự hào cuar tờ báo ra đời và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, đang đồng hành cùng quê hương trên con đường mới. 

Một số hình ảnh Báo Quảng Bình 60 năm trưởng thành

(QBĐT) - Ngày 27/3/1963, đúng vào ngày kỷ niệm Quảng Bình kháng chiến chống Pháp, Báo Quảng Bình, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, đã xuất bản số báo đầu tiên. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về công tác chính trị, tư tưởng, mở ra thời kỳ phát triển mới của báo chí tỉnh nhà. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Quảng Bình đã cống hiến hết mình để làm tròn sứ mệnh mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà giao phó, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quê hương qua các chặng đường cách mạng.