Hoa xoan biết khóc

  • 15:37 | Thứ Bảy, 01/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng hai âm lịch, đang là mùa hoa xoan nở rộ. Nhưng đã lâu lắm rồi, tôi không còn được thấy và hít hà mùi hoa xoan nữa.
 
Làng tôi từ ngày lên phố, công cuộc “bê tông hóa” khiến hàng loạt cây xanh bị chặt bỏ. Số phận của xoan cũng không ngoại lệ. Nhớ xoan quá! Tôi thẩn thơ hỏi vợ, có thấy chỗ nào còn hoa xoan nở? Thế rồi hai vợ chồng phóng xe ra mãi tận bờ đê. May quá, còn những mấy cây, đủ để hai vợ chồng thỏa mãn.
 
Tôi bắt đầu biết yêu hoa xoan từ năm học vỡ lòng. Lúc bấy giờ, trong sách tập đọc của anh cả học trên mấy lớp, có bài “Hoa xoan”, lúc nào anh cũng đọc, khiến tôi thuộc lòng theo:
 
Nhà em có một cây xoan
Trồng từ dạo trước, trồng ngang lưng đồi.
Ngày vui chim đến tìm mồi
Đêm từ đám lá trăng ngời nhô lên.
Đất màu em đắp cao thêm
Nước đầy em tưới, bốn bên em rào.
Hoa xoan nở tím ngạt ngào
Gió đưa từng cánh đậu vào sách em.
 
Chao ôi, những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, làng tôi nào có thiếu gì xoan. Vốn là một ngôi làng cổ, nhà nào bốn phía cũng bụi bờ làm hàng rào. Dọc những con đường làng bé xíu, hai bên cây cối mọc um tùm... Xen vào giữa những bụi cây hỗn tạp đó là xoan. Những cây xoan tự mọc, chẳng phải ai mất công trồng hay chăm sóc, tưới nước, rào bảo vệ như trong bài học kia. Xoan cứ tự nhiên vươn lên, tỏa lá cành, đến giêng hai nở hoa tím, ngan ngát cả đường làng.
 
Hương xoan xen vào từng ngõ ngách, từng ngôi nhà tranh vách đất. Có lúc hương đậm đặc quá, cũng khiến nhiều người khó chịu. Còn tôi, ngây thơ và trong trắng, đêm nào cũng cố thức thật khuya, mở rộng hai trang sách, để mong có một cánh xoan nào đó “đậu” vào như câu cuối của bài thơ. Hết đêm này, sang đêm khác, tôi vẫn ngồi chờ, cho đến khi gió Lào thổi lên ràn rạt…
Minh họa: Minh Quý
                                                                                 Minh họa: Minh Quý
Quê tôi gọi xoan là sầu đâu. Riêng người làng tôi vì do phát âm không chuẩn nên thành thầu đâu. Bà nội tôi nói rằng, không phải là sầu đâu mà gọi đúng là sầu đông. Bởi sầu đâu, đến mùa đông là đổ hết lá, chỉ còn trơ cành như sắp chết đến nơi, nên mới gọi là sầu đông. Người quê tôi chỉ sử dụng cây, lá cây xoan vào ba việc. Đó là lấy lá nấu nước tắm chữa ghẻ, lấy lá ủ để "dú" trái cây cho chín và thân gỗ chặt làm nhà, làm giàn bầu bí. Còn hoa xoan, chẳng mấy ai có thời gian mà lãng mạn.
 
Thế rồi, gần Tết Nhâm Tý (1972), làng tôi rộn ràng bởi có rất nhiều bộ đội, các o, các chú "Ba sẵn sàng" về ở. Họ là người từ Thanh Hóa vào. Bà tôi bảo, toàn là “nam thanh nữ tú”. Đặc biệt ở nhà tôi có ba o "Ba sẵn sàng" rất xinh, tôi còn nhớ đó là o Tuyết, o Tâm và một o nữa tôi quên tên. Công việc của các o, các chú là vận chuyển, tăng bo hàng hóa chi viện cho miền Nam ở bến phà Gianh. Bà nội tôi thương ba o lắm! Bà chỉ có độc nhất ba tôi, nên coi các o như con gái. Các o, các chú làm việc không kể ngày giờ, lúc nào có lệnh là đi.
 
Tôi còn nhớ những đêm giêng hai, trăng mờ cũng như trăng tỏ, những “nam thanh nữ tú” ấy lại tập trung ở ngã tư đường làng, nơi có bãi đất rộng  trước ngõ nhà tôi để tâm sự chuyện trò. Rồi họ chia ra bên nam bên nữ và hò đối đáp. Cái điệu hò Thanh Hóa lần đầu tiên được nghe làm tôi mê đắm: “ Ơ… hò… Hò lên vui ơ… vẻ mà em ơ… ơi / Đã yêu nhau ơ… chớ nói lời xa ơ… nhau... ơ hò…”.
 
Thế rồi hoa xoan nở. Những nụ tím li ti nứt ra từ kẽ lá, tỏa mùi hương dịu dàng. O Tuyết là người phát hiện hoa xoan nở đầu tiên, nhưng không phải bằng mắt mà bằng mũi. Đang hò hát thì o Tuyết reo lên, hình như có mùi hoa xoan? Mọi người cùng lao đến cây xoan gần nhất rồi “ồ” lên thích thú. Hoa xoan cứ thế nở hàng đêm, nở tím ngát, cánh hoa rụng chi chít đường làng. Các o, các chú "Ba sẵn sàng" tha hồ ngắt hoa tặng nhau, cài lên tóc…Họ làm đứa bé bảy tuổi như tôi cũng lây yêu hoa xoan đến nao lòng. Các o ở nhà tôi còn ngắt hoa xoan về, cắm vào vỏ lon sữa, khiến bà tôi cứ tủm tỉm.
 
Thế rồi ngày 6/4/1972, nhằm ngày 23/2 Nhâm Tý, khi mùa hoa xoan đang rộ, đế quốc Mỹ đem bom bắn phá miền Bắc lần thứ hai. Bến phà Gianh của các o, các chú chính là nơi khốc liệt. Họ bắt đầu chuyển sang làm đêm hoàn toàn. Những đêm trăng với hoa xoan đầy lãng mạn cứ thưa dần...
 
Cho đến một đêm, khi những cánh xoan đã sắp tàn. Tôi còn nghe chú Hòa nói với o Tâm: “Tâm ơi, em vào trong nhà, anh ở ngoài này, ta hòa (hò) nha..”. Chú Hòa vừa kịp đem cho o Tâm cành xoan cuối mùa thì còi báo động. Tất cả họ đều theo lệnh ra đi.
 
Đêm hôm đó, máy bay bắn phá phà Gianh ác liệt. Và tất cả… không có ai trở về.
 
Bà nội tôi lấy mấy vỏ lon sữa của mấy o, cắm vào đó ba cành xoan, thắp ba nén hương, nghẹn ngào: “Tuyết ơi… Tâm ơi… các con ơi…!”. Hương chưa kịp tàn, những cánh hoa xoan đã rơi lả tả xuống mặt bàn. Những cánh hoa trắng tím như nước mắt bà tôi.
 
Với tôi, dường như hoa xoan cũng biết khóc!
Đỗ Thành Đồng 

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống là nét văn hóa đặc trưng, riêng có, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 19/5

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.