Tình cảm người thầy trong tập thơ "Sáng mắt học trò"

  • 14:31 | Thứ Sáu, 18/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thầy giáo Đoàn Huy Hà quê ở tỉnh Quảng Ngãi, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1967, tốt nghiệp khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, mặc dù được phân công về dạy ở Trường cấp 3 Phúc Thọ, Hà Tây (cũ), nhưng thầy đã xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình công tác.
 
Tháng 10/1967, thầy giáo trẻ Đoàn Huy Hà khoác balô vào Quảng Bình nhận nhiệm vụ tại Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch (nay là Trường PTTH Lê Hồng Phong, TX. Ba Đồn). Thầy giáo Đoàn Huy Hà là lớp giáo viên đầu tiên của Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch. Lúc này, trường vừa được thành lập một năm cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khó khăn gian khổ ngổn ngang. Nhưng ngay từ những ngày đầu đến trường, thầy giáo trẻ Đoàn Huy Hà đã dành tâm huyết để vừa giảng dạy, vừa tham gia cùng nhà trường khắc phục khó khăn, ổn định công tác dạy và học trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
 
Với tâm hồn của một người yêu văn chương, trong thời kỳ giảng dạy tại đây, thầy giáo Đoàn Huy Hà đã sáng tác rất nhiều bài thơ cảm động ghi lại hành trình vào Quảng Bình tuyến lửa của một thầy giáo trẻ và tình thầy trò tại Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh trên vùng đất lửa Quảng Bình.
 
Để ghi nhớ một thời gian đẹp ở mái trường đầu tiên trong sự nghiệp sư phạm của mình, thầy giáo Đoàn Huy Hà với bút danh Hoàng Hương đã xuất bản tập thơ “Sáng mắt học trò” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Tập thơ được viết từ cảm xúc của một nhà giáo nên ngôn từ dung dị, không lên gân, không sáo mòn.
Tập thơ
Tập thơ "Sáng mắt học trò".
Bắt đầu là hình ảnh chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, thư sinh mà bản lĩnh vượt 500 cây số, có đoạn đi tàu, có đoạn đi nhờ xe tải và từ Vinh vào thì đi bộ dọc theo đường Trường Sơn để về với miền quê đầy mưa bom, bão đạn. Nơi đó nhiều đôi mắt đang ngóng chờ: "Nhận lệnh/từ trái tim/đi lên chiến tuyến/đất lửa Quảng Bình...", "Gầy gò lưng áo/bị gạo đầy/40kg sách trên vai...". Chặng đường vào nhận công tác tại Quảng Bình quá đỗi gian truân: "Rừng rậm khe sâu/đèo heo hút gió/đá tai mèo/ghềnh gập/bước chân qua"
 
Những địa danh thời chiến, như: Kim Lũ, Đò Vàng, Khe Nét, dốc Lâm Lang: "Thăm thẳm/Rừng già/Chim kêu/Vượn hót" (Lên đường) không ngăn nổi bước chân của thầy giáo trẻ giàu nhiệt huyết: "Nẻo rừng tít tắp mù sương/Bình minh rạng rỡ, ánh dương chan hòa...". (Đỉnh dốc Lâm Lang).
 
Quang cảnh thời chiến ở Quảng Bình được thầy giáo Đoàn Huy Hà khắc họa trong thơ thật khốc liệt: "Hầm chữ A/căng vai gồng cát bỏng/che chở con người/trong bão đạn mưa bom". Thế nhưng, niềm lạc quan của người dân miền đất lửa đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng sinh viên vừa tốt nghiệp khi qua đò Cửa Hác: "Dập dềnh/sông nước mênh mang/Bốn bề bom dội/rền vang/Tiếng cười nói/vẫn râm ran/đầy thuyền". (Tới Ba Đồn).
 
Theo dòng chảy của tập thơ, ta còn cảm nhận được những lời thủ thỉ mà thầy giáo Đoàn Huy Hà muốn tâm tình cùng độc giả. Đó là hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên vô tư ở vùng quê ông đang sống: "Lũ trẻ trần truồng/ùa ra sân tắm/tím ngắt làn môi" "Thuyền lá tre/Chở đầy bông khế tím" (Mưa mùa hè), là hình ảnh học trò những buổi đầu cắp sách đến trường: "Trang giấy trắng/Ngoằn ngoèo dăm ba chữ/Thước run run/Gạch chẳng thẳng hàng...".
 
Buổi đầu, thầy lên lớp thật lạ lùng và cũng rất thật: "Giờ lên lớp đầu tiên/đâu được dạy văn/mà phải dạy/bom từ trường, bom bi/bom na pan, bom tấn" bởi vì: "Bom Mỹ dội xuống nơi đây/Máu đã chảy thấm từng tấc đất/Trường sập/Nhà tan/Xóm làng xơ xác". Nhưng với sự sáng tạo và lòng lạc quan của thầy trò nên: "Giữa mịt mùng bão đạn mưa bom/Câu Kiều vẫn ngân lên/Trong hầm chữ A/rung chuyển... ". (Ký ức dạy Kiều).
 
Tập thơ “Sáng mắt học trò” của thầy giáo Đoàn Huy Hà-Hoàng Hương cũng đã ghi lại chân thực hình ảnh của thầy trò vội vàng cất sách vở, chạy đua với thời gian, lao vào chiến dịch vận tải quân sự giữa 2 đợt Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc:"Gói sắn luộc bên mình/vừa chạy vừa ăn/vừa đi vừa vuốt mặt/mưa dầm dề/gió giật từng cơn.../Thầy trò/những thiên thần mỏng manh/Giữa gió giật, mưa tuôn/chiến trường nóng bỏng...".
 
Và tình cảm thương yêu của đồng bào dành cho thầy trò nơi sơ tán: "Nhớ lắm/cụ Đức nghèo/còng lưng bên bếp lửa/luộc nồi khoai/nấu canh dấm/chờ con...". Tình cảm ấy vẫn ấm mãi trong tim thầy giáo trẻ đến tận bây giờ: "Giọt nhớ/giọt thương/về miền đất lửa/ ...../ Tất cả/ùa về/Như những thước phim..." (Giọt nhớ giọt thương).
 
Tập thơ “Sáng mắt học trò” như là cuốn nhật ký viết bằng thơ của một thầy giáo dạy văn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt ở Quảng Bình. Nếu có kiếp sau ông cũng xin làm người thầy giáo-Người đưa đò trên dòng sông tri thức “Cho dù nắng hạ mưa đông/Vững tay thầy lái giữa dòng em đi”.
Trần Đình Liễn

tin liên quan

Thơ chọn-Lời bình: Mẹ…

(QBĐT) - Trải chơ vơ xứ lạ quê người
Con mới thấm thía hơi ấm gia đình bình dị
Trải thật giả sâu nông tình thiên hạ
Con mới cảm thấu lòng mẹ mênh mông…

Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều

(QBĐT) - Chiều 17/11, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hoá-Thể thao và UBND huyện Lệ Thuỷ tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ).

Nhiều tiết mục hấp dẫn, ấn tượng

(QBĐT) - Tối 15/11, Ban tổ chức hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức công diễn và trao thưởng cho các đơn vị có chương trình, tiết mục đạt giải.