Sống trọn với đam mê

  • 09:37 | Thứ Bảy, 12/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Như con tằm lặng lẽ ươm tơ, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền (SN 1967), công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Quảng Ninh luôn sống trọn vẹn với niềm đam mê âm nhạc. Bằng những trải nghiệm thực tế, anh đã sáng tác nên nhiều ca khúc trữ tình, thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương, đất nước. Anh cũng là nhạc sĩ từng mang áo lính và có nhiều ca khúc hay về đề tài người lính.
 
Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền cho hay: “Từ nhỏ, mỗi lần nhìn người anh của mình đánh đàn ghi-ta, tôi rất thích thú và được anh truyền dạy. Càng học tôi càng “say” loại nhạc cụ này và nhen nhóm ước mơ lớn hơn đối với âm nhạc”.
 
Học xong cấp ba (THPT), anh Phạm Văn Quyền lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian quân ngũ, anh trở về địa phương và được tuyển vào Đoàn Văn công Quảng Bình. Với nhiệm vụ là nhạc công chơi đàn ghi-ta, anh Phạm Văn Quyền được thỏa sức với niềm đam mê âm nhạc. Anh có mặt trong nhiều chương trình biểu diễn của đoàn, là “tay” ghi-ta có tiếng với ngón đàn điêu luyện. Năm 1991, anh chuyển công tác đến Trung tâm Văn hóa-Thể thao (nay là Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Quảng Ninh).
 
Sau đó, anh được cử đi học tại Trường đại học Nghệ thuật Huế, hệ trung cấp chuyên ngành sáng tác âm nhạc. Anh tiếp tục theo học tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội và tốt nghiệp năm 2010. Từ những năm còn là học sinh đến những ngày tháng trong quân ngũ, theo học các trường đại học, anh Phạm Văn Quyền luôn mang theo bên mình cây đàn ghi-ta và có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, đơn vị, trường học.
 
Anh còn chinh phục thêm nhiều nhạc cụ khác nhau và tập trung vào việc sáng tác âm nhạc. Trong công tác chuyên môn, anh luôn nỗ lực hết mình đối với công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động, xây dựng, biên đạo và tham gia biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật ấn tượng.
Nhạc sĩ Phạm Văn Quyền.
Nhạc sĩ Phạm Văn Quyền.
Ngoài việc luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền còn dành nhiều thời gian cho sáng tác ca khúc. Anh rất tâm huyết với đề tài người lính bởi chính anh đã có năm tháng tuổi trẻ gắn bó trong quân ngũ. Quãng thời gian ấy cho anh nhiều trải nghiệm thực tế cùng những kỷ niệm sâu sắc để hình thành nên ca từ, giai điệu chứa đựng niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của quân đội và tình yêu quê hương, tình đồng chí, đồng đội.
 
Một trong những ca khúc hay của anh về đề tài người lính là “Bài ca người lính CK3”. Ca khúc đã khắc họa rõ nét hình ảnh về công việc, sự hy sinh thầm lặng của người lính: “Vinh quang thay chúng tôi người lính trẻ, chẳng quản nắng mưa ngày đêm vất vả. Bàn tay em nâng niu từng viên đạn. Bàn tay anh chăm lo từng khẩu pháo…”. Và chính sự “nồng nàn sức trẻ” ấy, những người lính đã "dệt" nên nhiều chiến công vì họ luôn mang trên đôi vai của mình tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương.
 
Những ca từ giản dị, mộc mạc ấy đã diễn tả được chính công việc, cuộc sống đời thường của người lính làm cho ca khúc trở nên gần gũi, chạm đến trái tim người nghe. Ca khúc mới sáng tác gần đây của Phạm Văn Quyền cũng về đề tài người lính có tựa đề “Tình yêu người lính” cũng được “dệt” bằng ca từ, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, trong sáng, vui tươi. Ca khúc kể về tình yêu thủy chung, son sắt của người lính trẻ và cô hàng xóm dẫu trải qua nhiều khó khăn, thử thách.
 
Bên cạnh những tác phẩm về người lính, anh Phạm Văn Quyền còn có nhiều ca khúc về quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, vùng đất và con người Quảng Ninh nơi anh sinh sống và làm việc. Tiêu biểu là các ca khúc: "Long Đại đẹp mãi lời ca" (được trao Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Lưu Trọng Lư), "Về Quảng Ninh quê em", "Nhớ làng quê", "Triệu trái tim một tấm lòng", "Miền Trung quê bạn"…
 
Ở ca khúc “Long Đại đẹp mãi lời ca”, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền đã chuyển tải lời thơ của Trần Thị Huê bằng giai điệu mượt mà, tha thiết. Mở đầu ca khúc là bức tranh về một Long Đại đẹp như thơ với “sông xanh hiền hòa”, có “Núi Thần Đinh ngàn năm ngồi che chở” và làng quê “thơm hương lúa mới… Tiếp đến là những thanh âm tha thiết, thể hiện tiếng lòng người viết khi nhớ về những ngày tháng đã qua: “Long Đại ơi, nhớ thật nhiều. Nhớ bóng cây đa trưa hè lộng gió. Nhớ tiếng ai sao nghe đồng vọng. Dấu tích xưa bến cũ một con đò. Tôi trở về bên bến phà xưa, thắp nén hương tri ân người đồng đội. Bao con người đã quên mình vì nước. Cho quê hương vọng mãi khúc hoan ca…”. Ca khúc được nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân thể hiện rất thành công, thu hút nhiều lượt người xem trên kênh YouTube và được biểu diễn ở nhiều sân khấu trong tỉnh.
 
Ở mỗi mảng đề tài, nhạc sĩ đều lựa chọn các chất liệu khác nhau, tạo nên sự phong phú trong ngôn từ, giai điệu. Qua từng ca khúc, nhạc sĩ đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa và nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đối với người lính.
 
Nói về những khó khăn trong hoạt động sáng tác, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền trải lòng: “Cái khó nhất của người nghệ sĩ sáng tác âm nhạc là không có kinh phí để đầu tư, dàn dựng, công bố tác phẩm. Vì vậy, rất nhiều ca khúc tâm huyết viết xong nhưng phải đợi đủ tiền mới có thể hoàn thiện”. Khó khăn là vậy, tuy nhiên bằng tình yêu với âm nhạc, anh cũng như nhiều nhạc sĩ khác vẫn sáng tác đều đặn. Với anh, hạnh phúc của người nghệ sĩ là mỗi ca khúc ra đời đều được lan tỏa và đó là động lực, là niềm khích lệ để tiếp tục sáng tác, chuyển tải trong đó tình yêu của người nghệ sĩ với quê hương, đất nước…
 
Bày tỏ niềm vui khi Quảng Bình có thêm hai gương mặt mới là thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Phạm Văn Quyền và Nguyễn Minh Tám) vào tháng 8/2022 vừa qua, nhạc sĩ Lê Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho hay: "Trưởng thành từ phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, các nhạc sĩ đã không ngừng cố gắng để vươn lên về mọi mặt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc tỉnh nhà. Tôi tin rằng, các gương mặt mới sẽ tiếp tục noi gương thế hệ nhạc sĩ đi trước, không ngừng học hỏi, nỗ lực hết mình để có những tác phẩm âm nhạc chất lượng, có chiều sâu, tạo dấu ấn trong hoạt động sáng tác trên địa bàn tỉnh và vươn xa hơn".
 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bổng, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cho biết, tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Văn Quyền trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng như chính con người anh, lặng lẽ cống hiến và sống trọn vẹn với niềm đam mê. Mỗi ca khúc của anh đều có sự đầu tư khá công phu. Không ít tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền dựa trên các làn điệu dân ca được công chúng yêu nhạc đón nhận và được giới chuyên môn đánh giá cao.
 
Nh.V

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Thơm ngon mà dân dã, bánh xèo, bánh đúc được người dân Quảng Hòa và Ba Đồn chế biến từ gạo lứt từ bao đời nay đã trở thành văn hóa ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục hoãn đấu giá Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng

Đây là lần thứ hai hãng Million thông báo thay đổi thời gian diễn ra sự kiện quan trọng này, với cùng lý do là "có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước Việt Nam."

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI-2022

Tối 8/11, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI-2022 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, mở đầu cho chuỗi ngày của những bữa tiệc điện ảnh, của những người yêu mến nghệ thuật thứ bảy và yêu Hà Nội.