Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhớ cụ Nguyễn Tú!

  • 07:47 | Thứ Bảy, 05/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cụ Nguyễn Tú sinh năm 1920, nguyên quán thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Ngày 7/9/2006, trái tim cụ đã ngừng đập, để lại sự nghiệp nghiên cứu văn hóa với kho tàng đồ sộ trên 20 đầu sách và một số tập bản thảo chưa kịp in. Tất cả tính ra cũng đã gần vạn trang lưu lại cho hậu thế. Đó là tinh thần lao động cần mẫn và giàu nghị lực của một người cầm bút vừa chiến đấu để vượt qua bệnh tật, vừa tranh chấp với từng trang viết nhằm mong sớm được hầu bạn đọc.
 
Hơn 50 năm trước, ai đã đến xã Bảo Ninh sang con đò ngang Trung Bính sẽ khó quên một ngôi nhà ngói nhỏ lấp ló nép khiêm tốn dưới rặng dừa xanh bên mép sông Nhật Lệ, sóng vỗ ngày đêm miệt mài. Đó là ngôi nhà mà hai vợ chồng cụ Nguyễn Tú sinh sống được dựng lại sau chiến tranh. Các con cụ đều đi công tác xa. Cụ bà mù lòa đã nhiều năm, tất cả mọi công việc đều từ một tay cụ ông. Bao nhiêu nỗi vất vả chất chồng như vậy, cụ Tú vẫn gắng sắp đặt để giải quyết, mỗi ngày đêm hoàn thành được vài trang bản thảo.
 
Bảo Ninh dạo ấy không điện, ánh đèn dầu leo lét tỏa sáng một vùng nhỏ bên cửa sổ nhìn ra sông chỉ vừa đủ ánh sáng soi lên từng trang tài liệu ố vàng mở ra trước mắt. Trả lại cho sự cố gắng dùi mài ấy, năm 1986, cụ được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa-Thông tin Bình Trị Thiên, qua nhà thơ Văn Lợi, Trưởng phòng Xuất bản lúc bấy giờ, duyệt bản thảo cuốn sách "Địa chí Bảo Ninh". Cuốn sách ra đời đã tạo dư luận tốt trong giới nghiên cứu gần xa.
Sau "Địa chí Bảo Ninh", cụ lại bắt tay hình thành nhiều đề cương cho bản thảo mới. Mỗi đề cương mới phác thảo ra, lại có những khó khăn mới mà chỉ tự mình cụ loay hoay tháo gỡ.
 
Cụ tâm sự: Viết "Địa chí Bảo Ninh" có sẵn đề cương, sách lại viết về quê hương, có vốn sống bản thân. Đến khi đã vào bàn viết thì tất cả như những dòng nước mát tuôn chảy đầu ngọn bút. Nào ngờ các đề cương cho bản thảo mới, lại không trôi êm như "Địa chí Bảo Ninh". Viết Hoàng Kế Viêm thì phải vào Huế, ra Hà Nội. Viết Đào Duy Từ thì phải cơm đùm gạo bới ra xứ Thanh với những chuyến điền dã thật khó khăn của thời đất nước còn thắt lưng buộc bụng...
 
Cụ Nguyễn Tú hoàn thành "Địa chí Bảo Ninh" khi đã 66 tuổi. Cho đến mãi 7 năm sau, năm 1993, Nhà xuất bản Lao Động mới in tiếp cho cụ cuốn sách "Đào Duy Từ với Lũy Thầy" khi cụ bước vào tuổi vượt "cổ lai hy" rồi.
 
Trong sinh hoạt cụ rất kiệm lời, ít khi xuất hiện nơi đô hội. Nhìn cụ bước đi chậm rãi, không vội vã, khuôn mặt sáng nhưng luôn có nét tự tại, suy tư. Đầu tóc cụ bạc trắng, dáng người thanh mảnh nhỏ nhắn, ít ai ngờ lại có sự mẫn cảm để làm công việc sáng tạo ít có người ở cùng tuổi tác sánh được. Cụ như con ong xuôi ngược, hết Bắc đến Nam bay khắp núi rừng hút nhuỵ hoa làm mật.
(Ảnh minh họa)
                      Những tác phẩm giá trị của cụ Nguyễn Tú.              Ảnh: Trần Minh Văn
Cụ cùng phối hợp cộng tác chủ biên với nhiều nhà nghiên cứu khác, đi vào các tác phẩm dài hơi như viết "Danh nhân Quảng Bình" tập 1, tập 2 với nhà thơ Vĩnh Nguyên; viết Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình với Quách Việt Cường, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình; viết địa chí huyện Hương Thủy với nhà nghiên cứu văn hóa Triều Nguyễn... Tác phẩm nào cũng đầu tư dày dặn từ 500 trang và có chất lượng.
 
Sau khi cụ bà qua đời, ngôi nhà nhỏ cụ ở, lại nhờ một cô giáo trường làng quản lý, tự cụ tổ chức những chuyến điền dã dài ngày. Cụ như con chim vỗ cánh không biết mỏi. Hàng tháng trời ở Thủ đô Hà Nội, ngày ngày tự bách bộ hết thư viện này đến thư viện khác để lục lọi, đọc, ghi chép tất cả những gì cho công việc sắp đến. Đồng lương hưu ít ỏi có khi phải photo những tài liệu cần thiết, cụ đã dành hết cho nó. Hàng năm trời, cụ vào nhập cư ở huyện Hương Thủy để viết cho đến khi hoàn thành địa chí huyện mới về thăm lại ngôi nhà ở của mình. Cụ vào TP. Hồ Chí Minh, trở thành thân thuộc với bà con đồng hương Quảng Bình. Cụ với cụ Hoàng Văn Nhân người gốc Đồng Hới đã kết nghĩa anh em. Cụ tự tạo ra mọi điều kiện cho mình để sưu tầm, nghiên cứu, tra cứu, ghi chép.
 
Cũng vì thế có một câu chuyện kể về cụ thật vui. Chuyện rằng, năm 1998, cụ vào TP. Hồ Chí Minh và đã sống gần trọn năm ở đó. Một bạn văn chương đồng hương từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm Quảng Bình đã bắn tin: Cụ Tú bây giờ đã xây dựng gia đình với một góa phụ ở miền trong. Góa phụ ấy là một người mê văn nghiệp. Nghe tin, có người sửng sốt cho rằng sao cụ không sống ở Đồng Hới cùng con cháu cho trọn đời mà lại đi bước nữa ở một nơi xa xôi vậy. Có người lại tán đồng, cho rằng, cụ Tú tục huyền là đúng. Bây giờ cụ đang cần người nâng đãy sửa khăn để có thể tranh thủ làm hết mọi việc nghiên cứu khi quỹ thời gian cho mình còn quá ít ỏi.
 
Đùng một cái cụ Tú xuất hiện tại Đồng Hới. Cụ đi thăm bạn bè trong dịp mùa đông lại ăn mặc ấm nên trong người cụ cứng cáp lên, chững chạc ra. Bẵng đi rất lâu cụ đã không trở lại TP. Hồ Chí Minh nữa, điều đó lại làm cho nhiều người ngạc nhiên hơn.
 
Và, đầu năm 2000, nhân dịp cụ Hoàng Văn Nhân, người con Đồng Hới, đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh ra thăm quê và tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi mình với bạn bè và bà con thân thuộc họ Hoàng làng Đồng Hải. Mọi người lại có dịp ngồi bên nhau, nào ngờ khi cụ Tú đứng lên nói lời chúc thọ cụ Hoàng Văn Nhân thì cụ chỉ vào cụ Hoàng Văn Nhân và nói lời thú nhận: Đây là "bồ" của tôi ở TP. Hồ Chí Minh mà bạn bè đồn đại... Ai cũng ngớ ra khi nghe cụ Tú nói. Nhìn thấy hai ông bạn già một gầy, một béo, một cao, một thấp bá chặt vai nhau, mọi người mới vỡ lẽ vỗ tay reo cười thú vị. Chuyện cụ Tú "tục huyền" bạn đời là vậy. Hóa ra cụ Hoàng Văn Nhân chính là người say mê văn nghiệp đã gửi nhiều bài vở đăng trên báo, tạp chí tỉnh nhà từ lâu nay.
 
Nếu tính từ năm 1993 đến năm 2006, chỉ trong 13 năm, cụ Tú đã lao động âm thầm, cật lực cho ra mắt độc giả 16 đầu sách. Trong các đầu sách đã xuất bản có đầu sách dày 500 trang như: "Địa chí huyện Hương Thủy", "Địa chí Đồng Hới"... Đầu sách dày 400 trang như "Quảng Bình nước non và lịch sử", "Địa chí văn hoá miền biển Quảng Bình" (biên soạn cùng Văn Lợi). Còn lại những đầu sách khác, mỏng cũng từ 150 đến 300 trang; chỉ tính bình quân 300 trăm trang mỗi đầu sách thôi thì 16 đầu sách của cụ trong 13 năm cũng đã gần vạn trang sách. Mỗi năm cụ viết và lọc lại được 500 trang sách. Sức lao động miệt mài như thế có ai bì kịp.
 
Và sau đây là lời tựa của nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho cuốn "Địa chí Bảo Ninh" có thể thay cho lời kết bài viết này về cụ: "Tôi gặp cụ Nguyễn Tú lần đầu từ hơn 10 năm trước, không phải ở Đồng Hới mà tại Hà Nội, trong căn phòng nhỏ của anh tôi-bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nói cho đúng thì tôi gặp cụ qua cuốn sách đầu tay "Địa chí Bảo Ninh". Anh tôi rút cuốn bìa vàng giấy nâu từ trên giá sách đầu giường bảo tôi: "Một cuốn sách thú vị, đọc chưa?". Tôi thú thật chưa đọc tuy có nghe bạn bè nhắc đến nó. Cũng thú thật là tôi ít đọc sách "địa chí" vì vẫn nghĩ là sách này chỉ là những trang liệt kê số liệu, địa danh khô khan. Vậy mà với "Địa chí Bảo Ninh", anh Viện đã viết lời tựa như sau: Cái đẹp của đất nước, chiều sâu của lịch sử, cái sinh động của cuộc sống hàng ngày, cái đa dạng của cây cỏ, tôm cá, đã làm hiện lên trong nhiều trang với lời văn của một nhà sinh học, một nhà dân tộc học, và dĩ nhiên là một nhà văn".
         Ghi chép của Văn Tăng

tin liên quan

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

"Lối đi" hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

(QBĐT) - Trong dòng chảy lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của Quảng Bình rất phong phú và đa dạng, trong đó có 5 lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội chính là đẩy mạnh công tác xã hội hóa.