Nét đặc thù văn hóa chợ Quảng Bình

  • 07:31 | Thứ Ba, 25/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thật khó để trả lời chính xác chợ, bao gồm cả chợ quê lẫn chợ thành phố, thị xã, thị trấn ở Quảng Bình nói riêng, chợ của người Việt trên đất nước ta nói chung, được hình thành từ khi nào, có bao nhiêu cái chợ lớn nhỏ, các loại chợ ( búa, bến ) khác nhau ở đâu ...?  Nhưng có một điều chắc chắn là chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế mà nó còn biểu hiện văn hóa đặc thù đậm nét của cả một cộng đồng, một địa phương, một đất nước.
 
Trước hết, chợ là một trung tâm mua bán của làng quê, của phố thị, nơi giao lưu trao đổi hàng hóa của các vùng miền, của đồng bằng, miền núi, của sông biển, của đồng bào miền ngược với miền xuôi... Chợ là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất, mỗi miền. Mỗi vùng đất, mỗi làng quê, mỗi khu phố tùy theo lịch sử hình thành, theo mật độ dân cư, theo trục đường giao thông, theo nhu cầu trao đổi mua bán... mà mỗi nơi có một cái chợ. Chợ là nơi bảo tồn giá trị văn hóa bản sắc không thể pha trộn.
 
Chợ ở nơi thị trấn, thị xã, thành phố mua bán cả ngày, người mua kẻ bán tấp nập, náo nức, nhưng chợ ở làng quê chỉ diễn ra một buổi, mua bán trong thời gian ngắn ngủi, nhóm họp vào buổi sáng hay buổi chiều, thường gọi là chợ hôm, chợ mai. Chợ phiên thì một tháng vài lần, hay sáu lần trong một tháng như chợ Ba Đồn:  
 
   "Ba Đồn mỗi tháng 6 lần
    Chợ phiên tụ điểm xa gần bán mua".
 
Người dân địa phương hay vùng lân cận hoặc những người đi làm ăn xa quê khi về đều rủ nhau đi chợ, có khi là mua một cái gì đó, cũng có khi chẳng mua gì nhưng lại đi chợ để gặp người quen, để chia sẻ, giao lưu, tìm hiểu giao duyên, có khi đi chợ mà lại thành vợ thành chồng.
 
Tới chợ, ngoài việc mua bán còn là nơi trưng bày các loại sản vật của quê hương làm được, mỗi nơi một sản phẩm, phong phú, đa dạng, chợ làng quê ven sông thì đủ các loại cá sông, là sản vật của đồng quê, chợ ven biển thì phong phú các loại hải sản của biển...
 
Chợ là nơi gặp gỡ hẹn hò, nơi tụ họp, nơi thể hiện các sắc màu của trang phục. Chợ là hình ảnh thu nhỏ của một địa phương, ở đây chúng ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu trên các lĩnh vực về dân tộc học, họ hàng, ngôn ngữ học, kinh tế-xã hội, văn hóa phi vật thể, ẩm thực, nếp sống, ngành nghề truyền thống...
 
Làng xã có chợ, huyện thị có chợ, thành phố có chợ. TP. Đồng Hới có các chợ lớn trung tâm như chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý (chợ Ga), chợ Cộn; các huyện như Quảng Ninh có chợ thị trấn tại Quán Hàu, Lệ Thủy có chợ Tréo... Chợ Đồng Hới sát sông Nhật Lệ, chợ Cảnh Dương sát bờ Nam sông Loan (sông Roòn), chợ Lý Hòa nằm cạnh bờ Bắc sông Lý Hòa, chợ Thanh Khê sát bờ Nam sông Gianh:
 
     "Muốn cho gần chợ mà chơi
     Gần sông tắm mát, gần nơi đi về".
Các gian hàng giới thiệu sản vật tại lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa.
          Các gian hàng giới thiệu sản vật tại lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa.        Ảnh: M.V
Nếu không gần sông thì chợ lại gần các trục đường giao thông, quốc lộ..., như chợ Hoàn Lão, chợ Quy Đạt, chợ Đồng Lê... Có chợ vừa gần sông lại vừa gần đường giao thông nên lợi thế giao lưu hàng hóa vô cùng thuận lợi, người mua kẻ bán tấp nập, du khách khắp nơi đổ về tìm hiểu, khám phá, kể cả khách du lịch, nên chợ cũng là một sản phẩm du lịch trong các loại hình sản phẩm thu hút khách du lịch.
 
Ngoài các chợ lớn, có thương hiệu thì mỗi làng xã đều có chợ của riêng mình và mang màu sắc riêng của địa phương không trộn lẫn được, chợ Mai La Hà khác với chợ Sãi ở Trung thôn, chợ Mới Minh Lệ khác với chợ Họa, Thổ Ngọa, Quảng Thuận...; đều là mua bán hàng hóa nhưng mỗi chợ có một loại hàng hóa chính mà khi nhắc tới chỉ chợ đó mới có.
 
Mỗi chợ nổi tiếng một vài hàng hóa đã trở thành thương hiệu, chợ Ba Đồn có khu chợ mua bán trâu bò, có cháo canh, bánh ram, có quầy bán nón, nón Ba Đồn nổi tiếng khắp vùng. Chợ Hòa Ninh, chợ Lộc Điền có bánh tráng, bánh xèo, bánh đúc. Chợ Quy Đạt có cá mát, cá bống khe, có mật ong, có bồi. Chợ Cảnh Dương, chợ Lý Hòa, chợ Thanh Khê, chợ Đồng Hới có thủy hải sản biển như các loại cá, mực, cua, ghẹ. Chợ Quàn Hàu có cháo hàu, có sản vật nông nghiệp như ngô, khoai, sắn, bầu bí, có cá sông, cua đồng, tép đồng. Chợ Tuy Lộc ở Lệ Thủy có chiếu cói... Tên chợ cũng gắn chặt với tên địa danh của làng, chợ làng nào xã nào thì gọi theo tên làng ấy, cái tên được gọi rất gần gũi, thân thương mà dù ai đi đâu, về đâu cũng nhớ về, đó là chợ quê.
 
Trừ các chợ lớn thì phiên chợ quê đông lắm cũng chỉ vài trăm người, không khí chợ rất thân mật, hiền lành bởi đa phần là người quen với nhau, rủ nhau đi chợ vui chơi. Người trong chợ, người mới vào chợ, họ gặp nhau là tay bắt mặt mừng, chào hỏi. Phiên chợ quê giản đơn cứ như một nét văn hóa nguyên sơ, cội nguồn không thể thiếu trong đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của người làng quê.
 
Nét đặc sắc, độc đáo thể hiện tâm hồn bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc qua các phiên chợ là điểm thu hút khách du lịch. Du khách muốn khám phá, nghiên cứu, tìm hiểu mảnh đất con người của mỗi vùng quê đều đến chợ. Đi chợ cũng là lúc con người chìm đắm trong một biểu cảm của sắc thái cộng đồng dân cư có thể là miền núi, cũng có thể là đồng bằng, là duyên hải, một thứ văn hóa phi vật thể đong đầy, hiếm có và được bảo tồn, gìn giữ bao thế hệ gắn chặt với làng quê chỉ có ở Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng.
 
           Tạ Đình Hà

tin liên quan

Áo dài - một bản sắc văn hóa hoàn mỹ

(QBĐT) - Mỗi chúng ta đều có niềm tự hào rằng: Áo dài là trang phục hiện thân cho nét duyên dáng người Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ. 

Người đẹp Quảng Bình đăng quang Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022

(QBĐT) - Tối 22/10, tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), người đẹp Quảng Bình Đinh Như Phương đã xuất sắc vượt qua các thí sinh trong Top 36 để đăng quang Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022.
 

Mối lương duyên văn chương giữa Quảng Bình và Huế

(QBĐT) - Văn chương luôn có sự giao lưu giữa xưa và nay, giữa Đông và Tây, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa địa phương này với địa phương khác. Ở đây, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu mối lương duyên văn chương giữa Quảng Bình và Huế.