Mối nguy lớn từ lệch chuẩn văn hóa

  • 07:39 | Thứ Sáu, 21/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua những chặng đường cách mạng, hết chống giặc ngoại xâm đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiều kỳ tích chiến công nhưng cũng lắm mất mát hy sinh, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân ta luôn hướng tới một nền văn hóa lấy con người làm trung tâm. Đảng ta luôn bổ sung những nội dung mới cho khái niệm văn hóa để nó xứng tầm là ánh sáng soi đường cho quốc dân đi như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
 
Từ năm 1943, Đề cương văn hóa của Đảng đã nêu lên ba yếu tính cũng là mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam là dân tộc-đại chúng-khoa học. Vì thế, từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng ta đã tạo dựng được nền văn hóa văn nghệ có vị trí tiên phong chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay như Đảng ta khẳng định. Đấy là di sản lớn lao thấm đẫm mồ hôi và máu của bao lớp đồng chí, đồng bào đi trước mà thế hệ hôm nay, mai sau phải giữ gìn và phát huy. Tôi nghĩ, đó cũng là sự kế tiếp xứng đáng những giá trị cốt lõi truyền thống anh hùng và nhân nghĩa của cha ông ta để lại.
 
Đặc biệt, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã xác định rõ việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thì vấn đề văn hóa được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Đó là xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng.   
 
Một vấn đề cần hết sức chú ý là khi đề ra đường lối phát triển văn hóa Việt Nam, dù trong giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình Đảng ta đều luôn đề cao tính dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc với những giá trị cốt lõi truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ông cha để lại phải luôn được giữ gìn và phát huy. Văn hóa còn thì dân tộc còn là ở đó. Đấy chính là nguồn năng lượng dồi dào có từ quá khứ được chuyền tải vào cuộc sống hôm nay.
 
Tuy vậy, khi nhìn lại tình hình đất nước, dù đã làm được nhiều điều tốt đẹp nhưng những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa hiện nay vẫn làm cho chúng ta rất băn khoăn, trăn trở. Trước hết là sự lệch lạc, nông cạn trong nhận thức về văn hóa. Nhiều người chưa hiểu văn hóa có trong hầu hết các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của con người. Có người hiểu văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống, đóng đinh leo thang hoặc múa may, hát xướng í a…
 
Văn học nghệ thuật dường như quá coi trọng chức năng giải trí của nó. Có một thời người ta phải gióng lên tiếng chuông báo động về những cuốn sách chạy đua theo thị hiếu rẻ tiền. Tưởng như xã hội không có gì đáng quan tâm hơn ngoài chuyện cướp của, giết người... Nhân danh cách tân, đổi mới, người ta ca tụng hết mức những kiểu viết bí hiểm, tù mù, những nội dung tục tỉu, nhơ nhớp. Tư tưởng sùng ngoại biểu hiện song song với việc chê bai, bỉ bôi, hạ thấp văn học truyền thống.
 
Nguy hại hơn là người ta coi thường, công kích những giá trị của văn học nghệ thuật kháng chiến hay mượn chữ nghĩa văn chương để bôi lem, làm xấu hình ảnh một số anh hùng, danh nhân đất nước. Với một số người, văn chương nghệ thuật trở thành phương tiện, còn hơn thế nữa là “vũ khí” tấn công quá khứ. Một bộ phận người cầm bút đang co rút quyết liệt vào “cái tôi duy nhất” mà phai nhạt việc gắn bó, phản ánh sâu sắc công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc có tầm vóc rộng lớn và phong phú.
 
Hội nhập đương nhiên là vươn tỏa ra nhân loại nhưng trên cái mẫu số chung ấy không thể không có cái tử số muôn đời là dân tộc. Đồng bào, chiến sĩ yêu quý văn nghệ sĩ bởi trước hết soi vào tác phẩm của người sáng tạo họ thấy bóng dáng, tâm hồn mình trong đó. Cần phải khuyến khích, cổ vũ, nâng đỡ những thể nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật nhưng chúng ta cũng nên coi chừng sự đoạn tuyệt với nguồn mạch văn hóa dân tộc mà thay vào đó là sự bắt chước, lai căng vô lối, nhố nhăng.
 
Tài sản văn hóa của nhân loại chính là sự tổng hợp đa dạng văn hóa của các dân tộc trong đối thoại như tuyên bố của UNESCO. Từ đó suy ra ta thấy không thể có một nền văn học nghệ thuật siêu hình, đứng ngoài dân tộc mình. Trái lại, một nền văn học nghệ thuật lớn, trước hết phải mang tầm vóc, tinh thần của dân tộc.
 
Văn học nghệ thuật hiện nay hình như đang còn ở đằng sau hiện thực to lớn, phong phú, chứa đựng nhiều tầng vỉa của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của đồng bào và chiến sĩ ta. Trong khi lại xuất hiện quá nhiều những tác phẩm làng nhàng, nhợt nhạt; những chương trình truyền hình ồn ào, vô bổ; những bộ phim dễ dãi, lê thê cùng với sự khen chê, định giá tù mù, cánh hẩu, bè phái, cơ hội. Đến sách giáo khoa cũng phơi bày ra lắm sỏi sạn, rác rến; nhiều ngữ liệu, dữ liệu đưa vào chương trình dạy cho học sinh còn thiếu sự chọn lọc kỹ càng, buộc dư luận phải lên tiếng mạnh mẽ nhưng dường như chưa có dấu hiệu sửa chữa, đổi thay.
 
Trên mạng xã hội, trong đời sống cộng đồng đang tồn tại những nọc độc hay những dòng mạch nguy hại tới văn hóa dân tộc. Một ca sĩ nước ngoài bỗng nhiên được không ít bạn trẻ mê muội coi là “thần tượng” một cách quá đáng. Họ tung hô, thậm chí hôn cả vào ghế ngồi của “thần tượng”. Lại còn có những “thánh chửi” trên mạng xã hội được một bộ phận thanh niên tán dương rầm rộ. Tại sao lại có các hiện tượng đó? Phải chăng đời sống văn hóa tinh thần đang có những lỗ hổng, những hố sâu ở nhiều khâu, nhiều nơi từ gia đình đến nhà trường và xã hội.
 
Đó đây, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị lãng quên, bị coi thường, hay bị xâm hại. Đến cả những di sản văn hóa quý báu của dân tộc cũng chưa được bảo tồn gìn giữ tốt dẫn tới bị xuống cấp hay tiêu vong thảm hại. Bi hài hơn là có những công trình đưa vào trùng tu, phục chế sau khi làm xong người ta không còn nhận ra được những đường nét, màu sắc xưa cũ bởi sự đắp điếm, tô vẽ tùy tiện, cẩu thả…
 
Sự lệch chuẩn văn hóa là mối nguy hại không hề nhỏ của đất nước, của dân tộc. Nó cũng là một thứ “vi-rút” gây hại. Không thể để như thế được. Văn hóa Việt Nam phải tỏa sáng bởi bản sắc tốt đẹp của dân tộc và sự tiếp thu có chọn lọc kỹ càng những cái hay, cái đẹp của nhân loại. Sự hài hòa trong gìn giữ truyền thống và tiếp thu tinh hoa nhân loại là rất cần thiết.
 
Trong thế giới “siêu phẳng” như hiện nay, sự giao lưu kết nối quá dễ dàng, cái hay cũng dễ tìm thấy nhưng điều dở cũng chẳng khó lây lan. Vì thế, văn hóa cần được trang bị bộ lọc tinh diệu; có lẽ cần viện dẫn lại câu thành ngữ Gạn đục khơi trong của cổ nhân để suy ngẫm và làm theo. Chưa lúc nào văn hóa cần phải được nâng cao sức đề kháng như bây giờ.
 
Văn hóa là của mọi người, do mọi người làm nên. Công tác văn hóa không phải chỉ của những người làm nhiệm vụ văn hóa. Ở đâu có hoạt động của con người ở đó có văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa cũng là môi trường sống nên không thể và không bao giờ ta đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế bằng mọi giá. Tư duy đúng sẽ hành động đúng. Xây dựng văn hóa là xây dựng đất nước. Xây dựng văn hóa là xây dựng tương lai. Xây dựng văn hóa là xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.       
 
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều

(QBĐT) - Ngày 18/10, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ) đã tổ chức lễ hội mừng cơm mới.

"Đẹp sao năm gái quê ta"

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quê hương Quảng Bình có những người phụ nữ được tuyên dương Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các mẹ, các chị trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình nói chung, phụ nữ Quảng Bình nói riêng và là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. 

Giao lưu, gặp mặt nữ văn nghệ sỹ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

(QBĐT) - Ngày 18/10, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu hội viên nữ nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam 20/10.