Ngày cuối tuần

  • 13:49 | Thứ Sáu, 21/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Anh ngồi lặng lẽ. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn xuống đường, rồi nhìn lướt qua những ô cửa sổ của dãy nhà điều trị bên cạnh. Những ô cửa được làm theo kiểu kiến trúc Pháp khá cổ kính, rất nên thơ, cứ lấp ló sau mấy cành xà cừ lả lướt theo từng đợt gió. Con đường nhỏ chạy qua giữa hai dãy nhà chiều nay bỗng nhộn nhịp hẳn lên.
 
Ríu rít những đứa trẻ tay ôm gối, tay kéo ông bà ra xe. Anh chợt thảng thốt, quay lại hỏi vợ:
 
- Mai là thứ bảy nữa rồi à?
 
Anh hỏi vậy thôi chứ chẳng cần đợi câu trả lời cũng đã biết rồi. Bởi mấy bà cụ người Hà Nội cùng chung phòng với vợ anh, đang rục rịch xếp đồ đạc chờ con cháu đón về nhà nghỉ hai ngày cuối tuần như thường lệ. Nhìn những đứa trẻ ríu rít dưới đường, anh không khỏi chạnh lòng nhớ đến hai đứa con gái nhỏ đang cách vợ chồng anh đến cả nửa ngàn cây số. Vợ anh nhìn lên trần nhà, mắt ngân ngấn nước. Một cụ thương cảm hỏi:
 
- Đau lắm hả cháu?
 
Anh biết vợ đang đau một vì vết mổ trên thân xác, thì còn đau hơn mười trong tâm can vì nhớ hai đứa con gái thơ dại phải xa mẹ dài ngày. Anh chào lại mấy bà cụ. Cụ Bê, tay xách cái giỏ đựng quần áo, tới đưa cho vợ anh mấy tờ giấy rồi bảo:
 
- Đây, phiếu ăn đây. Cơm và cháo chúng tao cũng lại không cắt đâu, để lại tất, hai đứa không cần phải báo ăn đâu. Cố mà ăn cho khỏe còn có sức mà chăm nhau. Rõ khổ, đau ốm đã vất vả lại còn xa nhà, xa con cái yên lòng sao được…
 
Cụ Thúy trước khi bước ra cửa, chậm rãi quay lại mở cái tủ inox nhỏ đầu giường lấy ra mấy cái bánh cốm dúi vào tay cho anh:
 
- Cho hai đứa thêm nữa đây. Thương vợ chồng chúng mày quá!
 
Anh cầm mấy cái bánh, mắt cay cay. Anh ước gì đang ở gần nhà, để được chạy ù về với con, đưa cho chúng mấy cái bánh cốm. Đưa luôn cả những hộp bánh mà mấy cụ đã cho vợ chồng anh trước đó, vợ anh còn cất lại. À, còn thêm hai đôi dép có gắn nơ xinh xắn trên quai anh mua được ở chợ vỉa hè bên đường Giải Phóng nữa chớ. Anh quặn lòng nhớ con, khao khát được nhìn thấy mắt chúng cười rạng ngời… Nhưng nửa ngàn cây số, với một đêm dài chẵn 12 tiếng đồng hồ trên tàu Thống Nhất xập xình, lắc lư quả là xa ngái với anh bây giờ…

Thứ bảy. Anh cầm lúc lắc chùm hăng-gô và mấy tờ phiếu ăn nho nhỏ xuống bếp của bệnh viện. Ba suất của ba cụ trong phòng để lại, thêm một suất của vợ anh nữa vậy là bốn. Tuần đầu tiên khi anh mới đưa vợ vào nhập viện, anh vẫn báo với nhà bếp đều đặn hai suất ăn mỗi ngày cho vợ và anh. Nhưng đến tuần thứ hai, vì phải chờ mổ khá lâu theo lịch hẹn nên anh quyết định chỉ báo một suất cho vợ. Còn anh ăn qua quýt bằng dĩa bánh cuốn, tô mì tôm hay gói xôi đậu gì đó vẫn bán đầy trong các ngõ ngay bên chân cầu vượt.

Cả tuần như vậy rồi các cụ trong phòng cũng tinh ý nhận ra là hàng ngày không còn thấy anh ăn cơm cùng vợ. Những ngày sau đó vợ chồng anh nhận được nhiều hơn các thứ quà bánh từ các cụ. Nhận mãi anh cũng thấy ngại nên từ chối. Trong một buổi tối ngồi chuyện trò với các cụ. Cụ Bê bảo:

- Mấy bà già chúng tao nhà cửa ở ngay quanh đây, con cháu tuần nào chả kéo nhau tới thăm nom, quà cáp vài bận, vậy mà cũng buồn thối ra ấy chứ. Vợ chồng chúng mày ngại cái gì ở chúng tao, hả?
 
Cụ Lan thì dí dí ngón tay vào trán vợ anh, mắng yêu:
 
- Thương cái thân mày, mổ xẻ đã đau rồi còn nhớ con nhớ cái nữa càng đau thêm ra. Tao và hai cụ đây, thân già đến này rồi thì ăn hết được bao nhiêu nào? Con cháu nó mang ối ra đấy để làm gì? Coi như chúng mày ăn hộ vậy, cứ ăn cho khỏe mà chóng về nhà, nghe chửa!
 
Đôi lúc anh và vợ cảm thấy như bà nội, bà ngoại của hai đứa đang ngồi trước mặt mình. Thế, nên anh mới lại càng nhớ đến quay quắt hai đứa con đang nhờ bà nội chúng trông nom ở quê.
 
Lấy xong các suất ăn, anh vội vàng quay lên phòng bệnh đưa hăng-gô cháo cho vợ. Bác sĩ dặn anh còn phải cho vợ dùng cháo thêm cả tuần nữa mới chuyển sang ăn cơm bình thường được. Anh có cảm giác căn phòng hôm nay dường như trống trải hơn mọi lần, nên chậm rãi đưa từng thìa cơm lên miệng. Vợ anh vừa nhăn nhó ăn vừa giục:
 
- Ăn nhanh lên còn mang cho các cụ nữa chớ! Cứ rậm rà rậm rịch vậy họ tưởng hôm nay không có lại đi mua ngoài phố. Tội nghiệp, ai xảy nhà thì cũng ra ở bụi như nhau cả…
 
Anh xúc những thìa nhiều cơm hơn cho vào miệng. Lấy ca nước đặt sẵn lên tủ đồ cho vợ rồi xách hai cái hăng-gô bước ra cửa.
 
Trên khoảng sân hẹp trước dãy nhà hồi sức, hai vợ chồng già đang tất tả lôi tấm chiếu từ chỗ nắng vào dưới bóng râm của cành xà cừ. Nắng trưa đã đưa hình cái bóng đèn to như quả bóng đá gắn trên đỉnh, in thẳng xuống chân cột thành một chấm tròn trên nền bêtông nứt nẻ. Anh phụ kéo tấm chiếu với ông bà cụ rồi đặt hai hăng-gô cơm xuống bên cạnh mấy cái túi xách. Anh hỏi cụ ông:
 
- Cô ấy đỡ phần mô chưa bác?
 
- Từ khi sáng đến giờ thì hắn có đỡ, ít đau hơn mấy ngày trước rồi.
 
Anh vớ lấy cái quạt nan, quạt nhè nhẹ lên người ông bà cụ, miệng giục:
 
- Hai bác ăn đi. Hôm ni nhà bếp có nấu canh chua với loại cá chi đó không biết, nhưng cũng ngon lắm. Trời nắng, ở đây chỉ cần có chén canh chua như ri thì nhất rồi bác hè, khác chi khi mình ở nhà!
 
Anh chờ vợ chồng ông cụ ăn xong thì dọn hăng-gô lại. Cụ ông lần lần ngón tay vào túi áo lôi ra cỡ chục cái tăm được quấn chặt bằng sợi dây cao su, nhón một cái. Bà cụ nhìn anh, chẹp miệng:
 
- Nhờ phúc đức vợ chồng bà mới gặp được cháu ở đây. Con bé nhà bà bị bệnh ấy phải nằm viện lâu nữa kia. Cơ khổ, chồng nó đang làm thuê làm mướn tận trong Nam có về được đâu. Mà có sắp xếp về được thì cũng phải lo ăn lo ngủ cho mấy đứa nhỏ ở quê, chứ đâu có thảnh thơi như hai vợ chồng tôi đây mà ra nuôi vợ nó được…
 
Anh cầm bàn tay nhăn nheo của bà bóp bóp nhè nhẹ, nói:
 
- Có chi mô bà nờ! Vợ chồng cháu ra đây cũng không được nhiều tiền để biếu cho hai bác thêm nữa. Còn đồ ăn ni là của các cụ bà trong phòng vợ cháu nằm họ để lại, cháu đưa cho hai bác đó thôi, không phải bỏ tiền mua mô ạ.
 
- Hạt cơm khi đói, khi thiếu mới quý hóa cháu ạ. Mai mốt con bé nhà bà nó lành bệnh về nhà, bà sai mấy đứa vật lợn vật gà ăn mừng… Chà, lúc đó mà có vợ chồng cháu ghé chơi thì vui nhỉ…
 
Chuyện trò thêm một lúc thì anh xách hai cái hăng-gô đứng dậy. Anh không quên nhắc hai ông bà:
 
- Chiều hai bác đừng ra phố mua đồ ăn nhé, cháu lại mang xuống.
 
Sau bữa cơm chiều, anh lại xách hai chiếc hăng-gô còn ấm nóng xuống khoảng sân hẹp. Nắng về chiều đang nhòa dần trên những nóc nhà lô nhô, cao vút. Hoàng hôn đây sao mãi cứ xa lạ với anh. Dù anh đã nhìn cả tháng trời rồi, nhưng chẳng làm sao quen được.
 
Anh trở lại phòng khi dãy bóng đèn hiu hắt dưới cửa sổ đang cố xua đi phần nào bóng đêm đã tràn ngập. Vợ anh nằm úp mặt vào tường. Căn phòng vắng bóng các bà cụ trở nên trống trải đến ngẹn thở. Trong anh chỉ còn dựng lên một mong ước cồn cào: Gắng lên cho mau lành mà về mạ mi ơi! Hình ảnh hai đứa con chẳng ngày nào khỏi hiện diện trong nỗi nhớ đến khắc khoải của anh. Anh cũng biết, nỗi nhớ con đến run rẩy, nhớ đến gấp cả trăm ngàn lần anh, vẫn cào xé trong gan ruột của vợ anh từng ngày.
 
Cái đêm anh đưa vợ lên tàu, dù đã ra đến cổng nhưng vợ anh còn lao ngược vào nhà, ôm lấy đầu con bé em mới hơn một tuổi, ấn miệng con bé vào bầu vú đang căng sữa. Con bé mút lấy mút để đến không kịp thở. Rồi nó buông vú mẹ, ngước đôi mắt lay láy nhìn anh, cái miệng cười nhóp nhép... Anh nhìn vợ, nhìn con trong cảnh ấy, như rụng mất một phần gan ruột xuống. Một tiếng còi tàu thoảng lên xa xôi, dứt con bé ra khỏi bầu ngực của mẹ…
 
Hôm sau là ngày chủ nhật. Anh cũng một việc như ngày thứ bảy: Xách bốn cái hăng-gô xuống bếp ăn, lại ngược lên phòng. Rồi xách hai cái hăng-gô xuống khoảng sân hẹp. Mỗi lần xuống với hai cụ, anh lại nhớ tới cảnh tượng mà anh đã tình cờ nhìn thấy trong một lần thờ thẫn dạo trong khuôn viên bệnh viện. Đó là cảnh ông cụ cứ san mãi miếng thịt gà, chỉ to cỡ ba ngón tay, trong hộp cơm của mình vào bát bà cụ. Bà cụ không chịu, tay gắp trả miếng gà lại cho ông, mắt liếc nhìn ông như có ý dỗi hờn… Cuối cùng, ông cụ xé đôi miếng gà ra bỏ cho mỗi người một nửa. Cảnh ông bà cứ dùng qua dằng lại như vậy trên manh chiếu cũ, khiến anh xúc động. Đôi mắt với ánh cười hạnh phúc của bà cụ bữa ấy in vào anh.  
 
Sau lần bắt gặp ấy, anh làm quen và biết hai cụ đang chăm con gái bệnh nặng, phải điều trị khá dài ngày. Cảnh ăn không ngồi rồi, hầu bao lại mỗi ngày mỗi vợi đi khá rõ khiến bà cụ bứt rứt. Rồi mấy người nhà bệnh nhân cùng cảnh ngộ mách cho bà cụ việc bán nước chè ngoài đường. Bà chỉ phải sắm cái phích, cái ấm tích và mươi cái chén nhỏ. Nước sôi thì ngày hai cữ, luôn sẵn ở bếp ăn của bệnh viện. Vậy là bà cụ “khoán” việc nghe y tá kêu tên con gái hàng ngày cho ông. Còn bà buổi sáng sớm và buổi sắp chiều xách “đồ nghề” ra vỉa hè đường Giải Phóng ngồi.
 
Từ đó, buổi tối, khi nào thấy buồn buồn anh thường ra chỗ hai cụ bắt chuyện chơi. Thấy bà cụ mang nước về do không được khách, anh mua trọn, vừa uống vừa cho vào chai nhựa mang về phòng. Khi đã quen thân, ông cụ không chịu bán cho anh nữa. Ông cùng anh uống rỉ rả với nhau, vừa khỏi uổng phí, vừa để giết thời gian.
 
Những câu chuyện vui, buồn ở xóm lạ này làng quen kia giữa anh và ông bà cụ, làm trôi nhanh từng đêm dài thắc thỏm trong anh.
 
Ngày thứ bảy và chủ nhật lần thứ ba, kể từ ngày anh thường đến với ông bà cụ. Anh không còn xách bốn cái hăng-gô xuống bếp ăn bệnh viện nữa. Mấy bà cụ phòng với vợ anh đã rủ nhau ra viện từ chiều thứ sáu. Căn phòng bỗng rộng thênh, im ắng đến lạ lùng. Những chiếc hăng-gô khá quen thuộc với anh, giờ biến mất, cứ như chưa từng bao giờ hiện diện trên các nóc tủ vậy. Vợ anh nhìn mấy hộp bánh và gói hoa quả các cụ để lại cho, mắt ầng ậng nước. Anh cũng thấy lòng mình man mác. Anh biết, sẽ chẳng bao giờ còn được gặp lại các cụ, dù đôi khi anh vẫn nghĩ trái đất hình tròn.
 
Chiều chủ nhật. Nhận suất ăn dinh dưỡng cho vợ xong, anh mua thêm ba hộp cơm. Trời chạng vạng, anh bước xuống khoảng sân hẹp. Khi ông bà cụ đã ăn xong, anh bần thần nói:
 
- Mai vợ cháu cũng được ra viện rồi ông ạ. Có lẽ buổi chiều tụi cháu ra tàu…
 
Ông cụ ngẩn ra một lúc khi nghe anh nói. Đôi mắt ông nhìn anh chất chứa bao nỗi niềm. Sát bên manh chiếu, những cành cây xà cừ vật vờ với gió, in bóng lên khoảnh sân hẹp, trong ánh đèn điện vàng hắt hiu.
 
Anh cầm lấy bàn tay khô khẳng của bà cụ, đặt vào đó cái phong bì quăn góc.
 
- Của ít lòng nhiều thôi ạ. Cháu về đến nhà là yên tâm rồi. Hai bác còn lo cho cô ấy chưa biết đến khi mô…
 
Bà cụ nhìn với sang ông cụ, như dò hỏi. Ông cụ rót nước chè trong ấm tích vào chén cho anh, giọng nghèn ngẹn:
 
- Một lần gặp nhau trên đời… Ơn nghĩa làm sao ông dâng trả đây…
 
Anh ôm lấy đôi vai gầy gò của ông cụ, nói vui:
 
- Cháu nỏ mong gặp lại hai bác ở chỗ đây mô!
 
Anh về phòng với vợ, sau khi uống với ông cụ hớp nước chè cuối cùng sóng sánh ánh trăng thượng tuần.
 
Truyện ngắn của Lam Giang

tin liên quan

Mối nguy lớn từ lệch chuẩn văn hóa

(QBĐT) - Qua những chặng đường cách mạng, hết chống giặc ngoại xâm đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiều kỳ tích chiến công nhưng cũng lắm mất mát hy sinh, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân ta luôn hướng tới một nền văn hóa lấy con người làm trung tâm. Đảng ta luôn bổ sung những nội dung mới cho khái niệm văn hóa để nó xứng tầm là ánh sáng soi đường cho quốc dân đi như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
 

Tập trung tuyên truyền về Lễ tưởng niệm các AHLS tại Hang Tám TNXP và Đường 20 - Quyết Thắng

(QBĐT) - Sáng nay, 21/10, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo định kỳ tháng 10 năm 2022.

Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều

(QBĐT) - Ngày 18/10, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ) đã tổ chức lễ hội mừng cơm mới.