Tướng quân Nguyễn Hữu Tiến

  • 07:10 | Thứ Bảy, 08/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân dân Quảng Bình đã lập đền thờ tướng quân Nguyễn Hữu Tiến ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh) để tưởng nhớ công lao của bậc khai quốc công thần trong công cuộc gây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn.
 
Quảng Bình là chiến địa trong cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 200 năm (1558-1777). Trên vùng đất này, nhiều bậc danh tướng kỳ tài lập nhiều chiến công cho Chúa Nguyễn được lưu truyền trong sử sách. Một trong số đó chính là bậc khai quốc công thần, danh tướng Nguyễn Hữu Tiến, con rể Hoằng quốc công Đào Duy Từ.
 
Nguyễn Hữu Tiến, hiệu là Thuận Nghĩa, sinh năm Nhâm Dần (1602), quê ở xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau di cư vào huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định lập nghiệp. Thuở nhỏ, mồ côi cha, Nguyễn Hữu Tiến phải đi làm thuê cho nhà giàu để nuôi mẹ già. Do hoàn cảnh nhà nghèo đã hình thành nên Nguyễn Hữu Tiến tính cách trầm lặng, cương quyết, có chí lớn, tự học văn chương, tìm thầy học võ, say sưa rèn văn, luyện tập võ lược.
 
Sách Đại Nam liệt truyện chép việc Nguyễn Hữu Tiến đến gặp Quan nội tán Đào Duy Từ: “Một hôm nằm mộng thấy con hổ đen từ phương nam vào, Duy Từ sai quân vây bắt. Hổ thình lình mọc 2 cánh bay lên trời múa. Thức dậy, Duy Từ mặc áo chỉnh tề, ngồi đợi giây lát, Hữu Tiến từ ngoài vào, mặc áo thâm, cầm quạt lông, đứng ở dưới thềm”[1].
 
Thấy Nguyễn Hữu Tiến là người thông minh, mưu lược, sức mạnh phi thường, Đào Duy Từ quý trọng, gả con gái là Đào Thị Hưng và tiến cử Chúa Sãi vào năm Tân Mùi (1631). Chúa Sãi phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Đội trưởng đốc suất thuyền Địch Cần, quân Nội thủy. Được Chúa Sãi tin trao, Nguyễn Hữu Tiến hăng say chỉ huy quân lính luyện tập thủy sư, tập cho quân chèo, ngồi, nhất là vào ban đêm. Sau đó, Nguyễn Hữu Tiến được thăng là Cai đội, dần thăng đến Cai cơ, rồi Chưởng cơ.
 
Mùa xuân năm Mậu Tý (1648), Nguyễn Hữu Tiến theo Chúa Nguyễn là Hiền vương Nguyễn Phước Tần, giữ chức Tiết chế chủ quân ra chống quân Trịnh ở cửa biển Nhật Lệ. Nguyễn Hữu Tiến đã đem hơn 100 voi khỏe, đánh úp doanh trại quân Trịnh. Vốn gan dạ phi thường, Nguyễn Hữu Tiến đốc thúc đội tượng quân xông vào trại quân Trịnh như chốn không người, mở đường cho bộ binh Chúa Hiền tiến lên công kích. Quân Trịnh chống đỡ không nổi, thua to.
Võ Miếu, nơi thờ bài vị danh tướng Nguyễn Hữu Tiến ở Tả vu.
Võ Miếu, nơi thờ bài vị danh tướng Nguyễn Hữu Tiến ở Tả vu.

Trên đà thắng lợi, Nguyễn Hữu Tiến xua quân đại phá quân Trịnh, giết 10 tướng, bắt sống nhiều quân lính, đuổi đến sông Gianh mới quay trở về. Nguyễn Hữu Tiến thống lĩnh hơn 3.000 quân, đóng ở đồn Võ Xá để phòng thủ, còn có tên gọi khác là đạo Lưu Đồn, nay là Dinh Mười (Gia Ninh, Quảng Ninh).

Sách Đại Nam nhất thống chí đã chép lại nguồn gốc của địa danh này “Hồi đầu mở nước, quân Trịnh vào đánh, Đại tướng quân của ta là Nguyễn Hữu Tiến đóng quân ở đây, cùng dinh Động Hải tiếp ứng nhau, quân dinh liên lạc cùng nhau, gọi là Thập Dinh. Sau khi quân Trịnh rút lui, thường có quân đồn trú, đặt cai suất đại viên, gọi là đạo Lưu Đồn”[2]. Sau chiến thắng này, Nguyễn Hữu Tiến được Chúa Hiền phong tước Thuận Nghĩa hầu.

Tháng 4/1655, tướng Trịnh là Trịnh Đào sai tướng giữ đồn là Phạm Tất Đồng vượt sông Gianh xâm chiếm vùng đất Bố Chính, tức Bố Trạch ngày nay. Chúa Hiền phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, cùng với Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đem quân vượt sông Gianh tiến đánh quân Trịnh. Nhờ tài thao lược, chỉ huy tài tình của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật, quân Chúa Nguyễn giành thắng lợi. Chúa Nguyễn mừng nói “Hữu Tiến và Hữu Dật thực là hổ tướng” và thưởng Hữu Tiến 30 lạng vàng, 100 lạng bạc, 1 áo gấm, 1 thanh gươm báu và thưởng Nguyễn Hữu Dật 30 lạng vàng, 80 lạng bạc. Quân sĩ ai nấy đều được trọng thưởng tùy theo từng chức bậc khác nhau.
 
Đến tháng 5/1655, Trịnh Tráng sai Trịnh Trương làm Thống lĩnh, Nguyễn Văn Trạc và Nguyễn Tính làm Đốc thị lãnh binh cùng 8 tướng và quân lính đi thu phục doanh trại Hà Trung (ở phía Bắc, cách dãy Hoành Sơn 30km). Nguyễn Hữu Tiến bàn với Nguyễn Hữu Dật thực hiện kế nghi binh, giả vờ yếu thế rút quân án ngữ các vị trí hiểm yếu. Riêng Nguyễn Hữu Tiến rút quân về sông Gianh. Quân Trịnh lo ngại rơi vào bẫy nên không dám tiến, cho lui về đóng ở đồn Lạc Xuyên.
 
Tháng 8/1655, Nguyễn Hữu Tiến xuất quân tiến đánh quân Trịnh. Quân Trịnh khiếp sợ oai phong của Nguyễn Hữu Tiến đành phải bỏ chạy. Nguyễn Hữu Tiến thu quân, đóng đồn ở Vân Cát, báo tin thắng trận. Chúa Nguyễn sai sứ mang vàng, lụa trọng thưởng, úy lạo tướng sĩ. Sau đó, Nguyễn Hữu Tiến cùng các tướng sĩ tiếp tục đem quân đánh thắng quân Trịnh và giành được 7 huyện ở Nghệ An là Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương khiến cho chúa Trịnh lo sợ.
 
Vâng mệnh Chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Tiến chiêu dụ dân chúng, tuyển chọn người tài, chia đặt quan chức, xét sổ định, thu lương và bổ sung binh lính. Lúc bấy giờ, dân vui vẻ làm việc, quân cán lương thực có thừa, quân Chúa Nguyễn đánh nhiều trận thắng nữa.
Sau đó, quân lính phần vì nhớ nhà, muốn về, phần vì mối quan hệ với Nguyễn Hữu Dật nảy sinh bất hòa, cộng với trận đánh ở An Điềm thất bại nên Nguyễn Hữu Tiến rút quân về Nam, đóng ở đạo Lưu Đồn.
 
Trong điều kiện bất lợi cách xa căn cứ hậu cần, việc thu nạp hàng binh gặp không ít trở ngại nhưng Nguyễn Hữu Tiến đã giữ vững 7 huyện của Nghệ An, yên ổn dân chúng được hơn 6 năm. Điều này cho thấy, Nguyễn Hữu Tiến không chỉ là bậc danh tướng mà còn là nhà chính trị tài năng khi giữ được vùng đất phên dậu trong một thời gian khá dài.
 
Mùa xuân Nhâm Dần (1662), quân Trịnh vào xâm lấn, quân Chúa Nguyễn đánh phá được. Để phòng thủ kinh thành Phú Xuân từ xa, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ hiến kế Chúa Nguyễn xây lũy Trấn Ninh. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật được giao trông coi việc xây đắp lũy. Nhờ vậy mà việc phòng thủ của Chúa Nguyễn ngày càng được củng cố, tăng cường. Mùa hạ năm 1664, Nguyễn Hữu Tiến bị ốm phải xin về nghỉ tại Trấn thủ Cựu doanh để điều dưỡng, Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Dật thay thế.
 
Tháng 7 năm Bính Ngọ (1666), Nguyễn Hữu Tiến ốm nặng, biết trước sẽ khó qua khỏi, bèn cho triệu tập các thuộc tướng đến, căn dặn xong rồi qua đời, thọ 65 tuổi. Chúa Nguyễn hay tin thương xót vô cùng, tặng phong Hiệp mưu tán lý công thần, Đặc tiến Tả quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Tiết chế Thuận Quận công và ban cho nhiều gấm, lụa, tiền bạc và cho chôn cất theo lễ tước công.
 
Nguyễn Hữu Tiến làm tướng, lập được rất nhiều chiến công. Triều Lê suy tôn là Hổ uy đại tướng, nghĩa là Đại tướng oai cọp, nổi tiếng ngang với Nguyễn Hữu Dật. Là bậc khai quốc công thần, sau khi mất, nhân dân tiếc thương lập đền thờ ở ấp Tráng Tiệp, nay là xã Gia Ninh, Quảng Ninh. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đền Anh quốc công: ở xã Tráng Hiệp, huyện Phong Lộc, thờ vị khai quốc công thần Anh quốc công Nguyễn Hữu Tiến. Hồi đầu mở nước, ông làm Thống suất ở đạo Lưu Đồn ngăn giữ quân Trịnh. Sau khi mất, người xã ấy lập đền thờ”[3].
 
Năm 1804, xét công lao to lớn của bậc khai quốc công thần, vua Gia Long liệt Nguyễn Hữu Tiến vào thượng đẳng, cho thờ phụ vào Thái Miếu, đến năm 1810 cho thờ vào miếu Khai quốc công thần. Năm 1812, vua Minh Mạng truy tặng Khai quốc công thần, Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Tả quân Đô thống Phủ chưởng sự, Thái bảo, phong Anh quốc công, thờ phụ vào Thái Miếu.
 
Năm 1835, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Võ Miếu ở ấp Nội Súng, thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà nay thuộc địa bàn xã Hương Hồ, TX. Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thờ tự những danh tướng đã lập công trạng hiển hách trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam, trong đó có danh tướng Nguyễn Hữu Tiến được thờ ở Tả vu với bài vị có nội dung “Bản triều Khai quốc công thần Thái bảo An quốc công Nguyễn Hữu Tiến chi vị”.
 
Tuy quê quán ở Thanh Hoá nhưng những chiến công trên đất Quảng Bình làm nên danh tiếng Nguyễn Hữu Tiến. Bởi vậy, sau khi qua đời, nhân dân Quảng Bình lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của tướng quân Nguyễn Hữu Tiến, bậc khai quốc công thần trong công cuộc gây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn. Trải qua bao biến cố lịch sử, đền thờ Anh quốc công Nguyễn Hữu Tiến ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh) hiện không còn dấu tích.
                                                                                  Hữu Nhật
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tr.74.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tr.516.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.518.

tin liên quan

Ký ức về ông

(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.

Thơ chọn-Lời bình: Hoa hậu

(QBĐT) - Bài thơ "Hoa hậu" là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả "một nửa thế giới".
 

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.