Thơ chọn-Lời bình: Về thăm Thành cổ

  • 08:18 | Thứ Hai, 10/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng Quảng Trị nắng vàng rưng nước mắt
Gió mơn man ru Thạch Hãn yên lành
Những đồng đội chung chiến hào ngày ấy
Lại về đây đứng lặng dưới chân thành
 
Đồng đội ơi tuổi đôi mươi mười tám
Thư người thương chưa kịp viết đôi dòng
Không bia mộ hồn hóa vào trời đất
Cây cỏ đất này thấm đẫm máu các anh
 
Nước rất xanh cây cỏ rất xanh
Máu rất đỏ cờ hoa rất đỏ
Khí thiêng đất trời tụ về Thành cổ
Nơi một thời ngựa đá toát mồ hôi
 
Ngủ bình yên, ngủ bình yên đồng đội ơi!
Triệu tấm lòng hóa đền đài tưởng niệm
Gió bốn phương ru về Thạch Hãn
Nước mắt chảy vào lòng nghẹn xót mỗi con tim.
 
Đỗ Qúy Dũng
(In trong tập thơ Người hát rong, NXB Thuận Hóa, 2011)
Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: M.V
       Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.               Ảnh: M.Văn

 Lời bình:

Đỗ Quý Dũng từng có những tháng ngày làm công tác binh vận ở Quảng Trị. Ông quá hiểu tâm trạng, nỗi đau, nỗi vất vả của những người lính trong hoàn cảnh bom rơi, lửa đạn, cận kề với cái chết. Thực tế này đã giúp ông viết nhiều, viết hay về đề tài người lính và chiến tranh. Bài thơ Về thăm Thành cổ của ông như một nén hương gửi đến những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đây.
 
Sông Thạch Hãn-dòng sông Hoa đỏ đã đi vào trang sử Quảng Trị. Bản hùng ca 81 ngày đêm vẫn âm vang. Đến hôm nay, không một ai không thổn thức khi đọc bài thơ Lời người bên sông của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, bãi mãi ngàn năm. Dòng sông linh thiêng đầy máu và hoa ấy đã đi vào những trang văn trang thơ của biết bao thế hệ.
 
Trong một lần trở lại Quảng Trị, Đỗ Quý Dũng cũng không nguôi thổn thức: Sáng Quảng Trị nắng vàng rưng nước mắt/ Gió mơn man ru Thạch Hãn yên lành/ Những đồng đội chung chiến hào ngày ấy/ Lại về đây đứng lặng dưới chân thành. Cái nhìn của ông rất thực. Những con chữ đi ra từ cảm xúc chân thành. Cảm giác những người đồng đội chung chiến hào với mình năm xưa đang hiện hữu bên cạnh ông đã cho người đọc thấy được sự gắn bó đặc biệt, mà những người cùng lý tưởng mới có được. Âm dương vì thế như được rút ngắn lại, không còn khoảng cách, chỉ tình đồng đội đồng chí đậm sâu, bền chặt.
 
Khó có thể quên được tiếng hát, tiếng cười, lá thư chung nhau đọc… của những người lính tuổi đôi mươi trẻ trung, yêu đời trong chiến tranh. Những trang sách Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc là một minh chứng. Chiến tranh với bao gian khổ, hiểm nguy rình rập, nhưng họ vẫn vượt lên, đặt niềm tin vào thắng lợi phía trước. Do vậy, những người lính luôn tự tạo ra nguồn động lực để tiếp thêm sức mạnh, kiên cường, dũng cảm, chiến đấu. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đầy khốc liệt, hy vọng và bi tráng năm 1972 ấy, biết bao trái tim son trẻ đã vĩnh viễn không trở về.
 
Người ta ví Thành cổ Quảng Trị là túi bom khổng lồ: “Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6-16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo”.
 
Trong chảo lửa ấy, làm sao tránh được thương đau, mất mát? Các anh đã nằm xuống không để lại một vết dấu, không bia mộ. Máu các anh hòa trong mỗi tấc đất. Mỗi tấc đất là một câu chuyện, một cuộc đời: Đồng đội ơi tuổi đôi mươi mười tám/ Thư người thương chưa kịp viết đôi dòng/ Không bia mộ hồn hóa vào trời đất/ Cây cỏ đất này thấm đẫm máu các anh.
 
Hôm nay, chúng ta có một Thành cổ xanh tươi, yên bình là bởi sự quyện hòa đầy bi tráng ấy: Nước rất xanh cây cỏ rất xanh/ Máu rất đỏ cờ hoa rất đỏ/ Khí thiêng đất trời tụ về Thành cổ/ Nơi một thời ngựa đá toát mồ hôi. Các anh mãi là niềm tự hào của dân tộc. Ở đây, sự nối kết, hòa điệu giữa cái riêng với cái chung, giữa câu chuyện của những người lính với câu chuyện của đất trời, của dân tộc đã giúp Đỗ Quý Dũng dựng nên không gian cõi thiêng Thành cổ-nơi mọi người dân Việt đều hướng về.
 
Đến khổ cuối, Đỗ Quý Dũng đã chuyển hóa nỗi đau bằng lời ru, bằng niềm tự hào và lòng biết ơn: Ngủ bình yên, ngủ bình yên đồng đội ơi! Triệu tấm lòng hóa đền đài tưởng niệm/ Gió bốn phương ru về Thạch Hãn/ Nước mắt chảy vào lòng nghẹn xót mỗi con tim. Lời thơ giản dị, mộc mạc nhưng sâu nặng tình đồng đội, đồng chí. Đất mẹ, gió bốn phương sẽ đưa các anh vào giấc ngủ yên bình. Tấm lòng của ông và cũng là tấm lòng của biết bao thế hệ sẽ mãi mãi khắc ghi. Mỗi tấm lòng sẽ hóa thành một đền đài biết ơn vô hạn đối với các anh.
 
Điểm sáng trong bài thơ Về thăm Thành cổ của Đỗ Quý Dũng chính là tấm lòng đến với tấm lòng: Triệu tấm lòng hóa đền đài tưởng niệm. Tấm lòng của một người nói thay cho tấm lòng muôn người. Tinh thần quả cảm của các anh sống mãi, lưu truyền và tiếp nối ngọn lửa yêu nước trong trái tim thế hệ mai sau.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Ký ức về ông

(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.

Thơ chọn-Lời bình: Hoa hậu

(QBĐT) - Bài thơ "Hoa hậu" là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả "một nửa thế giới".
 

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.