Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh lần thứ VI-2022:

Sân chơi hấp dẫn, ấn tượng

  • 07:29 | Thứ Sáu, 04/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Liên hoan nghệ thuật quần chúng (NTQC) Công-Nông-Binh, một trong những sự kiện văn hóa lớn của tỉnh trong năm 2022, vừa khép lại sau đêm công diễn các tiết mục đặc sắc và bế mạc, trao thưởng. Nhưng, dư âm về những câu hát, điệu múa vẫn còn đọng lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Có thể nói, liên hoan là nơi hội tụ các tài năng NTQC của tỉnh, nơi các ca sĩ, vũ công không chuyên thể hiện năng lực sáng tạo để đem đến cho khán giả nhiều tiết mục hay, ấn tượng.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) cho hay: Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Một trong những sân chơi thiết thực, góp phần phát triển phong trào là Liên hoan NTQC Công-Nông-Binh được tổ chức hai năm một lần từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh. Năm 2021 là năm định kỳ của liên hoan song tỉnh không tổ chức vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương, năm 2022, Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Liên hoan NTQC Công-Nông-Binh lần thứ VI. Qua đó, khẳng định vai trò của lực lượng Công-Nông-Binh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo niềm hân hoan phấn khởi, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng, đổi mới của đất nước.
 
Liên hoan NTQC Công-Nông-Binh lần thứ VI thu hút hơn 450 diễn viên không chuyên của 12 đoàn NTQC, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và 8 đoàn NTQC của các huyện, thị xã, thành phố. Các đoàn NTQC đã mang đến liên hoan 71 tiết mục với nhiều thể loại phong phú, gồm: Độc tấu, hoạt cảnh, đơn ca, song ca, tốp ca, múa độc lập…
 
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, liên hoan lần này có sự đột phá cả về chất và lượng. Ban Giám khảo đã làm việc công tâm, khách quan để giúp Ban Tổ chức đánh giá đúng kết quả thể hiện qua từng chương trình biểu diễn của các đoàn tham gia.
Với sự đầu tư bài bản, nhiều tiết mục văn nghệ thu hút khán giả cả về phần nghe lẫn phần nhìn.
Với sự đầu tư bài bản, nhiều tiết mục văn nghệ thu hút khán giả cả về phần nghe lẫn phần nhìn.
Từ chủ đề “Khúc hát quê hương”, yêu cầu đặt ra cho các đoàn NTQC là phải xây dựng chương trình phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ca ngợi truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân, dân Quảng Bình trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước; thể hiện tình cảm, tấm lòng nhân dân Quảng Bình đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại…
 
Điều dễ nhận thấy là các chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan đều có sự chuẩn bị khá chu đáo, đầu tư công phu, bài bản. Đa số các đoàn đã xây dựng chương trình phù hợp với chủ đề của liên hoan. Các tiết mục trong mỗi chương trình được kếu cấu hợp lý, logic, có tính xâu chuỗi, kết nối. Nhiều chương trình được đầu tư hoành tráng, sáng tạo, tạo nên nét tươi mới, để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Các chương trình còn đa dạng về tiết tấu và hình thức thể hiện, tạo nên một bản hòa âm đa sắc, một bức tranh văn hóa sinh động.
 
Xuyên suốt liên hoan là các tiết mục có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người Quảng Bình trong sự nghiệp đổi mới. Những tiết mục, như: “Bão”, “Khát vọng hùng cường” (TP. Đồng Hới), “Nắng gió thao trường”, “Thư gửi mẹ” (Bộ CHQS tỉnh), “Rộn ràng thành phố trẻ” (Công an tỉnh), “Hoa rừng” (Bố Trạch), “Tiếng vọng quê hương” (LĐLĐ tỉnh), “Sông đợi” (Quảng Trạch), “Đại tướng về thăm quê” (Lệ Thủy), “Ba Đồn mênh mang điệu lý” (TX. Ba Đồn), “Ánh sáng vùng biên” (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh)… mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
 
Liên hoan đã phản ánh rõ nét tiềm năng và phong trào văn hóa, văn nghệ của các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Mỗi chương trình nghệ thuật đều có ý tưởng rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, tạo nên bức tranh nghệ thuật phong phú có sức cuốn hút người xem. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, giàu sức biểu cảm.
 
Liên hoan còn là nơi quy tụ các giọng hát hay, phát hiện những gương mặt mới trong trong phong trào văn nghệ quần chúng. Hầu hết các đoàn đều có những giọng hát chủ đạo, thể hiện thành công nhiều ca khúc hay bằng kỹ thuật chuyên nghiệp, xử lý sắc thái biểu cảm trong từng phân đoạn của ca khúc khá nhuần nhuyễn. Việc xử lý phối, bè, hát đuổi, hòa âm, phối khí trong ca khúc được thể hiện khá trọn vẹn, tạo chiều sâu, bề dày cho ca khúc. Tiêu biểu là các giọng ca: Hoàng Mai (Bộ CHQS tỉnh), Minh Nguyệt (Quảng Trạch), Thu Phương (Bố Trạch)…
 
Về ngôn ngữ múa, các biên đạo múa đã khá tinh tế trong cách dàn dựng, nổi bật là các tiết mục múa độc lập với việc dùng ngôn ngữ hình thể để kể nên những câu chuyện có chiều sâu. Điển hình như tiết mục “Bão” (TP. Đồng Hới), “Nắng gió thao trường” (Bộ CHQS tỉnh), “Ánh sáng vùng biên” (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh)… Các đoàn NTQC đã có sự đầu tư cho trang phục và đạo cụ biểu diễn. Nhiều tiết mục đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân mỗi địa phương và tính chất, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
 
Điều đáng mừng là tại liên hoan lần này, nhiều tác phẩm âm nhạc mới của các tác giả Quảng Bình được giới thiệu đến công chúng qua những tiết mục hát, múa và vai trò của các nhạc sĩ Việt Nam, lực lượng sáng tác tại Quảng Bình được thể hiện khá rõ nét. Có thể kể đến những tác phẩm âm nhạc, như: “Bất tử” (sáng tác của Lê Đức Trí), “Quảng Bình khúc hát tự hào” (Nguyễn Minh Tám), “Tiếng vọng Phong Nha” (Đinh Gia Hòa), “Chuyện tình của lính” (Phạm Văn Quyền) và một số ca khúc của các tác giả: Ngô Quốc Cường, Hà Quốc Phong…
 
Mặc dù còn một số hạn chế nhất định nhưng về cơ bản, liên hoàn lần này đã thành công rực rỡ với việc quy tụ đông đảo diễn viên quần chúng tham gia, là đợt sinh hoạt văn hóa sôi nổi của các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Sự kiện này còn thu hút rất đông khán giả đến xem, cổ vũ nhiệt tình. Nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú khi chứng kiến các màn biểu diễn xuất sắc mang tính nghệ thuật cao của các diễn viên, ca sĩ không chuyên.
 
Liên hoan NTQC Công-Nông-Binh là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu văn hóa, văn nghệ, là cơ hội để các đơn vị, địa phương đánh giá chất lượng nghệ thuật, phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu ở cơ sở. Đây còn là dịp để các đoàn NTQC có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó có hướng đi mới trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
 
Nh.V

tin liên quan

Bế mạc, trao giải liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh năm 2022

(QBĐT) - Tối 30/10, tại Trung tâm Văn hoá-Điện ảnh tỉnh, Ban Tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh lần thứ VI năm 2022 đã tổ chức lễ trao giải và công diễn các tiết mục đặc sắc.

Sáng tác và chủ động công bố tác phẩm

(QBĐT) - Những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động được bảo trợ tổ chức của Nhà nước và hàng chục cuộc vận động, cuộc thi sáng tác của các ban, ngành trong cả nước, đã xuất hiện những cuộc "gặp gỡ" của các nhóm nghệ sĩ cùng mong muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.

Khai mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI

(QBĐT) - Tối 29/10, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, năm 2022 với chủ đề "Khúc hát quê hương" chính thức khai mạc.