Thơ chọn-Lời bình: Mặt trời

  • 07:20 | Thứ Sáu, 28/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quả đất sinh ra mặt trời giữa biển khơi
Trên giường biển mặt trời đã mọc đầy râu đỏ
Mây trắng tặng mặt trời khăn quàng cổ
Mặt trời từ biệt mẹ lên đường
 
Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất
Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực
Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng
Con không lặn bao giờ dù đêm tối mênh mông
 
Đêm Trường Sơn mặt trời xuất hiện
Những chiếc xe mang con mắt mặt trời
                                                           ra tiền tuyến
Những loạt đạn mang lửa mặt trời đốt máy bay
Những ánh mắt mang tia sáng mặt trời xuyên 
                                                                     đêm dày
Những trái tim mang sức sống mặt trời đi tìm giặc.
Thương mẹ vô cùng nên mặt trời không
                                                             bao giờ tắt.
 
Hoàng Hiếu Nhân
 
Lời bình:
 
Hoàng Hiếu Nhân (1959-2014) quê ở Quảng Bình. Anh làm thơ lúc 8 tuổi và chỉ hoạt động tầm 10 năm, nhưng đủ để anh khẳng định tiếng thơ của mình bên cạnh các cây bút như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ... Sau khi anh mất, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tập hợp các bài thơ của anh in thành tập Quả địa cầu, phát hành vào dịp Ngày thơ Việt Nam năm 2016.
 
Bên cạnh những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích như Quả địa cầu, Con cò, Bọn trẻ quê em, Bọn trẻ quê em, Biển, Em làm bộ đội, Đánh giặc…, tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ Mặt trời, được viết khi anh 10 tuổi.
 
Trong nhận thức của các em, từ thế giới thiên nhiên bao la cỏ cây hoa lá, hiện tượng tự nhiên đến loài/đồ vật, đều ẩn chứa sự thú vị, hấp dẫn, vui nhộn, ly kỳ. Thế giới của các em vì thế là thế giới của sự tưởng tượng, bay bổng, huyền ảo, thế giới của sự tự do tuyệt đối. Các em thường đặt những sự vật hiện tượng cách xa bên cạnh nhau để tha hồ tung tẩy, thỏa thích sáng tạo trong bầu trời lung linh, đầy sắc màu do mình tưởng tượng và vỡ òa khi tìm ra mối liên hệ mới lạ giữa chúng.
 
Thế giới trong Mặt trời của Hoàng Hiếu Nhân cũng đầy ngộ nghĩnh, đáng yêu. Anh xem quả đất, mặt trời, biển, mây trắng như những người bạn thân, có tiếng nói, có hành động, có sự giao hòa, chia sẻ: Quả đất sinh ra mặt trời giữa biển khơi/ Trên giường biển mặt trời đã mọc đầy râu đỏ/ Mây trắng tặng mặt trời khăn quàng cổ/ Mặt trời từ biệt mẹ lên đường.
 
Ở đây, sự liên tưởng của anh tựa vào logic của hiện thực, vòng tuần hoàn, sự dịch chuyển của những sự vật, hiện tượng để nối kết mối quan hệ giữa chúng trong ngôi nhà sinh thái: Quả đất là mẹ, mặt trời là con, biển là chiếc giường, mây là người bạn. Hình ảnh mặt trời mọc đầy râu, mây trắng tặng khăn quàng cổ là sự liên tưởng phi lý, lạ hóa, phản ánh lòng ham muốn tìm hiểu, khám phá thế giới của các em.
 
Thông qua sự gắn bó của quả đất và mặt trời, Hoàng Hiếu Nhân đã liên tưởng đến câu chuyện tình mẫu tử sâu nặng: Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất/ Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực/ Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng/ Con không lặn bao giờ dù đêm tối mênh mông.
 
Ở đây, sự chuyển đổi từ thủ pháp nhân hóa sang thủ pháp ẩn dụ tự nhiên, nhuần nhuyễn, không hề gượng ép. Chu kỳ hoạt động của các sự vật, hiện tượng diễn ra liên tục, tiếp nối, vĩnh hằng cũng như tình mẫu tử bao la, vô bờ bến: Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất. Một sự khẳng định đầy tính triết lý.
 
Đến khổ tiếp theo, hình ảnh mặt trời được đan xen với nhiều thủ pháp như nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ, tượng trưng, đối lập: Đêm Trường Sơn mặt trời xuất hiện/ Những chiếc xe mang con mắt mặt trời ra tiền tuyến/ Những loạt đạn mang lửa mặt trời đốt máy bay/ Những ánh mắt mang tia sáng mặt trời xuyên đêm dày/ Những trái tim mang sức sống mặt trời đi tìm giặc. Lúc này, hình ảnh mặt trời đã có sự chuyển nghĩa, mang tính suy niệm, từ mặt trời là hình ảnh thiên nhiên, là đứa con sang mặt trời là ánh sáng, là chân lý, là niềm tin, là hy vọng, là lẽ sống…
 
Có thể nói, sự tưởng tượng, liên tưởng của đứa bé 10 tuổi như thế này khiến người đọc kinh ngạc. Đó là lý do vì sao nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Thơ Hoàng Hiếu Nhân là thế. Rất sắc sảo và thông minh. Ngôn ngữ chắt lọc. Cấu tứ chặt chẽ. Hoàng Hiếu Nhân giã từ tuổi thơ để làm một người lớn khi còn ở lứa tuổi rất nhỏ. Và hơn thế, anh còn là người phát ngôn cho lứa tuổi mình, cho thế hệ mình, và cho cả thời đại mà anh đã sống”.
 
Theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng người mẹ gắn liền với biểu tượng đất vì đều là nơi chứa đựng và mang giữ sự sống. Vì thế, so sánh, ẩn dụ hình ảnh mẹ với hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, trường tồn, Hoàng Hiếu Nhân đã lột tả được những cảm xúc hết sức sâu nặng, chân thực, sinh động về đức hy sinh và công ơn lớn lao của mẹ.
 
Những câu thơ mang tính khẳng định, nhấn mạnh: Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất, Thương mẹ vô cùng nên mặt trời không bao giờ tắt như thay cho lời biết ơn của anh đối với mẹ của mình. Và anh cũng đã nói hộ và nhắc nhở chúng ta, hãy yêu thương mẹ thật nhiều, khi còn có thể.
 
Tình mẫu tử thiêng liêng không bao giờ mất đi, bất diệt mãi mãi với thời gian.
 
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Chớm đông

(QBĐT) - Không hiểu sao tôi rất thích cảm giác giao mùa, có gì vừa mơ hồ vừa rõ rệt, cứ bâng khuâng xao xuyến, nửa tiếc nuối, nửa khát khao xen lẫn bao ký ức mờ tỏ, bao vòng giao thoa quên, nhớ. 

Tóc xanh hóa đá

(QBĐT) - Hồn sông, hồn đá, hồn cây
          Trời xanh hóa kiếp thành mây bềnh bồng

Để cơm mới thơm bản làng

(QBĐT) - Một ngày đẹp trời giữa tháng 10, chúng tôi lên với bản Khe Giữa thuộc xã miền núi rẻo cao Ngân Thủy (Lệ Thủy) để dự lễ hội mừng cơm mới của bà con với nhiều háo hức, xúc cảm.