Yêu thương gửi trao

  • 08:31 | Chủ Nhật, 06/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Hơn một lần tôi dúi mắt vào bóng tối lặng nghe câu chuyện của mệ nội mình. Tôi cố không bật ra thành tiếng nhưng những giọt nước mắt cay xè nơi sống mũi: Mệ tôi sinh hạ 7 người con và các bác, các o tôi lần lượt mất trong nghèo đói, chiến tranh. Mỗi ba tôi lớn lên và được ông bà nuôi dạy thành giáo viên trường làng. Thời trẻ, hơn 10 năm ông tôi bị Pháp bắt đi lính khố xanh, khố đỏ. Ông đến tận các nước châu Phi xa ngái, lúc còn trên thế gian ông không nhớ rõ là nước nào nữa. Cứ thế hết nỗi buồn này đến nỗi buồn khác ập đến thời xanh trẻ mệ tôi.
 
Các bác, các o tôi vắn số, mất sau những trận ốm không có thuốc men thời chiến tranh. Họ xa lìa thế giới chưa đầy 5 tuổi cả. Ông nội tôi bị Pháp bắt đi lính biền biệt, hết chiến trường này đến chiến trường khác. Có lần tôi hỏi ông đã bao giờ nội bị thương chưa. Ông tôi giơ cánh tay lên đầy sẹo, ngực ông nữa, một viên đạn xuýt xuyên qua tim. Ông bảo: Khi đi lính ở Lạng Sơn, ông đã chủ động liên lạc với Việt Minh để cung cấp súng đạn. Sau năm 1945 ông về quê tham gia phong trào Việt Minh, đi vận chuyển súng đạn từ Đồng Hới lên chiến khu Bang Rợn.
 
Ba tôi lớn lên trong sự nghèo túng, bữa đói bữa no và có thời gian dài không biết ăn cơm là thế nào. Mệ nội tôi chờ chồng đằng đẵng, cày xới đất đai nuôi con. Mệ thường hay hò: “Chiều chiều quạ méc(mách)với diều/Nương hoang cỏ rậm mạ diều gà con”. Có lẽ, sự xa cách của người thương hoặc sự khắc nghiệt của cuộc sống, khiến mệ tôi trở thành người đàn bà đằm thắm, sâu sắc, bí ẩn. Mỗi khi gặp chuyện khó khăn hay không may mắn, mệ tôi thường ra vườn cuốc đất, tìm sâu, tưới nước. Mệ làm việc lặng lẽ và thi thoảng khe khẽ hát. Tôi không nghe và không biết mệ đang nghĩ gì nhưng đó là sự trút trao tâm tư, sự giải bày với chính mình và nghèo khó.
 
Ba tôi lớn lên trong nỗi nhọc nhằn. Và cũng vì điều đó ba tôi rất bản lĩnh khi lần lượt vượt qua nhiều khó khăn nuôi 6 chị em tôi thành người. Đôi khi ông buồn bực, lo nghĩ muốn rủ bỏ hết để yên phận với luống đất, mảnh ruộng vì đàn con nhưng cuối cùng ông vẫn đi tận con đường ông mệ tôi đã chọn.
 
Tôi đã từng ước mơ và đang ấp ủ muốn đưa mệ và mạ tôi đi du lịch một chuyến. Bởi hai bà có bao giờ ra khỏi huyện Lệ Thủy đâu. Đời bà quanh quẩn bên bếp củi, đụn rơm, mấy sào ruộng khoán và những chuyến từ chợ Tréo về chợ Hôm (Tuy Lộc). Mệ tôi và mạ tôi-hai người đàn bà chưa bao giờ được đi xa chứ đừng nói đi du lịch. Trời ơi! Viễn cảnh 2 bà con đi với nhau đến Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt... đứng trên những tòa nhà lộng lẫy nhìn thế giới muôn màu qua các ô cửa sổ ngút ngàn. Rồi sáng ra khi ánh bình minh lên 2 người đàn bà vĩ đại của tôi đón nắng, uống tách cà phê…, chỉ nghĩ đến đó thôi tôi đã thấy ấm lòng và mắt cay xè.
ơ
                                                                                                       Minh họa: Minh Quý
2. Tôi thường hay chia sẻ trên facebook những khoảnh khắc công việc của mình và những điều tốt đẹp trong cuộc sống với hy vọng cái tốt sẽ được nhân lên, lan tỏa. Ánh mắt long lanh của học sinh nơi biên giới xa thẳm cùng hình ảnh của những chương trình thiện nguyện gần xa như chưng đọng nỗi niềm về cuộc sống với biết bao buồn vui. Nhìn vạt nắng mỗi chiều xa dần rồi khuất sau rạng núi tôi thấy như trên gương mặt người tôi quen biết toát lên vẻ an nhiên đến nao lòng.
 
Mạ tôi vốn là thanh niên xung phong từng tham gia trực chiến ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy) trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bà là lứa thanh niên xung phong đầu tiên xây dựng nghĩa trang xã Mai Thủy. Vốn dân trung du, miền núi quen với nương sắn, nương chè, nương khoai nên không thể nói hết được sự vất vả của bà khi làm dâu vùng đồng bằng chiêm trũng Lệ Thủy.
 
Tôi nhớ nhất tuổi thơ của mình cùng mạ đi cấy ngoài ruộng sâu. Trời rét căm căm, nước ngập tận đùi, hai mạ con chúng tôi trườn trên bùn nhúc nhắc từng bước một. Nhưng hè năm đó, mưa lụt về sớm. Lụt tháng 6 đã cướp mất gần 1,5 mẫu ruộng gia đình tôi. Ánh mắt mạ tôi nhìn ruộng lúa chìm trong biển nước thật kỳ lạ, bí ẩn. Mắt bà lưng tròng. Môi bà run run. Rồi bà bật khóc. Bà ngồi phệt xuống đất. Bất lực. Đau khổ.
 
Năm đó, Tết đến sớm hơn thì phải. Nhà đông con, gạo hết, mạ tần tảo đi vay khất nhà người ta. Một thúng lúa mượn lúc giêng hai đến mùa phải trả ba thúng. Đến tận giờ mỗi khi nhớ lại, tôi thấy chát mặn. Thương ông bà nội, thương ba mạ và thương những đứa em trai mắt tròn tròn, miệng hoác hoác đòi ăn. Tôi lớn hơn chúng nên khôn hơn, chạy vào nồi cơm vắt một miếng ra sau vườn ăn trước. Giờ đây ngồi trong phòng ăn khách sạn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon. Ôi, thèm quá dĩa rau muống luộc, nắm cơm trộn sắn và bữa ăn anh em giành nhau phần hơn.
 
Nhà tôi có cái lạ, Tết dù khổ bao nhiêu đi chăng nữa thì bữa ăn ngày 30 đều có thịt. Năm đó, mạ tôi mua 3kg thịt mỡ. Vèo một nhoắng. Sạch trơn. Cũng sau cái Tết đó, mạ tôi bị tai biến mạch máu não nằm liệt gường đúng 1 năm. Nhà nghèo lại càng nghèo hơn. Chị tôi phải bỏ học lớp 9 để đi cấy, đi cắt (gặt) lúa cùng ba tôi nuôi 5 anh em ăn học.
 
3. Tôi thường có nhiều xúc cảm khi nhìn những bức hình bạn bè chia sẻ kỷ niệm hoặc hình ảnh gia đình. Nhất là mỗi lần nghe thông tin ai đó bất hạnh, gia đình nào đó chới với khổ đau. Tôi luôn thắc thỏm khi nghĩ đến viễn cảnh về 2 người đàn bà vĩ đại của mình.
 
Hôm rồi, tôi mơ chở mệ nội tôi ra bãi cỏ non trước đồng, nướng sắn cho mệ ăn cùng bát nước chè xanh đặc sánh, hồi còn tại thế ông nội tôi rất thích. Trên bãi cỏ non ấy chúng tôi có thể cùng ngắm mặt trời xuống núi, ngắm những chòi trông cá của bà con, đón những cơn gió mát lành mang theo mùi bùn ngai ngái, thương yêu. Tôi hiểu được buổi chiều ước mơ ấy sẽ càng ngày càng trở nên giá trị hơn khi được bên mệ nội của mình.
 
                                                                                                       Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Bế mạc, trao giải liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh năm 2022

(QBĐT) - Tối 30/10, tại Trung tâm Văn hoá-Điện ảnh tỉnh, Ban Tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh lần thứ VI năm 2022 đã tổ chức lễ trao giải và công diễn các tiết mục đặc sắc.

Khai mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI

(QBĐT) - Tối 29/10, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, năm 2022 với chủ đề "Khúc hát quê hương" chính thức khai mạc. 

Sáng tác và chủ động công bố tác phẩm

(QBĐT) - Những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động được bảo trợ tổ chức của Nhà nước và hàng chục cuộc vận động, cuộc thi sáng tác của các ban, ngành trong cả nước, đã xuất hiện những cuộc "gặp gỡ" của các nhóm nghệ sĩ cùng mong muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.