Tháng mười cơm ré cá rô

  • 08:17 | Thứ Sáu, 24/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lúc còn nhỏ, cứ mỗi lần lúa vụ mùa ngả màu vàng mơ, tôi lại nghe mạ hát ru:
 
                               Tháng mười cơm ré cá rô
                           Mạ béo con béo cha vàng rơ rơ.
 
Mạ tôi cứ hát đi hát lại với cái giọng buồn buồn đặc sệt. Lúc bấy giờ, điều gây trí tò mò của tôi không phải là câu ca dao không hiệp vần, mà chính là cụm tính từ đặc sản địa phương: Béo, béo, vàng rơ rơ. Đã có lần tôi thắc mắc mãi với mạ, vì răng cả mạ con đều “béo” mà cha lại “vàng”?
 
Còn cái khoản “cơm ré cá rô” thì tôi chẳng lạ gì. Quê tôi, làng Thổ Ngọa, một trong Bát danh hương của Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ; Văn, Võ, Cổ, Kim) nằm ở hạ nguồn sông Gianh, dù chẳng bờ xôi ruộng mật, nhưng cũng đủ bàu sâu ruộng cạn. Lớp trẻ ngày nay đầy đủ vật chất, nhưng vẫn có thể biết đến cá rô, tuy nhiên “cơm ré” thì hoàn toàn xa lạ.
Minh họa: Tiến Hành
Minh họa: Tiến Hành
Tôi còn nhớ, cứ đến cuối tháng tư, đầu tháng năm âm lịch, khi những ngọn gió lào thổi sàn sạt, hất cái nóng và bụi bay mờ mịt cánh đồng, là lúc làng bước vào vụ vại (vãi) lúa ruộng cạn. Đất cày lên, trâu bò bừa đi đảo lại, nhưng vẫn còn nhiều cục đất to, dẫm buốt cả chân, nên phải dùng vồ đập thật nhỏ như trứng gà, trứng vịt. Đất làm xong, các lão nông có kinh nghiệm mới vại lúa. Họ nắm từng nắm thóc, vung thật đều, khắp thửa ruộng. Đó chính là giống lúa ré.
 
Vại xong, để vậy nhờ trời. Nếu đủ ẩm lúa sẽ mọc đều. Những năm hạn lớn thì nông dân đứng nhìn đất mà ứa nước mắt. Khi cây lúa lên cao, lại chờ trời mưa để cấy dặm. Lúa ré là giống chịu hạn bậc nhất, nhưng nếu hạn quá thì cũng mất trắng. Gieo tháng tư, tháng năm nhưng đến tháng mười mới thu hoạch, chỉ bón ít phân chuồng, chẳng cần đến phân vô cơ hay thuốc trừ sâu bệnh. Bởi nếu cây lúa tốt quá sẽ bị đổ trong mùa bão lũ. Những năm trời cho được mùa, cao lắm cũng chỉ thu được 60-70kg một sào Trung bộ.
 
Hạt thóc lúa ré nhỏ và thon, bỏ vào cối xay bóc vỏ ra hạt gạo lứt nâu sẫm. Sau mấy lần giã, gạo thành trắng hồng như hoa khế. Có lẽ do được “tôi luyện” như vậy nên hạt gạo lúa ré rất cứng, nhưng khi nấu ra cơm vừa dẻo lại vừa mềm, ăn vừa thơm vừa có vị ngọt đầu lưỡi. Cơm nguội để cả ngày vẫn mềm dẻo như khi mới nấu. Mạ tôi thường để dành gạo ré nấu cơm mem cho em nhỏ. Cơm ngọt nên em ăn được nhiều.
 
Một đặc sản đi kèm lúa ré đó là cá rô. Giống cá này xuất hiện khi cây lúa trổ đòng. Lúc này, nước ngập chân lúa khoảng 10-20 cm,  là cá rô con (quê tôi gọi là rô thoóc) đầy ruộng. Chúng bơi, nấp vào chân lúa, chờ hạt phấn đòng đổ xuống mà ăn. Đây là thời kỳ sinh trưởng rất nhanh của cá rô. Từ khi lúa trổ đòng đến khi gặt chỉ hơn tháng mà chúng đã lớn bằng ba ngón tay người lớn, có con còn to hơn. Ở những đám ruộng không sâu nhưng chẳng cạn thì tha hồ cá.
 
Cha tôi kể rằng, thời ông còn nhỏ, ruộng sát nách nhà, bà nội tôi có đám ruộng, thu hoạch trên thóc dưới cá lượng tương đương nhau. Thời kỳ làm hợp tác xã, cá rô tự nhiên ít lại. Bắt cá rô lúc này chẳng khó khăn gì, đứa trẻ biết theo cha ra đồng là có thể bụm tay bắt cá lẫn với bùn bỏ vào giỏ. Cá rô tùy theo chân ruộng có nhiều màu sắc, có con vàng nhạt, có con vàng đen, nhưng con nào cũng bóng mẩy, nhảy đành đạch.
 
Chế biến cá rô rất đơn giản. Nhà nào có điều kiện thì chiên giòn hoặc chiên ướt, nhà không có thì kho lá nghệ thơm phức. Cá rô mùa này thịt trắng, xương mềm, thơm ngầy ngậy. Tôi thích cắn ngang con cá để ăn, không bỏ tí xương nào. Cứ tưởng tượng, bưng bát cơm gạo ré trắng hồng thơm phức, một con cá rô béo ngậy bắc ngang bát thì nước miếng tứa ra khó kiềm chế.
 
Trở lại với câu bát của bài ca dao: “Mạ béo, con béo, cha vàng rơ rơ”, mạ tôi trầm ngâm trả lời thắc mắc: “Để có được hạt cơm ré, con cá rô cũng ba chìm bảy nổi lắm con à. Quê ta ít ruộng, đàn bà, trẻ con được ở nhà làm nón, đàn ông phải lặn lội ngoài đồng. Thu hoạch vụ mùa xong, lại phải lo cày ải vụ chiêm, xoay như chong chóng. Câu ca dao hàm ý biết ơn sự lao động nặng nhọc của người cha. Chứ thực ra, con biết đó, trẻ con làng ta cũng lo lăn lộn làm việc.”
 
Tôi lớn lên cùng với sự mai một của các giống lúa năng suất thấp, trong đó có lúa ré. Hơn 30 năm trước vẫn có những lão nông lưu luyến với nó. Nhưng đứng trước nhu cầu năng suất, họ cũng đành bỏ cuộc. Cơm ré hiện này chỉ còn nằm trong trí nhớ của nhiều người lớn tuổi. Song song với các giống mới là phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, nên không chỉ cá rô mà các loại cá ở môi trường đồng ruộng đều không sống nổi.
 
Câu ca dao: “Tháng mười cơm ré cá rô” theo thời gian, cũng không còn mấy ai hát ru con nữa.
 
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Phim truyền hình nổi bật trên đường đua phim Tết

Thị trường phim Tết năm nay có sự phân hóa khá rõ ràng ở hai lĩnh vực: điện ảnh và truyền hình. Trong khi điện ảnh chỉ có các bộ phim cũ từng bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì truyền hình xuất hiện hàng loạt phim mới, được sản xuất ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát với sự thích ứng, sáng tạo linh hoạt.

Phim truyện điện ảnh 'Bố già' đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2020

Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, giải Cánh diều Vàng thuộc về phim "Bố già," còn Cánh diều Bạc được trao cho phim "Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả" và "Trạng Tí phiêu lưu ký."

Loạt phim Việt hấp dẫn lần đầu ra mắt khán giả tại Trung Đông

Bảy tác phẩm điện ảnh Việt nổi bật và hấp dẫn sẽ ra mắt lần cho khán giả ở khu vực Trung Đông, mang đến những hình dung đa sắc, đa dạng cho người xem xã hội, cuộc sống của người Việt Nam hiện nay.