Dấu ấn Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình

  • 08:38 | Thứ Bảy, 18/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình mà tiền thân là Đội Tuyên truyền-Văn hóa (TT-VH) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh được thành lập tháng 12-1966. Sau ngày giải phóng miền Nam, đầu năm 1976, đoàn kết thúc nhiệm vụ chính trị.
 
Sinh ra từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên đất lửa Quảng Bình, ban đầu chỉ hơn 10 người, đội hoạt động mang tính xung kích, nhỏ lẻ. Dần dần được phát triển về số lượng và chất lượng và từ Đội TT-VH được đổi tên thành Đoàn Văn công Tỉnh đội (VCTĐ) Quảng Bình. Nhiệm vụ của đoàn là phục vụ, phản ánh cuộc đấu tranh chống Mỹ của LLVT tỉnh và nhân dân Quảng Bình bằng lời ca tiếng hát trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật.
 
Từ năm 1968 về sau, đoàn thường xuyên được bổ sung lực lượng. Đó là những hạt nhân được điều động từ phong trào văn nghệ ở các đơn vị bộ đội địa phương và các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhờ vậy, quân số của đoàn ổn định, thường xuyên có trên 30 cán bộ, diễn viên, hình thành Đội Nhạc, Đội Ca, Đội Múa, Đội Kịch-Dân ca.
 
Với chủ trương “nhất chuyên-đa năng”, thậm chí ngay cán bộ lãnh đạo của đoàn cũng đồng thời là diễn viên. Với sự quan tâm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, năm 1972, đoàn đã có chuyến tập huấn nghiệp vụ dài ngày tại Đoàn Văn công Quân khu 4.
Tiết mục hát múa Hò kéo pháo (1967). Ảnh: Tư liệu.
Tiết mục hát múa Hò kéo pháo (1967). Ảnh: Tư liệu.
Sau chuyến tập huấn, đoàn đã xây dựng được chương trình biểu diễn hoàn chỉnh với chất lượng cao như: Màn khai diễn Quảng Bình chiến thắng (Mạnh Đạt), độc tấu đàn bầu có dàn nhạc đệm "Vì miền Nam" (Huy Thục), hợp xướng “Tiếng hát Hòn La” 5 chương (Ánh Dương-Mạnh Đạt), kịch nói “Thông đường” (Văn Nhĩ)…
 
Các diễn viên đơn ca nữ như: Thúy Liễu, Kim Khuyên, đơn nam Công Bằng… đều được nâng cao hơn về kỹ thuật thanh nhạc. Đội nhạc của đoàn cũng được tăng cường thêm một số nhạc cụ mới: Đàn Sello (Thái Sơn), tam thập lục (Thúy Dừng), bầu (Hữu Riệm), violin (Đoàn Thị), kèn Clarinet và sáo Fluyt (Hữu Hiệp)…
 
Trong suốt 10 năm hoạt động (từ 1966-1976), Đoàn VCTĐ đã có mặt khắp các vùng đất trên quê hương Quảng Bình. Từ vùng biển Ngư Thủy, Cảnh Dương, từ vùng lúa cánh đồng Hạc Hải cho đến các bản làng xa xôi của đồng bào dân tộc thiểu số, từ các trận địa phòng không đến tuyến đường Trường Sơn… Vượt qua đạn bom của máy bay Mỹ, đoàn đã mang tiếng hát, tiếng đàn đến tận nơi phục vụ nhân dân và bộ đội, góp phần đưa phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ngày càng phát triển.
 
Với Mặt trận Quảng Trị, Đoàn VCTĐ Quảng Bình cũng có nhiều gắn bó. Để phù hợp với tính chất phục vụ tại chiến trường, đoàn đã thành lập các tổ xung kích gọn nhẹ, biểu diễn ở huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đường 9…
 
Đầu năm 1973, đoàn đã có mặt tại bờ Bắc sông Thạch Hãn để phục vụ bộ đội ta từ phía bên kia trở về trong đợt trao trả tù binh lần thứ nhất. Ngoài ra, đoàn cũng vinh dự 2 lần (1973 và 1975) được sang thăm, biểu diễn và giao lưu nghệ thuật tại tỉnh Sa vẳn na khệt (Lào).
 
Ngoài nhiệm vụ mang lời ca tiếng hát đến với bộ đội và nhân dân, Đoàn VCTĐ Quảng Bình cũng nhiều lần vinh dự được biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn của tỉnh. Đoàn cũng được phục vụ các nguyên thủ quốc gia các nước khi họ vào thăm Quảng Bình trong thời kỳ đánh Mỹ…
 
Ở trong nước, đoàn đã nhiều lần được tiếp xúc và phục vụ Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,  Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ… Đặc biệt tháng 5-1969, nữ diễn viên Minh Lý đã vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu văn nghệ sỹ Quân khu 4 ra Hà Nội, vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho lãnh đạo Trung ương và Bác Hồ.
 
Trải qua 10 năm dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, Đoàn VCTĐ vẫn bền bỉ chiến đấu trên mặt trận văn hóa-nghệ thuật. Đã 3 lần bom Mỹ đánh ngay vào đội hình, có diễn viên thương vong, nhạc cụ bị hư hỏng, phong màn rách tả tơi… nhưng những “người lính cầm đàn” vẫn không hề nao núng, vẫn tiếp tục cất cao giọng hát, điệu múa bên chiến hào, trên trận địa phòng không… góp phần đưa phong trào “Tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng” ngày một phát triển trong những năm tháng đánh Mỹ.
 
Với những thành tích phấn đấu của cán bộ, diễn viên, năm 1970, đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Trong các lần hội diễn LLVT Quân khu 4, đoàn cũng dành được nhiều giải thưởng về tập thể và cá nhân.
 
Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên thành lập, một số diễn viên chuyển về Đoàn Văn công của Ty Văn hóa Bình Trị Thiên, một số chuyển ngành sang các cơ quan nhà nước…Từ Đoàn VCTĐ Quảng Bình ra đi, có nhiều đồng chí đã trưởng thành trong công tác như: Trung tá Lê Văn Ứng (Ban Tuyên huấn Quân khu Thủ đô), đại tá Văn Minh (giảng viên Học viện Quân sự Đà Lạt), Dương Mạnh Đạt (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng), hai diễn viên Diệu Mỳ, Lan Hương trở thành nữ bác sỹ Quân đội…
 
55 năm đã đi qua kể từ ngày thành lập, nay những cán bộ, diễn viên của đoàn đều đã ở tuổi trên 70. Những cuộc gặp mặt truyền thống hàng năm dần thiếu vắng nhiều người. Những người còn lại là những cựu chiến binh, họ đã và đang tiếp tục cùng với con cháu phát huy truyền thống của người lính cầm đàn năm xưa trên mặt trận văn hóa-văn nghệ…
 
Điều đáng mừng là thế hệ các cháu đã nối tiếp bước chân của lớp cha anh, như: Trung tá Dương Anh Đào (con gái của vợ chồng Mạnh Đạt-Thúy Liễu) hiện là Đội trưởng Đội Nhạc tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7; nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Duy Anh (con trai của ca sỹ Công Bằng) đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, hiện công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị…
 
Nhìn lại chặng đường 55 năm từ ngày thành lập và 10 năm hoạt động (1966-1976) với bao khó khăn, vất vả nhưng, cán bộ, diễn viên Đoàn VCTĐ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ văn hóa trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi". Hôm nay, trở về với cuộc sống đời thường, là những cựu chiến binh gương mẫu, họ luôn tự hào rằng mình là chiến sỹ binh chủng, “người lính cầm đàn”, xứng đáng với truyền thống của Đoàn VCTĐ Quảng Bình một thời.
 
                                                            Đoàn Đoàn
 

tin liên quan

Đại tướng thăm quê vui "hội đua bơi"

(QBĐT) - Đại tướng thăm quê vui "hội đua bơi"
Đồng chiêm trũng cờ giong, trống thúc

Công trình nặng nghĩa tri ân

(QBĐT) - Việc tôn tạo Khu lưu niệm (KLN) Đại tướng Võ Nguyên Giáp là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể hiện sự tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc.

Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với lực lượng vũ trang Quân khu 4

(QBĐT) - Sáng nay, 17-12, tại Bảo tàng Quân khu 4, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 long trọng tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 và đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Quân khu 4 tại Nghệ An, ngày 15-6-1957".