Công trình nặng nghĩa tri ân
(QBĐT) - Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong việc giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ. Đây cũng là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Trải qua thời gian, chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm, nhất là trận lụt lịch sử tháng 10-2020, nhiều công trình, hạng mục của Nhà lưu niệm đã bị hư hỏng nặng. Vì vậy, việc tôn tạo Khu lưu niệm (KLN) Đại tướng Võ Nguyên Giáp là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thể hiện sự tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc.
Nhà lưu niệm gốc của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 2.549,5m2 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Trong khuôn viên, gồm có tường rào bằng cây xanh, sân vườn và ngôi nhà cấp 4 với 3 gian truyền thống. Đây là điểm tham quan văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống nổi bật của tỉnh, hàng năm thu hút khoảng 30.000-50.000 lượt khách viếng thăm. Do thời gian xây dựng đã lâu, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt lũ lụt nên ngôi nhà và các công trình trong khuôn viên như nhà thờ họ, hàng rào, công trình phụ trợ… đã xuống cấp, một số hạng mục hư hỏng nặng.
Đề án “Tôn tạo KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do UBND tỉnh lập và được HĐND tỉnh thông qua. Mục tiêu của đề án là tôn tạo, xây dựng KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành điểm đến của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cả nước và khách quốc tế thăm, viếng, tưởng niệm Đại tướng; làm nơi giới thiệu, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử. Mặt khác, việc tôn tạo KLN còn nhằm mục đích nâng cao tuổi thọ và khả năng chống chọi với thời tiết bão lũ của công trình nhà lưu niệm gốc, bảo quản các tài liệu, tư liệu trong điều kiện lũ lụt diễn ra hàng năm. Đồng thời, đây cũng là điểm nhấn, tạo động lực cho sự phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ tại huyện Lệ Thủy và là trung tâm văn hóa, lịch sử phía Nam của tỉnh.
Sau khi nghiên cứu và thống nhất với gia đình Đại tướng, UBND tỉnh đã quyết định thực hiện đề án tại địa điểm nhà lưu niệm gốc của gia đình Đại tướng và vùng đất liền thổ phía Tây Nam khu đất hiện trạng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy.
Ông Phạm Xuân Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển Quỹ đất huyện Lệ Thủy, đơn vị được UBND huyện giao quản lý, điều hành dự án KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn I) cho biết: Để thực hiện dự án, đơn vị đã tiến hành khảo sát địa điểm thực tế, bố trí khu tái định cư cho 5 hộ gia đình thuộc diện di dời để dành quỹ đất cho việc triển khai các nội dung của dự án. Huyện cũng đang xúc tiến quá trình giải phóng mặt bằng khu vực tái định cư. Đa số hộ dân đều có sự đồng thuận và sẵn sàng đến nơi định cư mới. Cán bộ Ban Quản lý dự án đã tích cực tuyên truyền vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng các hộ dân để đề xuất với UBND huyện những phương án giải quyết thấu tình, đạt lý.
Chị Lê Thị Phúc, một trong những hộ dân sẽ chuyển đến khu tái định cư cho biết: Gia đình chị đã sống ở đây khoảng 30 năm nhưng khi biết cần di dời để thực hiện công trình KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị sẵn sàng vì đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Chị mong rằng, cấp có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để gia đình chị ổn định nơi ở mới và công trình sớm được khởi công xây dựng.
Ông Võ Đại Hàm, người có 40 năm gắn bó với ngôi nhà của Đại tướng bày tỏ: Bản thân ông rất vui, xúc động và tự hào khi biết KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được khởi công xây dựng. Ông cho rằng, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ các phương án nâng cấp, cải tạo để công trình ra đời vừa bảo đảm trang nghiêm, xứng đáng với tầm vóc của Đại tướng, vừa thân quen, gần gũi, giản dị như chính con người Đại tướng.
“Tôi nghĩ rằng, cần giữ nguyên hiện trạng, cốt cách ngôi nhà của Đại tướng để khi du khách đến đây, thấy được một nếp nhà đơn sơ như nhiều ngôi nhà khác nhưng lại là nơi sinh ra một vị tướng huyền thoại…”, ông Võ Đại Hàm chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy cho biết: Công trình KLN Đại tướng Võ Nguyên Giáp là công trình có ý nghĩa đặc biệt nên việc xây dựng phải phù hợp với văn hóa dân tộc nhưng phải xứng danh với Đại tướng. Vì vậy, chúng tôi xác định đây là niềm vinh dự cũng là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện Lệ Thủy. KLN được mở rộng để xây dựng khu tưởng niệm mới gắn với nhà lưu niệm gốc, nhà thờ dòng họ của Đại tướng.
Huyện cũng luôn quan tâm, giải quyết tốt vấn đề tái định cư cho người dân, thực hiện chính sách về đền bù tài sản theo quy định của Nhà nước, quan tâm lắng nghe ý kiến của bà con để giải quyết thấu đáo những vướng mắc (nếu có). Huyện sẽ tập trung công tác chỉ đạo để thực hiện tốt việc xây dựng công trình, đáp ứng niềm mong chờ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lệ Thủy nói riêng, cả tỉnh, cả nước nói chung.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Để xây dựng công trình, huyện đã tổ chức lấy ý kiến tham vấn các nhà khoa học, ngành văn hóa, người dân, gia đình Đại tướng. Đối với công trình nhà lưu niệm gốc, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau: Một là, đề nghị giữ nguyên hiện trạng để khách tham quan trong và ngoài nước đến thăm hiểu rõ hơn về quê hương, gia đình Đại tướng. Hai là, cần nâng cấp nền nhà cao hơn để thích ứng với điều kiện lũ lụt. Huyện cũng đang cân nhắc nếu nâng cao nền nhà sẽ không đúng với bản gốc nhưng nếu giữ nguyên sẽ đối diện với nguy cơ bị ngập lụt, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường…
Hiện tại, huyện vẫn đang tiếp tục tham khảo, lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia, nhất là ý kiến của gia đình Đại tướng để công trình được xây dựng đúng với nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Theo đề án, việc tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng khu vực lưu niệm gốc, chỉ thực hiện tôn tạo, nâng cấp tuổi thọ và sức chống chọi với thời tiết của các công trình, lát gạch sân, đường đi, khu vực bảng chỉ dẫn, bến thuyền và xây dựng nhà tưởng niệm với quy mô 2 tầng, bảo đảm khả năng chống ngập lụt. Nhà tưởng niệm có diện tích 148m2, tầng 1 làm nơi đón tiếp, hướng dẫn du khách… tầng 2 là không gian thờ, tưởng niệm và cải tạo, chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan tạo nên chỉnh thể thống nhất của KLN, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lịch sử, kiến trúc, văn hóa truyền thống địa phương và phù hợp với không gian chung. |
Nh.V