Đời sông

  • 14:08 | Thứ Sáu, 10/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gió thổi lên từ sông. Nắng hắt lên từ sông. Gió, nắng của miền sông đến rồi đi hồn nhiên, vô tư bốn mùa. Trên ngọn cỏ may gần chỗ em ngồi có lấm tấm, li ti nắng sông, gió sông. Đôi mắt bồ câu đau đáu nhìn ra mặt sông lăn tăn sóng. Tôi chưa hình dung được em đang nghĩ gì thì đã nghe nhẹ nhàng một câu hỏi: "Có đời sông không anh nhỉ?"
 
Đời sông! Em đặt cho tôi một câu hỏi mang hàm lượng thi ca quá. Phải chăng, sông cũng là một “sinh linh” trong vũ trụ bao la hơn cả bao la này. Nghĩa là cũng sinh-lão- bệnh-tử giống con người. Nhìn em, nhìn sông, tôi bất giác nhớ, có lần mình đã viết về sông Gianh quê mẹ, đời sông thì dài, đời người quá ngắn nhưng cũng đều có những nông-sâu, bồi-lở...
 
Đời sông, có phải như cổ nhân từng nói "sông có khúc, người có lúc"? Sông nào chẳng khởi thủy từ nguồn; nguồn là mẹ. Con sông gắn với cuộc đời tôi khởi nguyên từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía tây bắc Quảng Bình bây giờ, chảy hàng triệu năm rồi, quanh co uốn khúc qua 5 huyện, thị, đến hôm nay vẫn bát ngát, sung sức như chưa đi hết tuổi thanh xuân.
 
Tôi nghĩ, chắc ai cũng có một dòng sông quê, dù lớn, dù bé đều là lưu vực thương nhớ khôn nguôi của mình. Cứ nhắc đến sông là nhớ tới xóm mạc, mẹ cha, anh em, thầy cô, bè bạn, đồng đội...
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Sông Gianh có hai trăm năm nhật thực, bóng đen trùm lấp đôi bờ thời Trịnh-Nguyễn phân chia đất nước thành Đàng Trong-Đàng Ngoài. Bao giờ thống nhất non sông cũng là khát vọng lớn nhất của dân tộc. Vì thế, chẳng còn gì vui hơn khi non sông được quy tụ về một mối. Hạnh phúc của sông là hạnh phúc đoàn tụ. Nên khắc sâu, hạnh phúc ấy trả bằng cái giá rất đắt của dân tộc mình. Đừng bao giờ rẻ rúng nó, đánh đổi nó để được nhận những thứ khác!
 
Sao em hỏi đời sông, tôi lại nói nhiều thế về đời người. Đời mỗi người gắn với muôn người trong kết nối đồng bào, dân tộc. Tổ quốc nghìn năm văn hiến, bao lần chống giặc ngoại xâm để hôm nay những cái tên Bạch Đằng, Chương Dương, Như Nguyệt, Vàm Cỏ... lấp lánh trên trang sử. Trên đất nước Việt Nam, chẳng hiếm những con sông, ngọn núi gắn với chiến công kỳ tích của dân tộc. Sông dựng nước, sông giữ nước, là dân, là lính luôn biết phận sự, nghĩa vụ của mình chẳng câu nệ, nề hà.
 
Có một ngày xuân, khi đến Thành cổ Quảng Trị, cúi đầu trên cỏ xanh nhưng nhức trong tôi bật dậy hai câu thơ: "Khi người lính lặng im tan vào đất/Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông". Lúc ấy, tất nhiên em chưa hề đặt cho tôi câu hỏi nào về đời sông cả. Hóa ra là vậy, đời sông có gì đó rất gần với đời của những người lính yêu nước. Khi thác lũ dìm cuốn kẻ thù, lúc mạch nguồn làm mát cỏ cây. Ta ước mong chỉ làm vế thứ hai, ầu ơ ru những chiêm mùa trù phú. Những con sông Việt chỉ muốn làm những dải lụa hồng, lụa xanh bay bay theo cánh gió yên bình. Chẳng con sông nào muốn dựng lên thành gươm, thành kiếm cả.
 
Minh triết của người Việt giản dị mà nhân văn, "thương người như thể thương thân". Nói như thế là đã đủ, gồm cả tình đồng bào và đồng loại. Cách chúng ta đối xử với kẻ từng là thù sau chiến tranh đã chứng tỏ điều đó. Đấy là ứng xử truyền thống nhưng tôi tin nó chẳng bao giờ lỗi thời cả dù mai sau dân tộc và nhân loại tiến vào thời đại hơn 4.0. Minh triết ấy sinh ra bên những dòng sông Việt, tôi tin thế và nó luôn luôn có mặt trong cuộc sống của dân tộc ta.
 
Khi về với biển, sông thành bao la. Trong bao la ấy có phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Một triệu cây số vuông biển Việt, ba nghìn hòn đảo lớn bé, Hoàng Sa, Trường Sa... Những người lính, người dân sinh ra bên những dòng sông tiếp nối ông cha giữ gìn, dựng xây Tổ quốc. Sông tiếp tục kĩu kịt gánh gồng những lo toan, yêu thương và nghĩa vụ. Rưng rưng nghĩ tới hành trình đi về phía trước của dân tộc rất cần những lưu vực trí tuệ, những dòng chảy khí phách, những cội nguồn phẩm giá, những mềm mại ứng xử...
 
Chiều đã chuyển hoàng hôn. Đôi vì sao mọc sớm lấp lánh phía chân trời xa. Một tiếng chim mơ hồ qua sông. Không có tiếng gọi đò, không cả cánh buồm in trên mái trời tím sẫm. Em nói, miền sông xưa cũ chỉ còn lưu trong ký ức. Tôi nói, sông của thời 4.0 đương nhiên phải khác xưa rồi. Nhưng, sông vẫn chảy như bao đời vẫn chảy. Nhưng, con người vẫn phải lấy tình thương làm điểm tựa cho mình. Tình thương! Không phải cái gì khác đâu nhé. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người lớn lên. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người đẹp hơn!
 
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Cảm tác trên bến đò Mẹ Suốt

(QBĐT) - Tôi lại về Đồng Hới yêu thương
Hàng dừa Trị-Thiên xanh đầy thơ mộng

Nâng cao kiến thức đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Bài thi gồm 10 câu hỏi, trong đó có chín câu trắc nghiệm và một câu tự luận liên quan đến các chủ đề bất bình đẳng giới được đề cập trong cuốn "Cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái."

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời

Nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời sáng ngày 8-12 tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội, sau gần 2 năm trị bệnh, được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.