Hai chuyến tàu

  • 13:56 | Thứ Sáu, 03/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Ông hỏi: “Con sống ở đâu?”. Cậu bé trả lời: “Nơi gầm chân cầu vượt đường vào ga tàu”. Ông ừ à… biết! Biết thì quá biết rõ vì đều là những phận đời sống gửi vào mỗi chuyến tàu, duyên nợ cùng sân ga và triệu triệu hành khách đi tàu.
 
Cậu bé đi cùng mẹ. Mẹ cậu lỡ làng theo duyên phận. Vốn mẹ cậu… người làng bảo sinh ra đã dở hơi, gặp phải những người dở hơi mới tạo tác nên hình hài cậu. Sinh cậu xong, bà mẹ dở hơi đưa cậu đến dưới chân cầu vượt đường tàu tá túc.
 
Tuổi cậu lên năm đã gặp ông già. Ông giống như cơn gió thoảng qua đời cậu, ôm lấy đời cậu, nâng niu đời cậu. Tiếng trẻ thơ hỏi: “Bụt đâu cho con gặp. Ông ơi?”. Bụt trong chuyện cổ tích qua lời mẹ yêu của cậu mà cuộc đời bảo dở dở, ương ương ấy kể luôn phúc hậu, tóc trắng trong, râu bạc phơ phơ. Ông già cậu bé thấy chòm râu vướng bụi đường tàu, lấm lem bụi cuộc sống. Tin niềm tin con trẻ, ông vuốt râu tự hào: “Tao, Bụt sống nơi đường tàu!”.
Minh họa: Tiến Hành
Minh họa: Tiến Hành
Mẹ cậu… trong một lần dở dở, ương ương đi tìm ba cậu, vương vào đường tàu. Nhiều ngày trước khi mẹ mất, mẹ bảo cậu bé: “Mẹ đi tìm ba cho con, ráng chờ. Mẹ không gặp được ba, con sống với ông Bụt đường tàu”.
 
Chờ hoài chẳng thấy, ký ức trẻ thơ cậu bé mông lung thấy ông Bụt đường tàu già gom góp chút thân xác mẹ, làm nấm mồ nhỏ, bảo cậu thắp nén nhang cho người quá cố… Từ đó, mẹ cậu xa và rất xa, thăm thẳm như đường tàu thẳng băng, chạy mãi đến vô cùng.
 
Sân ga nhiều lúc vắng hẳn tàu… khát khách, cậu bé nằm co ro dưới gầm cầu, tấm chăn mỏng rách nát trùm kín đầu. Cậu cứ thế, úp một phía tai xuống nền đất, thèm khát thứ âm thanh mặt đất âm âm, âm ấm, rùng rùng chuyển động báo hiệu sắp có tàu vào ga như khát được lần mẹ về. Thi thoảng… âm thanh yêu thương ấy thưa thớt, bất chợt đến, bất chợt đi. Cậu tỉnh hẳn người, vùng dậy, chạy về phía ga, rồi ngẩn ngơ khi thấy chỉ là những chuyến tàu hàng lặng lẽ.
 
Cũng không chỉ riêng cậu, ông già cùng nhiều cảnh đời chắp nối, nương tựa nhau dưới chân cầu vượt, gắn chặt số phận cùng sân ga giật mình khi chỉ thấy từng đoàn tàu hàng lầm lũi xuyên đêm vào Nam hay ra Bắc chẳng chịu dừng lại ga.
 
Ông già ngồi đó. Dáng hao gầy. Dưới gầm cầu vượt. Cạnh đường tàu. Tẩu thuốc cháy đỏ đầy nỗi niềm. Đóm điếu lập lòe trong đêm. Cậu muốn vùng dậy, châm đóm, hầu thuốc cho ông… Nhưng mỗi lần như thế, điếu cày ông long lên sòng sọc, reo ca, nên cậu thôi.
 
Tiếng ông già rền rền như còi tàu báo hiệu vào ga, khan khan giống hơi thuốc lào lăn quay, nửa say nửa mê. Và rồi… ông gan ruột ngâm từng câu thơ của thi sỹ Nguyễn Bính, lời ông loáng thoáng theo vệt bánh con tàu, lúc được, lúc mất:“Lững thững tầu đi mất nửa rồi/Sao không dừng lại ở ga tôi/Lấy mươi lăm phút cho tôi gửi/Chút ít xuân xanh trả lại trời/Mà mãi đêm nay chợt nhớ ra/Đời mình chẳng khác chuyến tầu qua/Nhưng từ ga nhớn, từ ga nhỏ/Đời chẳng làm cho lấy một ga/Tầu biết bây giờ chạy đến đâu/Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu/Bỏ đây một chiếc tầu kiêng đỗ/Chở một toa tim nặng oán sầu…”.
 
2. Chiều nay, tôi với cậu bé ngày xưa ấy cùng các bạn trong nhóm thiện nguyện “Lòng lề đường” trở lại chân cầu vượt. Hiện tại, cậu đã học xong đại học. Cậu lặng lẽ thắp nén nhang cho mẹ, cho ông già Bụt năm nào ngay giữa đường ray xe lửa. Cậu trai bảo tôi: “Ngày em úp phía tai xuống nền đất, thèm khát mặt đất âm âm, rùng rùng chuyển động báo hiệu sắp có tàu vào ga, em vẫn nhớ như in từng chuyến tàu nhắc nhở “mi cực, tau cực… mi cực, tau cực”… rồi nhờ ông Bụt đường tàu, nhờ an yên của mẹ, em vực dậy, mới được như ngày hôm nay”.
 
Tôi nắm chặt tay cậu… rất kiệm lời: “Ừ, chàng trai ạ! Em là chuyến tàu của tương lai”.
 
                                                                                                                            Hồ An

tin liên quan

Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh quốc tế

Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần đầu được tổ chức trong năm 2021 đã tuyển chọn 177 tác phẩm tiêu biểu để trưng bày triển lãm, giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Trong đó, nhiều hình ảnh thể hiện góc nhìn sáng tạo, giàu cảm xúc của các nhiếp ảnh gia trong nước và nước ngoài. 

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021: Nơi hội tụ của những đam mê

(QBĐT) - Hưởng ứng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, ngày 22-4-2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Quảng Bình, năm 2021.

Nữ đạo diễn Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021

Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm với phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" vừa được trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 (diễn ra tại TP Amsterdam, Hà Lan, từ ngày 17 đến 28-11).