Chuyện Ma Coong

  • 15:28 | Thứ Sáu, 24/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nắng chiều vàng úa trên con rẫy với những đọt ngô héo rũ vì hạn. Đám lúa nương đã chết yểu khi chưa kịp trổ đòng. Cả tháng bản không có một giọt mưa nào, đã vậy, mặt trời ngày nào cũng như thiêu như đốt. Y May ngồi buồn thiu dưới gốc bằng lăng mà Bộ đội Biên phòng mang lên trồng từ mấy mùa trăng trước. Mắt Y May thẳm sâu, lúc nào cũng loang loáng nước.
 
Cũng phải thôi, đám bạn cùng lứa giờ đứa nào cũng dắt díu đến 3 đứa con. Đứa trước chưa kịp bỏ bú, đứa sau đã ngo ngoe như con thằn lằn trong bụng. Những đứa trẻ Ma Coong như cỏ cây hoang dã, có sức sống tốt thì điềm nhiên lớn lên, đứa èo uột thì lặng lẽ về với rừng chờ cơ hội tái sinh lần nữa. Những đứa con của Y May có lẽ chê cuộc sống trên miền núi cao, mở mắt ra bốn bề là núi thẳm, rừng già thâm u.
 
Con suối bao quanh bản mùa này cạn trơ đáy, mùa mưa thì ầm ào như thú rừng kêu than. Có lẽ, chúng không thích cuộc sống chỉ có nhà sàn, bếp lửa, nương rẫy? Nên cứ có thai được 6,7 tháng, chúng lần lượt trở chứng đòi ra và thoi thóp mấy hơi thở là ngủ lịm trong tím tái. Y May địu đứa con lạnh ngắt một mình băng qua mấy ngọn núi mới đến được nơi có thể gửi vào đất, vào núi rừng hoang lạnh.
 
Trên đường ra khỏi bản, tấm bảng to đùng được Bộ đội Biên phòng cắm cạnh đường với những chữ màu đỏ tươi: “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống làm suy thoái giống nòi” luôn khiến Y May ngờ ngợ. Y May và chồng, cha mẹ sinh ra Y May đều có họ hàng rất gần, chẳng lẽ…
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Tục của người Ma Coong, chết là hết, đặt người thân vào đất, quay lưng đi là quên luôn để sống tiếp. Nhưng Y May không thể quên được cảm giác 2 đứa con đỏ hỏn lạnh dần trong tay mình, nó cứ nhói đau trong ngực mỗi lần thấy Y Kun nựng nịu mấy đứa con của nó. Cùng đi làm dâu một lần, Y Kun sòn sòn 3 năm 2 đứa. Y Kun tròn trĩnh, mặn mà như quả sim chín mọng.
 
Hai đứa con Y Kun cũng tròn tròn như 2 củ khoai gặp thửa ruộng tốt nên cứ thế mà phổng phao thêm. Chồng Y Kun vì thế cũng nở mặt nở mày. Mỗi lần ngồi cùng chồng Y May bên cút rượu mua đầu bản, hắn cứ oang oang kể chuyện con trong khi chồng Y May mặt cứ cắm xuống sàn, mắt ầng ậc.
 
Đinh Tráng, chồng Y May khá hiền, ít nói như bao gã đàn ông bản này. Mỗi lần thấy Y May địu đứa con lạnh ngắt ra rừng, Đinh Tráng đứng nấp sau bụi cây nhìn cho đến khi bóng vợ khuất hẳn. Người Ma Coong thương chỉ để trong lòng, không nói ra cũng chẳng làm gì để thể hiện là mình có xót thương. Y May cũng quen với điều đó rồi nên xem việc một thân một mình tiễn con ra rừng là chuyện đương nhiên.
 
Sự lặng câm của những ánh mắt từ mẹ chồng, đến vợ chồng của 2 người anh Đinh Tráng luôn khiến Y May ngộp thở. Y May biết, họ có xem thường Y May hay ghét Y May cũng không dám thể hiện ra ngoài. Tục người Ma Coong, nếu khiến con dâu bỏ về nhà mẹ đẻ là phải mất công đem tiền, gà mấy chục con hoặc một đôi lợn đến chuộc dâu về. Do vậy, đàn ông Ma Coong không mấy khi đánh vợ, chỉ biết buồn và chìm vào rượu để quên.
 
Núi bắt đầu thẫm dần, Y May biết sắp đến giờ về thổi cơm. Bếp lửa giữa sàn hẵng còn ngún, nóng rực. Y May mở bao đựng gạo, gạo nương từ mùa rẫy trước đã hết từ lâu. Gạo của Nhà nước cấp cũng hết rồi. Hơn chục miệng ăn lớn nhỏ chỉ biết trông chờ vào tiền chồng Y May đi làm thuê trên thị trấn mua gạo về. Nếu chưa kịp có tiền, Y May phải ra nhà trưởng bản nợ. Người Ma Coong bao đời nay luôn biết nhường cơm sẻ áo, chỉ cần có người kêu hết gạo ăn, người khác có sẵn sàng cho mượn. Đến lúc hết, cùng hết với nhau, rồi cùng ngồi nhìn nhau qua mấy nhà sàn với cái bụng đói.
 
Năm nay hạn, ngô cũng chỉ lèo tèo mấy quả, hạt lổ đổ, có cũng như không, sắn thì vừa bén, còn lâu mới có củ. Kiểu này, cả bản lại đói, lại trông chờ vào các đoàn cứu trợ, cho được cái gì ăn cái nấy. Thức ăn của người Ma Coong chủ yếu là măng rừng và ốc khe, họa hoằn lắm mới bắt được con cá dưới suối thì phải nhường hết phần ngon cho lũ trẻ. Thế nhưng, bao đời đã trôi qua, người Ma Coong cứ thản nhiên đi qua hết mùa trăng này đến mùa rẫy khác. Bản cách xa đồng bằng, có chuyện gì cũng chạy lên bộ đội. Có những cái chết khi đưa ra rừng nhiều năm cũng chẳng ai biết người đó đã chết vì nguyên nhân gì.
 
Mấy năm gần đây, nhờ có Trưởng bản Đinh Hiêng, mỗi lần có người ốm nặng, Đinh Hiêng đều cầu cứu bộ đội. Bộ đội lại cho xe chở ra thị trấn, bắt xe khách cho về bệnh viện tỉnh. Bố con Y Kun vừa từ dưới đó về, bao nhiêu chuyện hay kể tháng này sang tháng khác không hết. Kể rằng: Ở dưới đó người ta cho ăn cơm bằng cái hộp nhẹ ơi là nhẹ, cơm trắng tinh, lúc nào cũng có thịt, có cá, có rau…
 
Vài ngày có người đến cho bánh mì kẹp thịt, có người gọi đi lấy cháo… Lại còn kể chỗ để tống cái buồn trong người ra rất lạ, trắng toát, trơn nhẫy, mẹ và bố Y Kun ngã oạch mấy lần… Nửa tháng đi viện tỉnh về, bố Y Kun khỏe hẳn, vết mổ bụng dưới bên phải cũng lên da non, mẹ Y Kun thì khỏi nói, tròn quay quay. Bà còn khoe bao nhiêu quần áo mới của người Kinh đi làm từ thiện, có cả tấm áo dày mà nhẹ như mây, mùa đông mà mặc áo đó chắc đẹp và ấm lắm.
 
Y May bắc nồi lên bếp, cời tro và chất thêm củi, lửa leo lét rồi cháy bùng lên. Trời cũng sập tối hẳn, cả gian nhà sàn chập chờn những hình thù lạ lùng. Mẹ chồng Y May vẫn lặng lẽ bên bậu cửa hông, nhiều lúc Y May cứ ngỡ bà đã ngồi đó từ trăm năm trước. Đó là lối cả nhà đã đưa bố chồng Y May ra rừng, ông chết sau những cơn đau bụng quằn quại, cái bọc cứng như đá giữa bụng vỡ ra, thế là ông đi.
 
Bộ đội nói ông bị ung thư, đó là bệnh không chữa được. Y May có học hết lớp năm, ung thư là gì, Y May chưa kịp biết. Mẹ chồng quay lại thấy con dâu ngồi như hóa đá bên bếp lửa, lòng bắt đầu băn khoăn.
 
Trong nhà, bà thương chồng Y May nhất, nên thương luôn con dâu. Nó mãi không đẻ được con, bà cũng muốn đứt ruột. Bà nhớ, chúng nó cưới nhau đã mấy mùa trăng. Sau một đêm đập trống, thằng Đinh Tráng mắt sáng quắc như sao, miệng tươi roi rói như hoa chuối trên rừng về bắt bà đi hỏi vợ.
 
Tưởng ai chứ con Y May thì có họ hàng với nhà bà, đẹp người đẹp nết, bà ưng luôn. Bộ đội có nói, họ hàng với nhau, nhất là họ hàng gần, nếu lấy nhau là không tốt. Đẻ con ra sẽ không khỏe, không có người nối dõi bảo vệ làng bản. Nhưng bà với chồng bà, cách nhau ba đời, vẫn đẻ được bầy con khỏe mạnh.
 
Bây giờ thằng Đinh Tráng với Y May cũng vậy, cứ cho chúng nó lấy nhau thôi. Người Ma Coong có lễ hội đập trống thiêng liêng, bao cặp đã nên duyên từ lễ hội đập trống. Bao cặp dở dang, không nên vợ nên chồng ngày đó nhớ nhau cũng tìm về, không có ghen tuông, giận hờn. Đó là lễ hội mừng mùa trăng mới, lễ hội tưởng nhớ ông bà tổ tiên. “Roa lữ Giàng ơi!” (Sướng quá trời ơi!)-Bên tai bà vẫn luôn văng vẳng những lời hô vang đó của trai bản.
 
Trống thủng là hân hoan, trống thủng là trời đất và con người giao hòa, hồi sinh. Nhưng bà biết, đã ba mùa đập trống từ khi hai đứa nó lấy nhau, chưa khi nào bọn chúng rời nhau sau khi trống thủng. Nghĩa là chúng còn say nhau, chúng không nghĩ đến ai để tìm về trong một đêm tự do hoan lạc.
 
Nhưng sao hôm nay mắt con Y May buồn thế, đôi mắt đang thuộc về thế giới nào đó, nó vượt ra khỏi dãy núi chập chùng kia. Phải rồi, hôm qua thằng Đinh Lun từ bên kia bên giới nước Lào về, nhìn con Y May có vẻ thương xót lắm. Con Y May cũng bối rối tợn. Hai đứa nó ngày xưa cùng chơi với thằng Đinh Tráng nhà bà mà. Có lẽ nào…
 
Bà chưa kịp nghĩ thêm thì Trưởng bản Đinh Hiêng đã oang oang từ dưới sân: "Bà mế Đinh Tráng có nhà không? Mai nói người nhà ra đồn biên phòng nhận gạo cứu trợ. Nói con Y May mặc đẹp ra sớm, xe của bộ đội chở lên huyện khám xem vì sao cái đứa con không chịu đủ tháng đủ ngày cứ đòi ra. Tôi đi báo tiếp đây."
 
Y May và mẹ chồng đồng thanh “Dạ” rất to. Bà thấy mắt con dâu vụt vui lên thấy rõ. Ôi! Bà nghĩ oan cho con dâu rồi, đôi mắt buồn của nó là vì nhớ con, thèm có con chứ.
 
Y May rút củi khỏi nồi cơm đã cạn hết nước, sẽ sàng đến ngồi cạnh mẹ chồng. Mẹ con chỉ im lặng nhìn nhau rồi cùng nhìn ra nhà con Y Kun, bên đó đang chí chóe nhau bởi tiếng hai đứa trẻ. Bóng tối khiến cho ánh lửa leo lét ở các nhà sàn trở nên huyền bí. Vẫn chưa đến giờ trưởng bản cho bật đèn vì phải tiết kiệm điện để dành xem tivi. Trên tivi có rất nhiều điều hay ho cần phải học tập. Nhiều lần, cả bản còn được trông thấy mình được chui vào trong đó, là cái tivi ấy, từng người nhận mì tôm, gạo, áo quần... cười rất tươi. Vì thế, phải chấp hành trưởng bản thôi.
 
Mẹ chồng Y May vụt quay qua con dâu, giọng nhẹ như gió:
 
-  Để tao nói thằng Đinh Tráng mai đưa mày đi! Kiếm đứa con cho mắt bớt buồn.
 
Mắt Y May lại loáng nước, gật đầu.
 
Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

tin liên quan