Tập trung nguồn lực chuẩn bị cho SEA Games 32
Từ mồng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều đội tuyển quốc gia đã bắt đầu tập trung trở lại tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội) nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32. Đến nay, đã có 941 vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), chuyên gia nước ngoài của 30 đội tuyển quốc gia, 12 đội tuyển trẻ được gọi tập huấn tập trung và trong thời gian tới sẽ còn nhiều đội tuyển được triệu tập.
Tuy nhiên, riêng tiền ăn, tiền công tập luyện, tiền lương cho chuyên gia, HLV đã "ngốn" gần hết ngân sách chi cho Tổng cục Thể dục-Thể thao và như vậy những VĐV có khả năng giành huy chương Olympic sẽ rất khó để được tập huấn với điều kiện tốt nhất.
Sau những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết các đội tuyển đều sẽ được đi tập huấn nước ngoài trở lại, trong đó có Trung Quốc khi chính sách "Zero Covid" của nước bạn được nới lỏng. Chẳng hạn như với đội tuyển bóng bàn, các VĐV hàng đầu sẽ có chuyến tập huấn kéo dài tại Trung Quốc bằng nguồn kinh phí từ ngân sách.
Hơn nữa, bóng bàn là một trong những môn được Công ty TNHH Asong Invest của Hàn Quốc tài trợ toàn bộ chi phí đến nước này tập huấn trong thời gian khá dài. Nằm trong thỏa thuận đã ký kết, Asong Invest sẽ hỗ trợ Việt Nam tập huấn khoảng 100 VĐV ở các môn bóng bàn, cử tạ, bắn súng, trượt băng.
Thêm nữa, Asong Invest còn treo thưởng lên tới một triệu USD cho VĐV Việt Nam nếu giành Huy chương vàng Olympic 2024. Với sự chuẩn bị tốt nhất cho đấu trường SEA Games 32, thể thao Việt Nam một lần nữa chắc chắn sẽ nằm trong tốp đầu tại đấu trường này.
Như vậy, SEA Games vẫn là đấu trường phù hợp nhất với thể thao Việt Nam khi chúng ta có nhiều môn thế mạnh có thể dẫn đầu Đông Nam Á như điền kinh, vật… hoặc những môn nằm trong tốp dẫn đầu như bơi, karatedo, taekwondo…
Tuy nhiên, với đa số người hâm mộ thể thao Việt Nam, việc đứng trong tốp đầu tại SEA Games đã không còn sự quan tâm như trước mà chúng ta đang chờ đợi những tấm huy chương tại đấu trường thể thao lớn nhất chính là Olympic. Đây mới thật sự là đỉnh cao của thể thao mà Việt Nam ít khi chắc chắn giành được huy chương.
Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, khẳng định: Để giành được huy chương Olympic, các VĐV phải tập luyện trong khoảng 10 năm với khoảng 10 nghìn giờ. SEA Games chính là cơ sở ban đầu để tuyển chọn các VĐV nhằm hướng tới các đại hội lớn hơn như ASIAD và Olympic. Và như thế, quỹ thời gian để hướng tới Olympic 2024 còn lại quá ngắn.
Còn nhớ, tại Olympic Tokyo 2020, Việt Nam tham dự với 18 VĐV, tranh tài ở 11 môn thi đấu, nhưng đã không thể giành huy chương. Khi đó, nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các VĐV không được tập huấn hoặc hạn chế thi đấu cả trong nước và nước ngoài, song cũng cần nhìn nhận khách quan về chiến lược đầu tư dài hạn, cơ sở vật chất, chế độ cho VĐV cũng như đầu tư chuyên sâu… chưa được như mong đợi.
Ngoài yếu tố tập huấn và thi đấu quốc tế sẽ được cải thiện, những yếu tố khác gần như chưa có đột biến, cho nên rất khó để hy vọng thành tích tốt hơn tại Olympic 2024. Đơn cử như cử tạ, môn thể thao được xem là nhiều hy vọng giành huy chương Olympic nhất bởi nếu các VĐV Việt Nam thi đấu với khả năng tốt nhất từng thể hiện họ đã có thể giành huy chương.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã không thuê chuyên gia nước ngoài ở môn cử tạ dù thành tích Olympic thụt lùi. Người đứng đầu ngành thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân mới đây vẫn chưa thể khẳng định có thuê chuyên gia nước ngoài để huấn luyện các VĐV cử tạ Việt Nam hay không, trong khi không còn nhiều thời gian chuẩn bị cho Olympic 2024.
Theo Công Minh (NDO)