icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Báu vật" của người Khùa

  • 08:10 | Chủ Nhật, 22/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, từ bao đời nay, chiếc nỏ luôn là một vật dụng quen thuộc. Thực tế, hầu hết các vùng đồng bào DTTS ở tỉnh đều có “nghệ nhân” chế tác được nỏ để cung cấp, sử dụng trong bản làng của mình. Tuy nhiên, để chế tác được những chiếc nỏ có lực bắn mạnh và độ chính xác cao như người Khùa, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) thì rất ít. Bởi thế, mỗi chiếc nỏ đều được người Khùa xem như là “báu vật” trong gia đình...
 
“Báu vật” dùng đánh giặc
 
Trước đây, hầu hết trong mỗi gia đình người Khùa ở xã Trọng Hóa đều cất giữ những chiếc nỏ rất cẩn mật và xem đây là “báu vật” linh thiêng để giúp họ tự vệ, bảo vệ gia đình, làng bản, mùa màng, sẵn sàng đánh trả khi có quân giặc xâm lăng. Ngày nay, tuy đã sạch bóng giặc và không còn nhiều thú dữ, nhưng một số hộ người Khùa nơi đây vẫn sử dụng những chiếc nỏ để lưu giữ nét văn hóa của đồng bào, đồng thời làm công cụ để rèn luyện sức khỏe, phục vụ thi đấu TTTT.
 
Cựu chiến binh Hồ Đeng (SN 1952), người Khùa, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (nguyên Chủ tịch UBND xã) chia sẻ: Người Khùa ở Trọng Hóa thường sinh sống ven dãy núi Giăng Màn. Trước đây, khu vực này có nhiều khu rừng nguyên sinh rộng lớn và lắm thú dữ. Vì thế, trong mỗi lần lên nương rẫy hay đi vào rừng thẳm để mưu sinh, các trai tráng người Khùa thường mang nỏ theo bên mình nhằm đề phòng thú dữ, kẻ gian hãm hại. Thuở nhỏ, bản thân tôi cũng từng chứng kiến và nghe các già làng, người cao tuổi kể lại rằng, nếu không có nỏ thì không ít người Khùa nơi đây đã trở thành “mồi ngon” của thú dữ. Bởi xung quanh dãy núi Giăng Màn trước đây có rất nhiều cọp, báo, gấu, rắn độc...
 
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh những vũ khí hiện đại thì chiếc nỏ truyền thống của đồng bào Khùa trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù khi đặt chân đến mảnh đất này. 
 
Trong rất nhiều tài liệu và qua lời kể của các bậc cao niên người Khùa ở xã Trọng Hóa, những chiếc nỏ dù thô sơ nhưng vẫn giúp đồng bào nơi đây chiến thắng nhiều kẻ thù đến xâm lược quê hương, làng bản. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Trọng Hóa (tập I, giai đoạn 1930-2015): Thực hiện chủ trương của cấp trên, đầu năm 1947, lực lượng tự vệ của xã Tân Việt (nay là xã Trọng Hóa) được luyện tập thường xuyên với vũ khí gồm: Nỏ, giáo, mác nhằm phục vụ công tác tuần tra trên tuyến biên giới giáp nước bạn Lào.
 
Thời điểm đó, tại Ba-Na-Phầu có một đồn quân lính Pháp đồn trú, thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, khiêu khích ở vùng biên giới. Do đó, một trung đội tự vệ của xã Tân Việt đã lên phối hợp với lực lượng dân quân của xã Tân Mỹ (nay là xã Dân Hóa) để canh phòng. Chính nhờ tinh thần cảnh giác cao độ, đồng bào các dân tộc tại Trọng Hóa, Dân Hóa và nhân dân huyện Minh Hóa đã chặn đứng thành công nhiều hoạt động thám báo, gián điệp của địch, bảo vệ các cơ quan đầu não đóng trên địa bàn, bảo đảm an toàn bí mật tuyệt đối cho khu căn cứ cách mạng và sự bình yên cho nhân dân. Với những thành tích kể trên, đại đội dân công xã Dân Hóa đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất (tháng 9/1947, xã Tân Mỹ sáp nhập với xã Tân Việt thành xã Dân Hóa và đến ngày 21/4/2003, xã Dân Hóa được chia tách thành hai xã là Trọng Hóa và Dân Hóa-PV)...
 
Bắn nỏ trở thành môn thể thao “vua”
 
Bắn nỏ là bộ môn TTTT đã được huyện Minh Hóa đưa vào thi đấu tranh giải cấp huyện trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là vào các dịp Hội Rằm tháng ba được tổ chức hàng năm.
 
Khoảng 15 năm trở lại đây, hầu như năm nào đoàn thi đấu bộ môn bắn nỏ của xã Trọng Hóa cũng đều đoạt giải nhất toàn đoàn cấp huyện. Và hầu như toàn bộ các vận động viên (VĐV) đoạt giải bắn nỏ (nhất, nhì, ba) ở nội dung đơn nam, đơn nữ của huyện Minh Hóa cũng đều là người Khùa của xã Trọng Hóa.
 
Đơn cử như: Hồ My (bản Ka Oóc), Hồ Khản (bản Pa Choong), Hồ Kinh và Hồ Quang (bản Ông Tú), Hồ Thị Xăn (bản La Trọng 2), Hồ Thị Toàn (Chủ tịch Hội LHPN xã Trọng Hóa)... Ngày nay, bắn nỏ đã thực sự trở thành bộ môn thể thao “vua” của người Khùa ở vùng đất Minh Hóa. Chính nhờ thành tích nổi bật đó, vài năm gần đây, nhiều VĐV bắn nỏ người Khùa của xã Trọng Hóa luôn được tỉnh chọn lựa để tham gia thi đấu các giải khu vực miền Trung và miền Bắc.
Hồ My, bản Ka Oóc tự hào khoe những tấm huy chương mà anh đoạt được nhờ thi đấu bộ môn bắn nỏ.
Hồ My, bản Ka Oóc tự hào khoe những tấm huy chương mà anh đoạt được nhờ thi đấu bộ môn bắn nỏ.
Chúng tôi tìm vào bản Ka Oóc của xã Trọng Hóa để gặp Hồ My (SN 1991)-VĐV người Khùa liên tục đoạt giải nhất nội dung bắn nỏ đơn nam của huyện Minh Hóa kể từ năm 2011 đến nay (riêng năm 2021 đoạt giải nhì).
 
Qua cuộc trò chuyện cùng Hồ My, chúng tôi được biết thêm, không chỉ thi đấu môn bắn nỏ giỏi, My còn là nghệ nhân chế tác nỏ rất có tiếng ở Minh Hóa. Bằng chứng là hàng năm, My thường nhận làm rất nhiều chiếc nỏ cho các VĐV thi đấu bộ môn này ở huyện Minh Hóa và các VĐV dùng nỏ của My làm thường đạt điểm thi đấu rất cao. Cũng nhờ đó, dù không dùng để thi đấu thể thao, nhưng rất nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh đã đặt hàng cho Hồ My chế tác những chiếc nỏ để mang về rèn luyện sức khỏe, làm kỷ niệm...
 
Hồ My tâm sự: “Tôi học được cách chế tác nỏ từ những người Khùa lớn tuổi ở trong vùng. Cách chế tác nỏ truyền thống của người Khùa thường có 4 bộ phận chính, gồm: Thân nỏ (To Ta miêng), cần nỏ (Cưn Ta miêng), dây nỏ (Xanh Ta miêng) và mũi tên (Chi rắc). Từ khi thi đấu bộ môn bắn nỏ, bản thân tôi đã có một vài cải tiến cho cây nỏ để gặt hái được nhiều thành tích hơn, như: Dùng dây cáp quang để thay thế cho dây cây gai rừng trước đây nhằm tăng lực bắn và ít bị đứt dây; dùng cây gỗ nẻ có độ đàn hồi cao, giữ được tính ổn định trong mọi điều kiện thời tiết để thay thế cho cây gỗ mun, trắc... thường dùng trước đây, vì hiện nay những loại gỗ này rất khó tìm kiếm.” 
 
Nhiều năm qua, huyện Minh Hóa luôn duy trì các giải thi đấu thể thao, nhất là những bộ môn thể thao truyền thống (TTTT) như bắn nỏ. Các môn TTTT này mang lại sự hào hứng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, đồng bào DTTS tham gia thi đấu và cổ vũ nhiệt tình, sôi nổi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu UBND huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để những cá nhân, tập thể yêu thích bộ môn TTTT nói chung, môn bắn nỏ nói riêng được rèn luyện, phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn...”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa cho biết.  

Văn Minh

 

tin liên quan

Cục diện AFF Cup 2022: Việt Nam dẫn đầu, vẫn rộng cửa vào bán kết

(QBĐT) - Đội tuyển Việt Nam không thể thắng Singapore và sớm giành quyền vào bán kết, song vẫn còn rất nhiều cơ hội để kết thúc vòng đấu bảng với vị trí thứ nhất.

Thế giới bóng đá tiếc thương vĩnh biệt huyền thoại Pele

Chủ tịch FIFA cùng các ngôi sao bóng đá như Kylian Mbappe, Neymar, Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Gary Lineker và Geoff Hurst đã bày tỏ sự tiếc thương khi Pele qua đời.

Việt Nam-Singapore: Chờ đoàn quân áo đỏ sao vàng tiến vào bán kết

Đội tuyển Việt Nam hướng đến 3 điểm trọn vẹn trước Singapore, qua đó giữ vững ngôi đầu bảng B và giành quyền vào bán kết AFF Cup 2022 trước khi đá với Myanmar ở lượt trận cuối cùng trên sân nhà.