icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lưu giữ tinh thần thượng võ

  • 08:58 | Thứ Bảy, 04/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có nguồn gốc từ lâu đời, Hội vật truyền thống ở TX. Ba Đồn diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm, không những tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân mới mà còn thể hiện tinh thần thượng võ, là gạch nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại của con người trên vùng đất đầy dấu ấn lịch sử này.
 
Đề cao tinh thần thượng võ
 
Tiết trời đầu xuân năm nay khá buốt lạnh, nhưng từ sáng sớm, nhiều người dân địa phương và khán giả từ các vùng lân cận đã háo hức có mặt tại sới vật phường Quảng Long (TX. Ba Đồn) để xem hội. Đây là lần thứ XXI, Hội vật truyền thống được TX. Ba Đồn tổ chức theo quy mô, bài bản và mặc dù bị gián đoạn sau 2 năm dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà độ hấp dẫn, lôi cuốn giảm "nhiệt".
 
Năm nay, tham gia hội vật có 6 đoàn, 7 đội với hơn 50 đô vật đủ mọi lứa tuổi, tranh tài 7 hạng cân từ 45kg-trên 75kg được tuyển chọn từ những đô vật giỏi ngay từ cơ sở. Khi hồi trống dài rộn ràng báo hiệu khai cuộc, hai đô vật bước lên sới vật với hai chiếc đai màu xanh đỏ để phân biệt.
 
Hội vật truyền thống ở Ba Đồn áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Để thắng tuyệt đối, các đô vật phải nhấc bổng đối phương lên sao cho hai chân lên khỏi mặt đất hoặc đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng” đồng thời giữ hoặc đè đối thủ trong 3 giây. Các đô vật thi đấu loại trực tiếp, đô thủ muốn vào vòng trong phải giành chiến thắng liên tiếp trước ít nhất 2 đối thủ.
Sới vật phường Quảng Long được xem là lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với sức chứa gần 3000 chỗ ngồi.
Sới vật phường Quảng Long được xem là lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với sức chứa gần 3.000 chỗ ngồi.
Sới vật phường Quảng Long được xem là lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với sức chứa gần 3.000 chỗ ngồi nhưng gần như chật kín. Diễn ra trong một ngày, hội vật với hơn trăm trận thi đấu đặc sắc, mãn nhãn khán giả và du khách thập phương trong những ngày đầu xuân mới. Các đô vật thỏa sức tranh tài, tranh đua lành mạnh trên sới vật, cống hiến những thế vật hay, những "miếng" đánh đẹp, bất ngờ, đa dạng.
 
Nhiều trận đấu diễn ra gay cấn, giằng co quyết liệt nhưng các đô vật đều tuân thủ, không ra các đòn đánh nguy hiểm dẫn đến chấn thương nặng, thậm chí đe dọa tính mạng: Bẻ, vặn, khóa trái khớp, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công hạ bộ, yết hầu, mắt...
 
Theo cụ Nguyễn Quốc Dũng, phường Quảng Long cho hay, đấu vật được coi là môn thể thao vận động mạnh, đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dài và cả mưu trí và trong thi đấu thường sẽ xảy ra chấn thương ngoài ý muốn. Tuy nhiên, ở hội vật Ba Đồn, người thắng hay kẻ thua vẫn ôm, bắt tay thân thiện sau trận đấu. Bởi mục tiêu là đề cao tinh thần thượng võ, đây là mấu chốt, truyền thống của cha ông để lại. Và cũng vì thế hội vật được duy trì nhiều đời nay.
 
Đất vật Tượng Sơn
 
Ở TX. Ba Đồn, nhiều địa phương có truyền thống đấu vật như Quảng Hòa, Quảng Thọ... nhưng đầu tiên phải kể đến làng Tượng Sơn (nay thuộc phường Quảng Long). Cái tên Tượng Sơn đã đủ nói lên uy thế của làng luyện võ và tương truyền hội đấu vật ở đây có từ thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
 
Năm 1788, trên đường hành quân ra Bắc, vua Quang Trung đã dừng chân ở vùng đất này để mộ lính. Trong quá trình đó thì trò đấu vật được truyền ra. Trong những người làng theo vua Quang Trung đánh giặc, có danh tướng Nguyễn Dụng được phong đến chức Thống chế Quận công. Về sau, để nhớ công ơn tướng Nguyễn Dụng và đội quân voi trận của vua Quang Trung, làng lấy tên là Tượng Sơn.
 
Hiện nay, tại đình làng Tượng Sơn còn lưu giữ hai câu thơ “Đệ nhất nghè thổ vương miếu vũ/Kim ấn ban phong Tượng Sơn thôn” được vua Quang Trung ban tặng cho người dân nơi đây.
Các đô vật thăm dò cẩn trọng thăm dò các miếng đánh của đối thủ.
Các đô vật cẩn trọng thăm dò các miếng đánh của đối thủ.

Đình làng Tượng Sơn là một trong những ngôi đình lớn trên đất Quảng Bình, được xây dựng vào năm Canh Ngọ 1750. Năm 2003, đình Tượng Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Truyền thống đấu vật ở làng Tượng Sơn được lưu giữ cho đến ngày nay. Vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, hội đấu vật được diễn ra sau khi lễ khai hạ được tổ chức tại đình làng Tượng Sơn. Sau hội vật của làng, những đấu thủ mạnh nhất sẽ được lựa chọn để tham gia Hội vật toàn thị xã.

Theo các cụ cao niên trong làng Tượng Sơn, hội vật trong lễ khai hạ ngày mồng 7 tháng Giêng gần như được duy trì liên tục hàng trăm năm nay, kể cả trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và được người dân địa phương háo hức tham gia. Hội vật của làng luôn đề cao tinh thần thượng võ, giáo dục con em rèn luyện sức khỏe, sự mưu trí, khéo léo và các giá trị truyền thống của cha ông.

Ở Hội vật truyền thống ở TX. Ba Đồn, người thắng hay kẻ thua vẫn ôm, bắt tay thân thiện sau trận đấu. Bởi mục tiêu là đề cao tinh thần thượng võ, đây là mấu chốt, truyền thống của cha ông để lại. Và, cũng vì thế hội vật được duy trì nhiều đời nay.
Hầu như năm nào, người làng Tượng Sơn cũng giành các giải cao ở hội vật của toàn TX. Ba Đồn. Chỉ tính riêng năm 2023, người làng (Quảng Long) đã ẵm trọn 5/7 huy chương vàng ở các hạng cân.

Anh Nguyễn Ngọc Dậu, phường Quảng Long, một đô vật kỳ cựu, gần như năm nào cũng giành giải nhất ở cùng hạng cân chia sẻ, trong đấu vật, mỗi đô thủ đều có những "thế", "miếng" riêng. Chúng tôi được thế hệ trước dạy phải thể hiện hết mình trong sân tập, sân đấu nhưng tuyệt không chơi xấu, tinh thần thượng võ là trên hết và thấm nhuần trong huyết quản của nhiều thế hệ người Tượng Sơn.

Tiếp nối các giá trị truyền thống
 
Theo thống kê, trên địa bàn TX. Ba Đồn hiện có 11 lễ hội thường xuyên được tổ chức hàng năm. Trong đó, có 7 lễ hội chào xuân đặc sắc duy trì hàng trăm năm nay được tổ chức vào đầu tháng Giêng âm lịch với nhiều nét độc đáo, nhân văn.
 
Đặc biệt, Hội vật truyền thống ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm không chỉ là một sân chơi hấp dẫn trong dịp đầu xuân mới mà còn là điểm nhấn để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những nét đẹp, bản sắc văn hóa được những thế hệ đi trước truyền lại.
 
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Tình cho biết, việc duy trì Hội vật truyền thống hàng năm là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và của cả cộng đồng. Đó không đơn thuần là "món ăn" tinh thần, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí những ngày đầu xuân của nhân dân mà còn là sự tiếp nối, giáo dục các giá trị văn hóa cội nguồn của quê hương Ba Đồn, nhất là với những người trẻ...
X.Phú

tin liên quan

Thắng Hải Phòng, Câu lạc bộ Hà Nội đoạt Siêu cúp quốc gia 2022

Tối 29/1, trên Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội), Câu lạc bộ Hà Nội đã có chiến thắng thuyết phục 2 - 0 trước Hải Phòng, giành Siêu cúp quốc gia 2022 (Cúp Thaco 2022). 

AFF Cup 2022: Thái Lan và Việt Nam thắng thế ở đội hình tiêu biểu

Bốn cái tên của đội tuyển Việt Nam xuất hiện trong đội hình tiêu biểu của AFF Cup 2022 gồm có thủ môn Văn Lâm, hậu vệ Văn Hậu, tiền vệ Hoàng Đức cùng tiền đạo Tiến Linh.

"Báu vật" của người Khùa

(QBĐT) - Với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, từ bao đời nay, chiếc nỏ luôn là một vật dụng quen thuộc. Thực tế, hầu hết các vùng đồng bào DTTS ở tỉnh đều có "nghệ nhân" chế tác được nỏ để cung cấp, sử dụng trong bản làng của mình. Tuy nhiên, để chế tác được những chiếc nỏ có lực bắn mạnh và độ chính xác cao như người Khùa, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) thì rất ít. Bởi thế, mỗi chiếc nỏ đều được người Khùa xem như là "báu vật" trong gia đình...