Bố Trạch: Nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh

  • 07:08 | Thứ Bảy, 13/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đưa vào nuôi thử nghiệm tại huyện Bố Trạch từ năm 2020. Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình đang dần chứng minh được hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng.
 
Bố Trạch là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 1.716ha, trong đó, diện tích nuôi trồng nước ngọt gần 855ha. Hiện, nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của huyện phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, chủ yếu là các đối tượng truyền thống, như: Trắm, trôi, mè, chép, lóc, rô phi… nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Từ năm 2020, Trung tâm KN-KN đã triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Đồng Trạch với diện tích nuôi thử nghiệm 3ha.
 
Sau thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy loài tôm này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Các chỉ tiêu kỹ thuật vượt so yêu cầu đề ra, như: Tỷ lệ sống trung bình 51,6% (vượt so với yêu cầu ≥50%), trọng lượng trung bình 25 con/kg đạt yêu cầu, năng suất 1,6 tấn/ha… Mô hình cũng đã mang lại tác động tích cực đối với các hộ nuôi trong vùng, được đông đảo bà con và địa phương đánh giá cao và áp dụng vào sản xuất thực tế. Họ xem tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới có giá trị nhằm thay thế đối tượng nuôi truyền thống hiệu quả thấp đã áp dụng.
 
Hiện, Đồng Trạch là địa phương có diện tích nuôi tôm càng xanh toàn đực lớn nhất huyện với hơn 10ha. Anh Dương Văn Ngân, thôn 1, xã Đồng Trạch cho biết: "Từ khi chuyển sang mô hình nuôi tôm càng xanh, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần nuôi các loại cá nước ngọt. Mặc dù thời gian nuôi dài hơn so với tôm thẻ chân trắng nhưng đó cũng là một ưu điểm giúp người nuôi không bị áp lực thị trường bởi tôm nuôi càng lâu, trọng lượng và giá bán càng cao, lợi nhuận cũng tăng lên nên người nuôi không lo bị ép giá. Ngoài ra, tôm càng xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh, thích ứng nhanh với môi trường, nguồn nước. Về mùa mưa lũ, tôm không bị chết mà còn nhanh lớn, đặc biệt chúng ít di chuyển nên các hồ bị ngập sâu đỡ bị thất thoát ra ngoài. Tuy nhiên, tôm càng xanh có đặc tính không chịu được lạnh, về mùa đông, nếu thời tiết hạ thấp xuống dưới 12OC thì nên vớt bán vì tôm dễ bị chết.
Tôm càng xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh.
Tôm càng xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh.
Nuôi tôm càng xanh toàn đực hiện không chỉ có ở xã Đồng Trạch mà nông dân các xã Sơn Lộc, Hải Phú, Thanh Trạch…cũng đã học hỏi và nuôi thử nghiệm. Riêng xã Sơn Lộc hiện có gần 5ha với 7 hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực.
 
Anh Phan Văn Quảng, thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc cho biết: Thấy mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ở xã Đồng Trạch hiệu quả kinh tế cao nên năm 2022 tôi cũng mạnh dạn nuôi thử. Do lần đầu nuôi thử, chưa hiểu hết được kỹ thuật nên tôi chỉ thả 5 vạn con giống/ha ao nuôi nhưng khi thu hoạch, trừ chi phí tôi cũng thu về được hơn 100 triệu đồng, đó là điều tôi không ngờ đến. Năm nay, tôi mạnh dạn thả 10 vạn giống/ha, đầu tư hệ thống quạt nước nhằm bảo đảm nhu cầu oxy cho tôm, nhất là thời điểm ban đêm khi hàm lượng oxy thấp nhất trong ngày và những thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài. Hiện, tôm sinh trưởng và phát triển rất tốt, khoảng đầu tháng 8 là có thể thu hoạch tỉa.
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng, tôm càng xanh thương phẩm có đầu ra và giá cả khá cao, ổn định (250-300 nghìn đồng/kg) nên người nuôi tôm rất phấn khởi.
 
Thành công của mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn mô hình, người nuôi nhận biết được những sản phẩm thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học tốt trên thị trường, những loại được dùng và không được dùng theo quy định, quy trình kỹ thuật nuôi được chú trọng đến môi trường, áp dụng cân bằng sinh học không tác động đến môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Từ mô hình điểm ở xã Đồng Trạch, đến nay, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã nhân rộng ra nhiều xã khác trong huyện. Năm 2022, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn đực đạt hơn 20ha, tổng sản lượng tôm đạt 14 tấn, mục tiêu năm 2023 tăng diện tích lên 22ha, sản lượng đạt 19 tấn.
Tuy nhiên, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực vẫn còn gặp nhiều trở ngại, như: Nguồn giống không chủ động, phải liên hệ mua ở các tỉnh phía Nam với quãng đường vận chuyển xa, chi phí cao, rủi ro tương đối lớn; trong vùng nuôi có nhiều địch hại, như: Cá tạp, tép, ốc, chim cò... cạnh tranh thức ăn, môi trường sống làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm; do đặc tính của tôm càng xanh ăn thịt nhau thường hay xảy ra, nên khi lột xác nếu không có nơi trú ẩn, thức ăn không bảo đảm chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống; thị trường tiêu thụ chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa, chưa có thương lái mua với số lượng lớn, ổn định…
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Để nuôi tôm càng xanh toàn đực có hiệu quả cao, thời gian qua huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm KN-KN tỉnh khuyến cáo người dân chọn nguồn giống ở cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tỷ lệ tôm đực đạt cao, đã được qua kiểm dịch đầy đủ; khuyến khích bà con tranh thủ thời gian, thời tiết để thả giống sớm và thu hoạch trước mùa mua lũ; công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ, nước lấy vào ao phải lọc qua lưới lọc mịn để cho trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng saponin, đê bao được đắp cao, gia cố chắc chắn để hạn chế thất thoát tôm do địch hại hoặc ảnh hưởng mưa lũ… Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình với quy mô phù hợp bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó cũng xúc tiến các kênh tiêu thụ ổn định cho bà con, hạn chế tình trạng được mùa, mất giá.
 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Quảng Trạch: Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò

(QBĐT) - Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở địa bàn huyện Quảng Trạch rất phức tạp, khó lường. 

Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần Việt Trung

(QBĐT) - Chiều 12/5, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Việt Trung Quảng Bình về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý sử dụng đất của đơn vị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. 

Tiên phong làm "du lịch có trách nhiệm"

(QBĐT) - Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin (Netin Travel, trụ sở ở TP. Đồng Hới), là đơn vị lữ hành quốc tế có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động du lịch.