Khởi nghiệp từ góc nhìn người trẻ

Bài 2: Khởi nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi số

  • 07:54 | Thứ Bảy, 22/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Khởi nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng chung này và đặc biệt những người trẻ càng phải tham gia tích cực hơn, mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực mà mình theo đuổi ngay từ những thời điểm bắt đầu. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn khá nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Trong giai đoạn tỉnh đang đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số như hiện nay, đây là “cơ hội vàng” để các “start-up” bắt tay thực hiện chiến lược dài hơi.
 
 
Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Duy Phương được chính thức thành lập năm 2021, là “quả ngọt” khởi nghiệp của Lê Hà Phương (SN 1991, TP. Đồng Hới), đây là thành quả sau quá trình hơn 5 năm trời theo đuổi công việc tại những công ty khác nhau, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Tập trung vào mảng tư vấn thiết kế xây dựng, ngay từ thời gian đầu mới thành lập công ty, Hà Phương rất quan tâm đến mảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiện tại, theo chia sẻ của Hà Phương, nhiều khâu trong quá trình vận hành công ty đã được số hóa, sử dụng điện toán đám mây từ quản lý dữ liệu, các phần mềm liên quan công việc tư vấn thiết kế… cho đến hành chính, kế toán…
 
Xác định chuyển đổi số sẽ giúp cải thiện và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên, giảm thiểu những công việc thủ công, tốn thời gian, cắt giảm kinh phí, tiếp cận nhiều nguồn khách hàng, Hà Phương khẳng định đây sẽ là hướng đi bền vững cho công ty trong thời gian tới. Tiếp theo đây, một phần mềm cao cấp chuyên dụng về tư vấn thiết kế sẽ được công ty mạnh dạn đưa vào ứng dụng, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu suất công việc cao nhất.
 
Tuy nhiên, với một doanh nghiệp chỉ mới 2 năm tuổi, Hà Phương kỳ vọng sẽ có cơ hội tham gia vào các cộng đồng khởi nghiệp hữu ích, nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn về chuyển đổi số từ phía chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành. Đáng chú ý, nếu trong cộng đồng khởi nghiệp có các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng chuyển đổi số sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm quý báu thì sẽ giúp công ty rút ngắn nhiều thời gian tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số. Mặc khác, công ty sẽ có sự hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, hành chính, cách thức kết nối với các nguồn vốn để vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.
Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp trong học sinh góp phần định hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ sau này.
Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp trong học sinh góp phần định hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ sau này.
Đó cũng là suy nghĩ của Nguyễn Diệu Linh (SN 1994, TP. Đồng Hới), bạn trẻ hiện đang triển khai một “start-up” về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến Việt Nam. Diệu Linh nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng chưa được khai thác hết, nhất là khi không gian mạng đang chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống hiện nay.
 
Từ thực tế đã tham gia dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến Việt Nam từ những năm còn là sinh viên đại học, trở về TP. Đồng Hới, bên cạnh công việc ngân hàng, Diệu Linh ấp ủ dự định này và tiếp tục triển khai tại quê nhà. Thông qua trang web riêng của bản thân, các hội, nhóm và trang cá nhân trên mạng xã hội, nắm bắt thông tin biết được những người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt, chủ yếu là du khách và người nước ngoài định cư ở Quảng Bình, từ đó, Diệu Linh triển khai học trực tuyến.
 
Diệu Linh chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, việc dạy và học tiếng Việt online cho người nước ngoài rất phát huy hiệu quả. Sắp tới, Diệu Linh đang hoàn thiện trang web về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và kết hợp các mô hình sản xuất, kinh doanh khác. Diệu Linh cũng mong muốn tham gia câu lạc bộ (CLB), cộng đồng khởi nghiệp có nhiều kinh nghiệm về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để ý tưởng khởi nghiệp của mình có thể thành công. Đồng thời, Diệu Linh sẽ có được sự hỗ trợ tích cực trong quảng bá, giới thiệu mô hình khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa và tìm ra cách thức marketing phù hợp.
 
Thực tế cho thấy, bên cạnh các mô hình khởi nghiệp gặp nhiều thuận lợi, thành công trong chuyển đổi số, vẫn còn đó nhiều bạn trẻ loay hoay trong hướng đi mới mẻ này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Những kỳ vọng của những bạn trẻ khởi nghiệp như Hà Phương, Diệu Linh đối với chuyển đổi số cũng chính là các mục tiêu mà tổ chức đoàn, các CLB, cộng đồng khởi nghiệp toàn tỉnh đang hướng đến.
 
Theo dự thảo đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình xung kích tham gia chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2023-2027” của Tỉnh đoàn, nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh được xác định rõ, như: Tổ chức Đoàn toàn tỉnh đưa ít nhất 20 sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên Quảng Bình lên các sàn giao dịch điện tử; đồng thời, phấn đấu giai đoạn 2023-2027, ít nhất hỗ trợ 30 sản phẩm của thanh niên ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản; hơn 50.000 thanh niên được tham gia các hoạt đồng và nâng cao nhận thức về năng lực chuyển đổi số…
 
Riêng đối với lĩnh vực khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp nông nghiệp, dự thảo đề án xác định rõ giải pháp nâng cao chuyển đổi số, đó là: Phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các đoàn viên, thanh niên, hợp tác xã, doanh nghiệp trẻ... về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong việc nâng cao giá trị và định vị thương hiệu sản phẩm nông sản; ứng dụng nền tảng số trong quản lý lưu thông, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài, hướng đến thống nhất áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
 
Anh Trần Khánh Cường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, Tỉnh đoàn nỗ lực kêu gọi nguồn lực để triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Mới đây, Tỉnh đoàn đã cùng VNPT Quảng Bình ký kết biên bản thỏa thuận nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên, giai đoạn 2022-2027.
 
Theo đó, hai bên sẽ tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực sử dụng phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng mạng xã hội; năng lực xử lý thông tin, dữ liệu; năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề; năng lực kết nối, làm việc, học tập và phát triển trong thời đại số...; tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, hợp tác xã do thanh niên làm chủ; đưa các sản phẩm OCOP của thanh niên Quảng Bình lên các sàn giao dịch điện tử…
 
Tỉnh đoàn vừa phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên các ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chuyển đổi số đối với các mô hình khởi nghiệp và cho ra mắt trang fanpage “Startup Quảng Bình”.
 
Tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên Quảng Bình năm 2022, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Cần quan tâm hỗ trợ thúc đẩy thanh niên sáng tạo đổi mới khởi nghiệp mạnh mẽ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số, kinh tế số, các đoàn viên, thanh niên sẽ cùng thực hiện chủ trương này của tỉnh. Đề nghị các tổ chức đoàn trên địa bàn toàn tỉnh phải thực sự đổi mới trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ tỉnh nhà, nhất là phương thức tổ chức các phong trào nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của thanh niên gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị…
 
Mai Nhân

tin liên quan

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Số hóa nghề cá để phát triển bền vững

Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU phải xuất phát từ thay đổi ý thức khai thác, đánh bắt của nhiều thế hệ trong thời đại mới, thời đại số hóa, công nghệ thông tin phát triển.

Bài 1: Bồi đắp hệ sinh thái khởi nghiệp

(QBĐT) - Người trẻ Quảng Bình đã có những bước tiến vững chắc hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, từ góc nhìn của họ, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở để khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 

Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Gần 2 năm triển khai, rừng cây bản địa đã dần phủ xanh những vùng đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no cho bà con...