icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Số hóa nghề cá để phát triển bền vững

  • 14:13 | Thứ Sáu, 21/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU phải xuất phát từ thay đổi ý thức khai thác, đánh bắt của nhiều thế hệ trong thời đại mới, thời đại số hóa, công nghệ thông tin phát triển.
Cà Mau đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.529 tàu cá thuộc diện bắt buộc. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Cà Mau đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.529 tàu cá thuộc diện bắt buộc. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Hiện toàn ngành thủy sản Việt Nam đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để có thể gỡ bỏ thẻ vàng.
 
Đối với nghề cá và hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam, thẻ vàng đã tạo nên rào chắn lớn trong sự tăng trưởng và phát triển. Chính vì vậy, việc gỡ bỏ thẻ vàng trở thành nỗ lực lớn của toàn ngành và tìm hướng kiểm soát, quản lý là việc tất yếu.
 
Số hóa để quản lý
 
Với tình hình hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng ngành thủy sản Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong công cuộc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và thực hiện chống khai thác bất hợp pháp.
 
Cho đến nay, gần 5 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu áp dụng "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản Việt Nam, toàn bộ đội ngũ tàu khai thác xa bờ có chiều dài 15m trở lên đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Nhiều tàu cá vi phạm đã bị xử phạt nặng bằng các hình thức thu hồi giấy phép khai thác có thời hạn và vĩnh viễn.
 
Bên cạnh đó, để có thể quản lý nghề cá hiệu quả và triệt để, khơi thông từ ý thức của nhiều thế hệ, nhiều biện pháp được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đề xuất cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm và đưa vào thực hiện.
 
Với sự tiến bộ khoa học hiện nay, quản lý và kiểm soát không bằng các biện pháp truyền thống, mà được áp dụng bằng con đường số hóa, thông qua các thiết bị điện tử để hiệu quả. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ ngay sau khi Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo thẻ vàng, hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ thẻ vàng của châu Âu.
 
Đơn cử như phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi làm việc với ngư dân để nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện IUU tại địa phương. Thêm vào đó, quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu, mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác.
 
Cụ thể, Nhật Bản thông báo từ ngày 1/12/2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với bốn loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích.
 
Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận. Từ thực tế trên, lãnh đạo VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các cảng cá.
 
Đồng thời cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu, qua đó hỗ trợ quá trình gỡ thẻ vàng IUU. Bởi qua số hóa, các dữ liệu lưu lại thể hiện rõ ràng nhất nỗ lực của ngư dân và toàn nghề cá Việt Nam.
 
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho rằng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu giúp ngành thủy sản Việt Nam chuyển mình thay đổi từ ngành khai thác tự do thành một ngành khai thác hải sản chuyên nghiệp, có quản lý, bền vững.
 
Từ ngư dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đến bộ, ngành… đều phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi tài nguyên, hệ sinh thái biển, mối quan hệ với các quốc gia khác trên biển. Chính vì vậy, nhà nước cần có nghiên cứu khoa học bài bản, toàn diện về tài nguyên biển, hệ sinh thái, các giống loài, bộ nghề khai thác đánh bắt, khu vực, mùa khai thác, sản lượng…
 
Từ đó có quy hoạch chi tiết cho việc khai thác đánh bắt từng loại hải sản, kích cỡ, mùa, khu vực được đánh bắt, áp dụng số hóa để có thể quản lý tốt các quy hoạch này, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cá phát triển.
 
Nỗ lực xóa thẻ vàng
 
Thực hiện số hóa trong quản lý nghề cá không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn hay chỉ đơn thuần đối với đội ngũ khai thác, đánh bắt hiện tại.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Hiền tuyên truyền pháp luật cho chủ tàu cá ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Hiền tuyên truyền pháp luật cho chủ tàu cá ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Nghề cá là nghề vốn được truyền qua nhiều thế hệ những người đi biển, sống bằng sản vật biển. Chính vì thế, nỗ lực gỡ thẻ vàng phải xuất phát từ thay đổi ý thức khai thác, đánh bắt của nhiều thế hệ trong thời đại mới, thời đại số hóa, công nghệ thông tin phát triển.
 
Khi thay đổi được nhận thức của các thế hệ đi biển, nghề cá có thể có hi vọng không chạm vào “thẻ đỏ” để giam mình trong khuôn khổ thị trường Việt Nam. Lý giải sự nguy hại của thẻ đỏ đối với nghề cá Việt Nam, đại diện VASEP cho biết nếu bị áp dụng thẻ đỏ, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác.
 
Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang châu Âu đạt trên 1,4 tỷ USD; trong đó, hải sản khoảng 420 triệu USD, thủy sản nuôi khoảng 980 triệu USD. Như vậy, nếu thẻ đỏ xảy ra từ năm 2023 thì thiệt hại xuất khẩu riêng sang châu Âu là rất lớn.
 
Đáng chú ý, các chủ tàu, thuyền trưởng hiện đã tuân thủ việc báo cáo trước 1 giờ khi tàu cập cảng, rời cảng; ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đúng quy định, tuân thủ sự điều động của ban quản lý các cảng cá. Nhận thức được sự nguy hại này, nhiều ngư dân đã tuân thủ đúng các yêu cầu của Ban quản lý nghề cá tại địa phương.
 
Ông Trần Kim Sơn, chủ tàu cá ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa chia sẻ chống khai thác bất hợp pháp, thực hiện các quy định để góp phần gỡ thẻ vàng của châu Âu cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân. Bởi việc này gắn liền với quyền lợi lâu dài của ngư dân.
 
Chính vì vậy, ông Sơn luôn thực hiện vận hành thiết bị theo đúng quy định, không tự ý ngắt kết nối. Trong trường hợp thiết bị bị hỏng, ông Sơn đề nghị cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị mới ngay, bởi thiết bị này giúp cơ quan chức năng kiểm soát, cho phép tàu cá tiếp tục khai thác theo lịch trình. Bởi nếu không thực hiện đúng, nghề cá Việt Nam bị thẻ đỏ của châu Âu, ngư dân khai thác cá có đánh bắt được thì cũng không bán được.
 
Cùng với ý thức thực hiện tốt các quy định IUU của cộng đồng ngư dân đang hoạt động trên biển, ý thức hệ của thế hệ trẻ cũng rất quan trọng trong việc quản lý nghể cá lâu dài. Vì vậy, VASEP cũng đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp cho thế hệ còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
Đơn cử, VASEP đã cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre trao tặng 1.000 quyển vở nhằm tuyên truyền về IUU cho học sinh trường Trung học phổ thông An Thủy và trường Trung học phổ thông Bảo Thạnh, 2 địa phương có hoạt động nghề cá sôi nổi tại tỉnh Bến Tre.
 
Theo đó, mỗi quyển vở của VASEP tặng cho học sinh có ghi 10 nội dung “Mỗi chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ thực hiện” để học sinh biết và tuyên truyền cho người thân khai thác đúng theo quy định để được gỡ thẻ vàng, quyết không rơi vào thẻ đỏ, góp phần cho nghề khai thác bền vững, đời sống ngư dân được nâng lên.
Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

GiveNow - Nền tảng trao gửi niềm tin cho các dự án thiện nguyện

Chỉ sau ít tháng triển khai, nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến GiveNow đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho các dự án hay những con người yêu thiện nguyện.

Triển vọng sử dụng thuốc điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài

Theo các nhà khoa học, việc sử dụng thuốc naltrexone đã đạt được một số thành công nhất định trong việc điều trị một số hội chứng tương tự như sự thiếu hụt nhận thức và mệt mỏi choáng váng.

Hóa chất duỗi tóc làm tăng gấp hai lần nguy cơ mắc ung thư tử cung

Kết quả nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thường xuyên sử dụng các sản phẩm duỗi tóc, có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao gấp hai lần so với những người không sử dụng sản phẩm này.