Gỡ "nút thắt" phát triển chăn nuôi tập trung

  • 07:01 | Thứ Tư, 19/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang gấp rút tiến hành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung (CNTT) theo “Đề án phát triển CNTT, giai đoạn 2021-2025” của huyện (gọi tắt là Đề án). Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, một số địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.
 
Tuyên Hóa là huyện miền núi có lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, quy mô ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ cá thể, không có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, dẫn đến hạn chế trong áp dụng khoa học kỹ thuật và gây ô nhiễm môi trường. 
 
Để ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững theo hướng tập trung, liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ, đồng thời bảo vệ môi trường, giai đoạn 2021-2025, huyện Tuyên Hóa đề ra chủ trương phát triển các cơ sở CNTT có quy mô, đưa các loại giống mới và áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học vào sản xuất.
 
Cùng với đó, huyện khuyến khích xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho nhân dân.
 
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 55% trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 21 trang trại CNTT.
Xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, Tuyên Hóa kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để ngành chăn nuôi phát triển.
Xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, Tuyên Hóa kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để ngành chăn nuôi phát triển.
Thực hiện Đề án của huyện, bước đầu nhiều địa phương trên địa bàn đã triển khai quy hoạch các khu CNTT. Tuy nhiên, để các khu quy hoạch tập trung trở thành hiện thực, thu hút và phát triển các trang trại chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn.
 
Xã Sơn Hóa dự kiến quy hoạch khu CNTT Xuân Phú-Đồng Sơn với diện tích 10ha. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Lê Anh Tuấn cho biết: “Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiến hành vận động, lấy ý kiến nhân dân ở trong khu vực quy hoạch vì đây đất sản xuất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân. Thời gian tới, nếu người dân đồng thuận, xã sẽ tiến hành quy hoạch. Tuy nhiên, phương án bồi thường như thế nào để tổ chức giải phóng mặt bằng không phải dễ, trong điều kiện nguồn lực của xã còn nhiều khó khăn”.
 
Tương tự, xã Đức Hóa cũng đã quy hoạch tổng thể khu CNTT tại khu vực Ran Trầm, thôn Đồng Lâm. Nhưng, ở khu vực quy hoạch này hiện có nhiều người dân đang sản xuất, trồng cây lâu năm, cần một khoản kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng không nhỏ.  
 
Không chỉ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để quy hoạch khu CNTT, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa còn lúng túng trong việc tổ chức đấu giá quyền sử đất.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa Cao Xuân Hùng cho biết, xã đã quy hoạch tổng thể khu CNTT tại khu vực Hố Tro, thôn Thuận Hoan, với diện tích hơn 29.000m2, có khả năng thu hút được 3 trang trại. Hiện tại, địa phương đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết, trình huyện phê duyệt và sẽ tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá như thế nào để tạo điều kiện cho các hộ dân có trang trại trên địa bàn vào phát triển chăn nuôi trong khu quy hoạch không phải dễ. Bởi, nếu tổ chức đấu giá rộng rãi, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã khó có đủ tiềm lực để cạnh tranh với những người ở ngoài địa bàn. Nên chăng, cần có phương án ưu tiên các trường hợp trên địa bàn trước. Nếu còn dư địa, sẽ tổ chức thông báo đấu giá rộng rãi (?!)”.
 
Dĩ nhiên, nếu các địa phương chưa hoàn thành quy hoạch để phát triển CNTT quy mô, thì mục tiêu của Đề án đặt ra khó có thể thực hiện được. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, phát triển CNTT, áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi, sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến, không chỉ là đề án lớn của huyện, mà còn là xu thế tất yếu trong nền sản xuất, chăn nuôi hiện đại.
 
Theo thống kê, huyện Tuyên Hóa hiện có tổng đàn gia súc 49.000 con. Toàn huyện có 11 trang trại CNTT. Nếu năm 2015, tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hơn 49% thì đến năm 2020 đã tăng lên hơn 53%.
Hiện nay, phần lớn các xã trên địa bàn đều gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch khu CNTT theo đề án của huyện, bởi đất đã được cấp GCNQSDĐ cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các địa phương để đưa ra biện pháp, giải pháp khắc phục. Đối với khó khăn vướng mắc về mặt bằng, huyện đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ chế để chuyển đổi linh hoạt đất lâm nghiệp sang mục đích chăn nuôi cho phù hợp và hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng để huyện Tuyên Hóa xây dựng các khu CNTT.
 
Về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong khu CNTT, các địa phương cần ưu tiên người trên địa bàn để di dời các trang trại trong khu dân cư, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương cần nghiên cứu kỹ nội dung của Đề án đã ban hành; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo triển khai Đề án sát với tình hình hình thực tế địa phương. Với các địa phương chưa quy hoạch khu CNTT cần tích cực tìm kiếm mặt bằng để xây dựng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về chính sách thực hiện Đề án của huyện đã đề ra.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(QBĐT) - Chiều 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tuyến phiên thứ 2 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025. 

Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025

(QBĐT) - Ngày 17/10, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2804/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Trăn trở "bài toán" đất nông nghiệp bị bỏ hoang

(QBĐT) - Lời giải nào cho "bài toán" ngăn chặn đất nông nghiệp bị bỏ hoang một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn... đang là nỗi trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương.