Quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản
(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với nghề nuôi tôm, năm 2021, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đã thực hiện mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đây là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Với thế mạnh là xã ven sông Gianh, chủ động được nguồn nước, từ năm 1995, người dân Hạ Trạch đã chuyển đổi vùng đầm lầy, đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân nhờ nuôi tôm, cua mà trúng đậm, có bạc tỷ trong tay. Tuy nhiên, tình trạng nuôi nhỏ lẻ, tự phát, kiến thức nuôi trồng hạn chế, không kiểm soát được dịch bệnh nên có thời điểm năng suất thấp, nhiều người dân bị thua lỗ nặng.
Năm 2021, được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản, mô hình quản lý cộng đồng trong NTTS được thành lập với 123 hộ dân tham gia, chia thành 9 tổ hợp tác (THT). Khi mới thành lập, Chi cục Thuỷ sản đã hướng dẫn cho THT xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: Sinh hoạt định kỳ để trao đổi, thống nhất kế hoạch sản xuất, giải quyết các vấn đề phát sinh nhất là những thời điểm xảy ra dịch bệnh, đóng quỹ duy trì hoạt động…
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn hỗ trợ kinh phí mua giống tôm chất lượng, thiết bị đo môi trường nước trong áo nuôi; Chi cục Thú y hỗ trợ thuốc Clorine để khử khuẩn hệ thống cấp nước ban đầu nhằm phòng dịch chung.
Tham gia mô hình, các thành viên trong THT phải quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng thức ăn, hóa chất khử khuẩn trong ao nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Khi tôm bị bệnh phải báo cho ban quản lý để tìm cách tháo gỡ, không được xả hồ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Nhờ sự liên kết, hỗ trợ nhau trong NTTS đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã Hạ Trạch nâng cao chất lượng nuôi trồng, đem lại năng suất cao.
Anh Nguyễn Đức Dũng, thôn 2, Hạ Trạch có 3 hồ nuôi tôm với diện tích khoảng 1ha. Những năm trước, anh nuôi lứa nào cũng gần như mất trắng khi tôm, cua bị bệnh, sử dụng thuốc cũng không thể kiểm soát được dịch bệnh. Có hồ nhưng không nuôi thì lãng phí, mà nuôi thì thua lỗ, anh Dũng phải ra nước ngoài làm ăn để trả nợ. Cuối năm 2021, anh về nước, tham gia mô hình quản lý cộng đồng, bắt đầu cải tạo ao hồ, thả con giống để nuôi tôm thương phẩm.
Vụ tôm năm 2022, trong số 3 hồ nuôi của anh thì có 1 hồ tôm bị bệnh và chết. Nhờ sự hỗ trợ của THT, anh được cấp thuốc phòng dịch kịp thời nên đã cứu được 2 hồ tôm còn lại, thu về gần 300 triệu đồng tiền lãi. Anh Dũng cho biết: Nếu như trước đây, tôm bị bệnh thì chỉ sau một đêm là chết trắng hồ, lây lan sang các hồ khác vì hồ nuôi của gia đình anh là bờ đất, khi hồ này bị dịch bệnh thì nước sẽ rò rỉ nước sang hồ khác làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Nhưng vụ tôm vừa rồi, khi thấy tôm có hiện tượng chết, anh đã liên hệ ngay với tổ trưởng THT và được hỗ trợ thuốc khử khuẩn. Mặc dù 1 hồ tôm chết hoàn toàn nhưng nhờ phun thuốc kịp thời nên đã ngăn chặn được dịch bệnh lây lan sang các hồ khác.
Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: Nhờ sự liên kết, hỗ trợ nhau trong NTTS đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã Hạ Trạch nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2021, sản lượng thu được của THT là trên 425 tấn tôm thương phẩm, đạt 90% so với cùng kỳ năm 2020; 9 tháng năm 2022, sản lượng tôm đạt 235 tấn. Đến nay, toàn xã đã có 140 hộ tham gia THT với diện tích hơn 180ha. |
Được biết, ở Hạ Trạch, hệ thống mương cấp nước và thoát nước NTTS chung nên việc quản lý nguồn nước luôn bị động khi dịch bệnh xảy ra. Một số hộ dân thiếu ý thức, khi tôm bị dịch bệnh không thông báo với chính quyền để có biện pháp xử lý mà tự động tháo hồ để “vớt vát” đồng vốn gây lây lan sang các ao xung quanh.
Ngoài ra, nguồn giống không bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc NTTS khó kiểm soát được dịch bệnh. Trước đây, phần lớn người nuôi thủy sản ở đây tự tìm nguồn giống nên việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống trước khi mua về tại địa phương chưa bảo đảm.
Ông Lưu Văn Phúc, Hội trưởng Hội NTTS xã Hạ Trạch cho biết: Mô hình quản lý cộng đồng trong NTTS đã giải quyết được những bất cập trong NTTS ở Hạ Trạch từ trước đến nay. Trong đó, quan trọng nhất là việc kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan sang các ao hồ khác. Bên cạnh đó, tham gia mô hình, các hộ nuôi còn được hỗ trợ, giới thiệu các nguồn giống có chất lượng, được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm... Đặc biệt, mô hình còn có ban kiểm tra, giám sát hoạt động nhằm hạn chế tối đa các loại thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học... không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, năng suất vụ nuôi thủy sản; có sự tham gia của cán bộ thú y để chủ động trong việc phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Việc quản lý cộng đồng trong NTTS bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên, phù hợp và hiệu quả đối với các vùng nuôi tôm tập trung như ở Hạ Trạch. Qua đó, giúp các hộ NTTS trong vùng gắn kết để cùng quản lý, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Hoa
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.