Khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh

  • 07:19 | Thứ Sáu, 21/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh, từ tháng 3/2021 đến nay, Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) đã hỗ trợ cho người dân huyện Tuyên Hóa trồng gần 121ha rừng cây bản địa. Gần 2 năm triển khai, rừng cây bản địa đã dần phủ xanh những vùng đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no cho bà con...
 
Rừng đầu nguồn sông Gianh nằm trên địa bàn huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Trước đây, rừng ở khu vực này giàu trữ lượng gỗ cũng như tính đa dang sinh học. Tuy nhiên, do quá trình khai thác gỗ, động vật hoang dã trái phép diễn ra trong thời gian dài khiến cho rừng ngày càng nghèo kiệt, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguồn nước và nhiều tác hại khác.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm của Thủ tướng Chính phủ, VARS phối hợp với CEGORN tổ chức khởi động chương trình “Cùng khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh” năm 2021 và khởi động năm thứ 2 với tên gọi "Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh" năm 2022 (sau đây gọi chung là chương trình). Chương trình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và bước đầu đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân vùng cao. 
Ông Cao Duy Thuận, ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa chăm sóc rừng cây bản địa của gia đình.
Ông Cao Duy Thuận, ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa chăm sóc rừng cây bản địa của gia đình.
Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc CEGORN cho biết: “Mục tiêu chính của chương trình là vận động các nguồn lực xã hội để trồng và khôi phục rừng tự nhiên bằng giống cây bản địa ở đầu nguồn sông Gianh. Theo đó, người dân và các địa phương được hưởng lợi từ chương trình sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón, chi phí chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba. Ngoài trồng rừng, người dân cũng có thể trồng các loại cây ngắn ngày, dược liệu, các mô hình nông-lâm kết hợp dưới tán rừng để bảo đảm sinh kế trước mắt và lâu dài”.
 
Đến nay, chương trình phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đã hỗ trợ cho gần 150 hộ dân tại các xã: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa (Tuyên Hóa) tham gia trồng gần 121ha rừng bản địa, như: De, lát hoa, gáo vàng, lim, vàng tâm, sưa đỏ, huỵnh... Người dân tham gia chương trình được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón và chi phí trồng, chăm sóc với mức 5 triệu đồng/ha trong 5 năm.
 
Ông Hoàng Trọng Châu, ở thôn Kim Lịch, xã Kim Hóa hiện đang trồng 1,1ha rừng cây bản địa từ chương trình phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Qua một năm trồng và chăm sóc, rừng cây bản địa của ông có tỷ lệ sống đạt khoảng 90%, cây đã bén rễ và phát triển xanh tốt. Có những cây đã đạt chiều cao trên 2m, bắt đầu xoè tán.
 
Ông Châu kể: “Diện tích này trước đây tôi trồng cao su nhưng do bão làm gãy đổ hết. Sau đó, tôi quyết định chuyển sang trồng cây bản địa để dành cho con cháu sau này cũng như góp phần sức nhỏ bé của mình vào việc khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh. Diện tích vàng tâm, de thì tôi để dành cho con cháu, còn cây gáo vàng sẽ cho tôi thu hoạch gỗ trong vòng 15 năm tới”.
 
Thấy tầm quan trọng của chương trình trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh, nhiều hộ dân ở xã Kim Hóa cũng đã tham gia trồng rừng với diện tích hàng chục ha.
 
Để bà con tham gia chương trình, xã Sơn Hóa đã tuyên truyền, vận động cho người dân thấy được lợi ích của việc trồng rừng đầu nguồn sông Gianh bằng cây bản địa. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng rừng, bảo vệ rừng cây bản địa.
 
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa cho hay: “Qua quá trình tuyên truyền, vận động, bà con trong xã đã trồng được gần 20ha rừng cây bản địa để phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh. Không chỉ trồng rừng, nhiều hộ dân còn nhận khoán bảo vệ rừng, tham gia giữ rừng với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con trồng thêm rừng bằng cây bản địa từ đất trồng keo chuyển đổi và đất rừng lấn chiếm trước đây”.
 
Chương trình trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu gương điển hình là một trong 3 mô hình và cách làm hay trong cả nước tại lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ngày 6/2/2022. Chương trình này có ý nghĩa rất lớn với môi trường nên đã có ít nhất trên 1.750 người dân, doanh nghiệp đóng góp với số tiền quyên góp được trên 4,6 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, chương trình đã hỗ trợ giống cây, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón, kinh phí mỗi ha 10 triệu đồng cho hàng chục hộ dân xã Sơn Hóa trồng rừng cây bản địa.
 
Ông Cao Duy Thuận, ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của chương trình nên gia đình tôi đã trồng được 2ha rừng cây bản địa gồm: Lát vàng, de, sưa đỏ, vàng tâm… Toàn bộ diện tích rừng cây bản địa tôi trồng xen trong sắn, dưới tán rừng keo nên cây phát triển tốt”.
 
Để phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh, ông Thuận còn nhận khoanh nuôi bảo vệ 5ha rừng tự nhiên. Ngoài ra, ông còn trồng xen sắn, cây ăn quả, dược liệu vào rừng cây bản địa để tạo sinh kế trước mắt, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ trồng rừng, giữ rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng tốt nên nguồn nước khe suối gần nhà ông công bao giờ cạn, cuộc sống gia đình cũng ngày càng khấm khá.
 
Theo ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc CEGORN, để bảo đảm sinh kế trước mắt, CEGORN cũng đã tăng cường hướng dẫn cho bà con tham gia chương trình trồng xen cây ngắn ngày với rừng, dược liệu, hỗ trợ mô hình sinh kế để tăng thêm thu nhập. Hiện chương trình vẫn tiếp tục hỗ trợ phân bón, giống cây, công chăm sóc để mở rộng thêm diện tích không chỉ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa mà còn mở ra cả huyện Minh Hóa. Dự kiến đến năm 2030, chương trình sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình… Riêng tại huyện Tuyên Hóa, chương trình sẽ trồng khoảng 1.000ha rừng cây bản địa đầu nguồn sông Gianh.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Bài 1: Bồi đắp hệ sinh thái khởi nghiệp

(QBĐT) - Người trẻ Quảng Bình đã có những bước tiến vững chắc hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, từ góc nhìn của họ, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở để khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 

Quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản

(QBĐT) - Nhằm hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất đối với nghề nuôi tôm, năm 2021, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) đã thực hiện mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đây là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Gỡ "nút thắt" phát triển chăn nuôi tập trung

(QBĐT) - Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang gấp rút tiến hành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung (CNTT) theo "Đề án phát triển CNTT, giai đoạn 2021-2025" của huyện (gọi tắt là Đề án). Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, một số địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.