Hương thơm làng Vạn

  • 17:25 | Chủ Nhật, 11/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tâm nguyện lưu giữ lại nghề làm hương của làng, ông Nguyễn Ngọc Quang, ở làng Vạn Lộc (nay là thôn Vạn Lộc), xã Vạn Trạch (Bố Trạch) đã quyết tâm mở cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm hương truyền thống ra thị trường. Sau 4 năm xây dựng, đến nay, hương Làng Vạn đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.
 
Sản phẩm kết tinh từ lòng yêu nghề
 
Chia sẻ với chúng tôi về "duyên" đến với nghề làm hương, ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Tình yêu, đam mê với nghề làm hương được nuôi dưỡng trong ông từ khi còn nhỏ. Những ngày giáp Tết, nhiều gia đình trong làng rộn ràng với việc làm hương thủ công để dùng trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Lúc đó, ông thường theo cha vào rừng tìm kiếm cây lá và phụ giúp thực hiện các khâu làm hương từ việc chọn, phơi nguyên liệu, nghiền bột đến se hương, phơi hương…, nhờ vậy mà giờ đây mọi công đoạn của việc làm hương ông đều thông thạo.
 
Tuy nhiên, trong những năm chiến tranh ác liệt, thời kỳ kinh tế tập trung bao cấp, rồi đến nền kinh tế thị trường hàng hóa phát triển…, nghề làm hương truyền thống của làng cũng mai một dần. Bản thân ông lớn lên, thoát ly làm công việc nhà nước nên không còn thời gian để làm hương phục vụ gia đình như trước. Việc dùng hương trong gia đình chủ yếu mua ngoài chợ tuy nhiên có nhiều loại hương tẩm hóa chất, bột gỗ tạp dùng chất tạo mùi… nên hương cháy đượm, thơm nhưng ngửi vào có cảm giác đau đầu, khó chịu.
Cơ sở hương Làng Vạn hiện có 11 loại sản phẩm đã được cấp mã số, mã vạch và được bảo vệ thương hiệu.
Cơ sở hương Làng Vạn hiện có 11 loại sản phẩm đã được cấp mã số, mã vạch và được bảo vệ thương hiệu.
Ông Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ: Năm 2018, khi nghỉ hưu và trở về sinh sống ở làng, những ký ức tuổi thơ trỗi dậy, cái "duyên" với nghề truyền thống lại thôi thúc ông vào rừng, tìm thảo mộc làm hương. Ban đầu ông chỉ dự định làm để dùng trong gia đình, người thân, cho bà con lối xóm. Nhưng rồi khi sử dụng, nhiều người đã cảm nhận được mùi hương bài xa xưa, thơm nhẹ nhàng, êm dịu, không độc hại với người dùng nên đã tìm đến để đặt hàng và không quên động viên ông mở xưởng sản xuất, phục hồi và gìn giữ nghề của cha ông.
 
Với bản tính ham học hỏi, ông vào tận làng làm hương nổi tiếng ở Thủy Xuân, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tìm hiểu, học cách làm hương bằng máy và đầu tư mua máy làm hương đạp bằng chân. Trở về, ông bắt đầu thu mua nguyên liệu, thuê lao động, hướng dẫn người làm. Năm 2019, khi người đặt mua hàng ngày càng nhiều, để tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm, ông mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị tạo dây chuyền sản xuất khép kín, như: Máy làm hương cây tự động, máy nghiền bột, máy trộn bột, máy ép nụ, máy làm hương Kim Tiền (cháy qua đêm)… và mở cơ sở sản xuất với thương hiệu “Hương Làng Vạn”.
 
Ông luôn tâm niệm rằng, tục dâng hương là một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay, cho nên những nén hương làm ra được dùng ở nơi linh thiêng, tôn nghiêm không chỉ chú trọng chất lượng mà còn phải được tinh sạch trong các công đoạn. Chính vì vậy, mặc dù mới sản xuất nhưng hương Làng Vạn hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, An Giang, Bình Dương, Bình Phước… và một số nước có con em quê hương Bố Trạch sinh sống như Lào, Campuchia, Nga…, xứng danh là sản phẩm được tin dùng năm 2022.  
 
Chủ động nguyên liệu, mở rộng sản xuất
 
Hiện nay, cơ sở sản xuất hương Làng Vạn đã đầu tư máy móc nhằm tăng năng suất làm việc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Quang, muốn giữ được mùi hương bài đặc trưng thì một số công đoạn làm hương phải được thực hiện bằng phương pháp thủ công. "Khâu phơi hương không nên dùng máy sấy mà phải phơi dưới nắng vừa, gió nhẹ để làm khô từ từ, giữ màu sắc và mùi thơm đặc trưng từ các nguyên liệu thiên nhiên. Nếu gặp trời nắng nóng, nhiệt độ cao thì phải phơi trong bóng râm để hương khô dần. Đặc biệt, người làm hương tuyệt đối không dùng lửa để làm khô hương bởi cách làm này vô tình sẽ làm mất mùi thơm tự nhiên của dược liệu", ông Quang chia sẻ thêm.
 
Mùa làm hương bài tốt nhất là cuối mùa thu và mùa xuân, đây là thời điểm cây hương bài tích tụ được nhiều tinh dầu và thời tiết thích hợp cho việc phơi hương. Khi mới sản xuất, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều mẻ hương bị bỏ đi vì phối trộn nguyên liệu không chuẩn, phơi hương chưa đúng độ, hương cháy không hết que… Sau nhiều lần thử nghiệm, đến nay, sản phẩm hương Làng Vạn đã định hình được công thức, sản phẩm đã được nhiều người tin dùng lựa chọn.   
Cây hương bài sinh trưởng tốt ở Vạn Trạch và sẽ cho thu hoạch vào cuối năm 2022.
Cây hương bài sinh trưởng tốt ở Vạn Trạch và sẽ cho thu hoạch vào cuối năm 2022.
Bên cạnh dòng sản phẩm hương bài, hương Làng Vạn còn có dòng sản phẩm hương trầm, thành phần từ bột cây dó trầm, cây bời lời và tăm tre. Tất cả các dòng hương ở cơ sở sản xuất hương Làng Vạn đều được làm ra từ các loại nguyên liệu có trong thiên nhiên, hoàn toàn không có hóa chất nên rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện cơ sở có 11 loại sản phẩm đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã được cấp mã số, mã vạch và được bảo vệ thương hiệu. Năm 2021, doanh thu sản xuất của cơ sở đạt hơn 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
 
Đặc biệt, để chủ động nguyên liệu sản xuất, năm 2021, ông Quang đã ra tận huyện Thanh Chương (Nghệ An) tìm hiểu kỹ thuật và mua cây giống về trồng dưới tán cây rừng. Hiện cơ sở đã trồng được 1,5ha cây hương bài, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đang chuẩn bị cho thu hoạch vào dịp cuối năm nay. 
 
Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho biết: “Làng Vạn Lộc, xã Vạn Trạch trước đây nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống. Mỗi năm, cứ dịp giáp Tết, người dân kéo nhau lên rừng để đào cây hương bài về làm hương phục vụ gia đình, một số hộ làm nhiều thì đem bán ở chợ, bán cho thương lái ở nhiều nơi. Do nhiều nguyên nhân nên nghề làm hương đã mai một hàng chục năm nay. Chính quyền địa phương cũng như người dân rất vui mừng khi cơ sở sản xuất hương Làng Vạn đã khôi phục được nghề truyền thống của cha ông. Đây là sản phẩm được làm từ các loại cây dược liệu có trong tự nhiên nên có mùi thơm đặc trưng, dễ chịu và tinh tế.
 
Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây hương bài nhằm nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu làm hương không chỉ ở Vạn Trạch mà còn ở các địa phương khác, đặc biệt, có thể khôi phục được nghề hương truyền thống xưa của cha ông. 
Sau 4 năm nỗ lực gây dựng, hương Làng Vạn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng trên toàn quốc. Hương Làng Vạn là một trong các sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Đặc biệt, vừa qua Viện Khảo sát đánh giá chỉ số cạnh tranh, Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội bình chọn và công nhận sản phẩm hương Làng Vạn thuộc TOP 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt và sản phẩm dịch vụ tin dùng năm 2022.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Bố Trạch: Bảo đảm năng suất, sản lượng

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2022, huyện Bố Trạch sản xuất trên 2.200ha lúa. Trước diễn biến thời tiết mưa, nắng thất thường, nông dân huyện Bố Trạch đã khẩn trương thu hoạch lúa hè-thu bảo đảm năng suất, sản lượng.
 

Sản xuất vụ hè-thu: Vượt khó, thắng lợi

(QBĐT) - Vụ sản xuất lúa hè-thu năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhưng nông dân toàn tỉnh vẫn có một vụ mùa thắng lợi…

Triển khai chương trình OCOP và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn

(QBĐT) - Sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" và Chương trình phát triển sản phẩm du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.