Khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động
(QBĐT) - Ngày 15/11, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH-CN) cấp cơ sở đã tổ chức hội nghị nghiệm thu nhiệm vụ “Khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, do Sở Du lịch chủ trì thực hiện. Tham dự hội nghị có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Quảng Bình, mảnh đất của “Vương quốc hang động”, nơi có một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới, trong lòng chứa hàng nghìn hang động lớn, nhỏ mang vẻ đẹp kỳ vĩ, tráng lệ và độc đáo.
Đến năm 2019, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có hơn 417 hang động, trong đó có trên 170 hang động với tổng chiều dài hàng trăm ki lô mét đã được khảo sát, đo vẽ và nhiều hang động mới được phát hiện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng.
Hiện nay, có hơn 25 hang động được đưa vào khai thác du lịch, trong đó, Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới đã trở thành thương hiệu quảng bá cho du lịch Việt Nam... Động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Tối, hang Én, hang Va, hang Pygmy, hang Đại Ả, hang Chà Lòi, hang Rục Mòn, hang Trạ Ang… cũng là những cái tên nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến.
Với mục tiêu của nhiệm vụ là nghiên cứu hệ thống tài nguyên hang động phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và thực trạng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động của tỉnh.
Đối tượng nghiên cứu là hệ thống hang động đã được nhóm thám hiểm các thành viên Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và trên địa bàn 5 huyện: Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa; các sản phẩm, khu, điểm du lịch hang động hiện đang khai thác trên địa bàn tỉnh…
Hội đồng nghiệm thu đã nghe cơ quan chủ trì đã báo cáo những nội dung mà nhiệm vụ đã thực hiện trong thời gian qua, cụ thể: Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về tài nguyên hang động phục vụ du lịch và phát triển du lịch bền vững; thực trạng khai thác và phát triển bền vững tài nguyên hang động phục vụ du lịch của tỉnh Quảng Bình; các giải pháp khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động tại Quảng Bình.
Tại hội nghị nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao giá trị khoa học mà nhiệm vụ đã đạt được, đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn sâu để báo cáo nhiệm vụ hoàn thiện hơn.
Chủ tịch hội đồng nghiệm thu đề nghị cơ quan chủ trì cần chỉnh sửa báo cáo theo các nội dung mà nhiệm vụ được phê duyệt và tiếp thu các ý kiến của các thành viên hội đồng nhằm hoàn thiện nhiệm vụ để tiến tới nghiệm thu cấp tỉnh.
Hương Trà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.