Hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo

  • 07:16 | Thứ Năm, 30/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự học, tự rèn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về mọi mặt của cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS) từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Tập trung đổi mới
 
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các trường học, cơ sở giáo dục (CSGD) đều chú trọng đến việc xây dựng bài giảng phong phú, chủ động sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực chủ động của HS. Tại Trường tiểu học thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) hoạt động đổi mới sáng tạo được quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức. Đặc biệt trường đã triển khai khá hiệu quả môn học Giáo dục địa phương, một trong những môn bắt buộc của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
 
Cô Nguyễn Thùy Trang, GV của trường cho hay: Để từng bước đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, GV của trường luôn xây dựng bài giảng phong phú, sinh động, tổ chức cho HS đi thực tế trải nghiệm ở các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn. GV luôn có sự chuẩn bị chu đáo trong từng bài giảng nhằm thu hút sự hưởng ứng tích cực của HS. Qua đó giúp HS có thêm kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa… và phát huy năng lực sở trường trong thực tiễn học tập.
 
Nhằm tạo cho HS có môi trường học tập tốt, các trường học trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đến việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Với những cách làm hay như “bán rác gây quỹ” tặng HS có hoàn cảnh khó khăn ở lớp 10 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, “nuôi heo đất” tạo quỹ giúp đỡ bạn nghèo ở Trường THCS Vĩnh Ninh (Quảng Ninh)… đã chuyển tải thông điệp yêu thương, khơi dậy trong mỗi HS tinh thần "tương thân, tương ái" để có những hành động, việc làm thiết thực vì cộng đồng xã hội.
 
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường học đã tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Đối với bậc THCS, THPT (các lớp 6, 7, 10), các đơn vị đã thực hiện tốt việc xây dựng tổ hợp môn học phù hợp với tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.
 
Trung bình mỗi đơn vị xây dựng 5 tổ hợp môn học. Bậc giáo dục trung học vẫn thực hiện song song 2 chương trình giáo dục (Chương trình 2006 và Chương trình 2018). Các đơn vị đã bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với HS.
Những tiết học sáng tạo luôn thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của học sinh.
Những tiết học sáng tạo luôn thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của học sinh.
Đối với bậc giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 3, Chương trình GDPT 2016 ở lớp 4 và 5. Các CSGD tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới, nhân rộng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, vận dụng “Sơ đồ tư duy” vào tổ chức dạy học ở một số môn học/hoạt động giáo dục phù hợp tạo nên không gian lớp học nhiều màu sắc, theo hướng tăng cường các hoạt động ứng dụng, trải nghiệm giúp HS kết nối kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
 
Hoạt động sinh hoạt chuyên môn, giao lưu giữa các trường, cụm trường được tăng cường và đổi mới nhằm tạo điều kiện cho GV trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng bài giảng.
 
Còn đó những khó khăn
 
Có thể nói, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. GV đã linh hoạt, chủ động hơn với phương thức dạy học mới. Nhiều chuyên đề “tiết học sáng tạo” được triển khai, thực hiện nhằm lan tỏa cách dạy mới, dạy hay trong đội ngũ GV, HS mạnh dạn tự tin hơn trong học tập, giao tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình.
 
Về cơ sở vật chất, nhiều trường học còn thiếu phòng bộ môn, phòng thực hành, thí nghiệm, không ít trường học cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học của GV, HS. Ở bậc THPT chưa có GV dạy bộ môn Mỹ thuật và Âm nhạc nên chưa đáp ứng được nguyện vọng học tập của HS lớp 10 khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
 
Tình trạng thiếu GV cũng là rào cản không nhỏ trong thực hiện các nội dung của Chương trình GDPT 2018. Do thiếu GV nên một số đơn vị bố trí GV giảng dạy chưa phù hợp với năng lực chuyên môn. Một số GV chưa mạnh dạn áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018…
 
Minh Hóa là một trong những địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đinh Tuấn Anh cho hay: Ngoài việc thiếu GV, nhất là các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ…, huyện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Không ít trường học thiếu các phòng chức năng, phòng học bộ môn, như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học…; thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai những nội dung của bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội…
 
Một số địa phương khác cũng gặp nhiều rào cản trong thực hiện Chương trình GDPT mới. Đơn cử như huyện Quảng Trạch phải nhập lớp, dồn lớp do thiếu GV dẫn đến số HS/lớp vượt quá theo quy định. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch Phan Thanh Xuân chia sẻ: Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn huyện không có GV trong biên chế môn Khoa học công nghệ để giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018. Để khắc phục tình trạng thiếu GV, huyện đã rà soát, chuyển đổi bố trí GV chuyên biệt, GV tổng phụ trách Đội có văn bằng 2 tiểu học tham gia giảng dạy; bố trí GV có kiến thức về Tin học tham gia dạy môn Tin học-Công nghệ lớp 3; bố trí GV dạy liên cấp, liên trường…
 
Nhằm triển khai tốt các nội dung của Chương trình GDPT 2018, ngành GD-ĐT tiếp tục tham mưu UBND các cấp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, rà soát, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ GV phù hợp với tình hình thực tế. Ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng GV, tập trung vào các bộ môn đang thiếu, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước thực hiện số hóa hồ sơ quản lý nhà trường, cán bộ quản lý, GV, HS bảo đảm tinh gọn và hiệu quả.
 
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về hợp đồng lao động giảng dạy tại các CSGD mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, số lượng hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 743 chỉ tiêu. Việc hợp đồng lao động sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu GV hiện nay, tạo điều kiện cho các đơn vị trường học nâng cao chất lượng dạy học, triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế.
 Nhật Văn

tin liên quan

Tập trung hoàn thành kế hoạch giáo dục bảo đảm chất lượng

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giữa học kỳ II năm học 2022-2023 tổ chức vào chiều 29/3.

Tập huấn nâng cao năng lực tiếng Anh cho đoàn viên, thanh niên

(QBĐT) - Chiều 29/3, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Master Leader tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực tiếng Anh, với chủ đề: "Siêu trí nhớ tiếng Anh và khai mở bí mật IELTS 7.0+" cho học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.

Sửa Quy chế, thí sinh không còn được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi

Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi.