Nhận diện và đồng hành "gỡ khó" trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Bài 1: Toàn cảnh "bức tranh" đổi mới

  • 07:22 | Thứ Hai, 27/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện các nghị quyết (NQ) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGK GDPT), thời gian qua, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã giám sát tại các địa bàn, cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh. Qua giám sát đã nhận diện rõ những kết quả đạt được và bất cập, hạn chế, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, “gỡ khó” cho việc thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT trong giai đoạn tới.
 
Những kết quả khả quan
 
Qua khảo sát bằng văn bản và trực tiếp với các địa phương, phòng, ban chức năng, các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS), đoàn giám sát đã nắm bắt cơ bản khá đầy đủ về kết quả triển khai thực hiện các NQ số 88/2014/QH13 (NQ 88) và NQ số 51/2017/QH14 (NQ 51) của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, việc triển khai đổi mới CT, SGK GDPT đã được tỉnh quan tâm thực hiện theo đúng tinh thần NQ 88 và NQ 51 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành liên quan và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã có sự chuẩn bị tốt để triển khai chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Đánh giá về CT, SGK mới, nhiều ý kiến khẳng định sự thành công của quá trình cụ thể hóa việc đổi mới giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất, tư duy người học, tăng tính thực hành và nội dung thực tiễn, tạo sự hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các bài học trong SGK vừa yêu cầu, vừa tạo điều kiện cho GV vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức dạy học với HS làm trung tâm; trao quyền tự chủ, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo đối với cả HS và GV, phát huy khả năng tự học của các em.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Uyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) khẳng định: Đổi mới CT, SGK bước đầu đã mang lại những kết quả rất tích cực. Trước hết, đối với HS, các em đã chủ động, tự tin hơn rất nhiều trong quá trình học tập và giao tiếp. Các kỹ năng, phương pháp học tập, tìm kiếm, lựa chọn thông tin cũng được nâng cao, không bó hẹp trong phạm vi SGK. Để đáp ứng yêu cầu của CT, SGK mới, GV phải không ngừng nghiên cứu, cập nhật kiến thức, thậm chí học hỏi từ HS của mình.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới)
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới).
“Việc đổi mới CT, SGK hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn và hạn chế cần tháo gỡ, nhưng về cơ bản, nội dung CT, SGK đang đáp ứng rất tốt xu thế phát triển hiện nay. Việc tăng các nội dung thực hành đang rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức trong SGK và thực tế, phát huy được khả năng sáng tạo, tính thực tiễn của HS”, cô Uyến chia sẻ thêm.
 
Chị Phạm Thị Thanh Thanh, một phụ huynh tại phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) cũng đồng tình cao với CT, SGK mới bởi các yêu cầu, phương pháp rèn luyện, phát triển tư duy thay vì chỉ áp dụng các kiến thức, công thức như trước đây. Theo chị, CT, SGK mới sẽ giúp con em phát huy hiệu quả năng lực, sở trường của mình, thầy cô giáo cũng sẽ nắm bắt tốt hơn điểm mạnh, điểm yếu của từng em để cùng trao đổi, phối hợp với phụ huynh, nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Với việc trao quyền tự chủ cho nhà trường, GV và HS trong thực hiện đổi mới CT, SGK, dựa trên yêu cầu của CT, SGK mới, Trường tiểu học và THCS Chu Văn An đã thiết kế một bộ sách phù hợp với đặc thù của trường tư thục, đặc điểm của HS và GV. Việc đánh giá chất lượng bộ sách cần có thời gian, nhưng đây là hướng đi đúng với tinh thần đổi mới CT, SGK hiện nay.
 
Đạt được những hiệu quả cơ bản nêu trên, quá trình triển khai thực hiện các NQ của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT, việc lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh được tiến hành nghiêm túc, công khai và minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và của UBND tỉnh về các tiêu chí lựa chọn SGK. Ngành GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, tư vấn cho các cơ sở GDPT trong xây dựng kế hoạch giáo dục, triển khai linh hoạt, phù hợp thực tế địa phương, đúng theo tinh thần đổi mới.
 
Để khắc phục một số khó khăn nảy sinh về mặt kinh phí, công tác xã hội hóa đã được quan tâm chú trọng. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí phục vụ mua sắm SGK cho các em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để HS và nhà trường triển khai đổi mới CT, SGK thuận lợi. 
 
Đội ngũ GV trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn cao, được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, nắm bắt cơ bản các kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho dạy học. Đây là nền tảng quan trọng giúp việc tiếp nhận phương pháp giảng dạy, cách thức giảng dạy của chương trình GDPT mới tốt hơn.
 
Khó khăn và bất cập
 
Cùng với những kết quả khá tích cực nêu trên, qua thực tế cho thấy việc triển khai CT, SGK GDPT hiện vẫn còn những khó khăn, bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ, khắc phục, sửa đổi.
 
Về biên chế, trong bối cảnh ngành GD-ĐT đang thiếu hàng nghìn GV, việc triển khai các nội dung đổi mới CT, SGK GDPT càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với cấp THPT, các môn tự chọn hiện thiếu nhiều GV. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường đã động viên HS học các môn tự chọn có đủ GV nên chưa đáp ứng nhu cầu của HS và yêu cầu đổi mới.
Đổi mới CT, SGK GDPT góp phần khuyến khích, nâng cao sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên và học sinh (tiết học của Trường tiểu học số 2 Đồng Sơn, TP. Đồng Hới)
Đổi mới CT, SGK GDPT góp phần khuyến khích, nâng cao sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên và học sinh (Trong ảnh: Tiết học của Trường tiểu học số 2 Đồng Sơn, TP. Đồng Hới).
Tình trạng thiếu GV, áp lực về tinh giản bộ máy và biên chế cũng đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình. “Việc sáp nhập các trường, thu gọn đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên quá trình sáp nhập cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Sáp nhập các trường cùng cấp là phù hợp, nhưng đối với hai trường khác cấp, cụ thể như tiểu học và THCS, việc quản lý, điều hành và thực hiện mục tiêu đổi mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi cấp học đòi hỏi một yêu cầu khác nhau!”, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Đồng Sơn Nguyễn Thị Uyến chia sẻ.
 
Bên cạnh đó, quy trình lựa chọn SGK, các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu GV, huy động nguồn lực xã hội hóa… vẫn còn nhiều bất cập, rào cản, chưa có cơ chế cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý và sự chủ động cho các trường nên còn nhiều lúng túng.
 
Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vẫn còn nhiều HS chưa quen với nội dung và tinh thần SGK, GV ngại đổi mới nên còn lúng túng trong dạy và học. Tình trạng “dạy chay, học chay” do hạn chế về cơ sở vật chất; chất lượng, số lượng đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chưa được tập huấn chuyên sâu, đào tạo, đào tạo lại... đang là những khó khăn trong việc thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT.
 
Chương trình mới cũng đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình vào quá trình học tập của HS; yêu cầu GV chủ động, nắm vững nội dung SGK, đặc điểm HS tại các trường để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên tại một số địa bàn nông thôn và trường học, vai trò của phụ huynh và GV vẫn còn mờ nhạt, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.
 
Cùng với nhiều ý kiến đánh giá khá cao về chất lượng bộ SGK mới, qua giám sát cho thấy gần 50 đầu SGK các môn học từ lớp 3-lớp 10 đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp cụ thể của cán bộ, GV các trường. Các ý kiến đã phân tích sâu cả về nội dung và hình thức thể hiện, những điểm hạn chế thiếu phù hợp của SGK mới và đề nghị bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đề ra.
 
Về giá sách, với mức 179.000-301.000 đồng/bộ sách tùy theo cấp học, chị Đinh Thị Thu Thảo, xã Trung Hóa (Minh Hóa), hiện có con đang học lớp 7A, Trường THCS và THPT Trung Hóa, cho rằng đây là mức giá khá cao đối với nhiều phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên cần xem xét các giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số ý kiến phụ huynh khu vực đồng bằng, đô thị khẳng định giá SGK hiện nay khá phù hợp nhưng cần phải có sự minh bạch, thống nhất đối với việc lựa chọn các loại sách tham khảo, tránh tình trạng “lập lờ” giữa SGK mới và sách tham khảo để hạn chế lãng phí và gánh nặng cho phụ huynh.
Ngọc Mai
 
Bài 2: Đồng hành và kỳ vọng

tin liên quan

Ngày hội "Đổi phế liệu, đổi pin lấy cây xanh"

(QBĐT) - Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023 và Tháng văn minh đô thị Đồng Hới, sáng 24/3, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới) tổ chức ngày hội "Đổi phế liệu, đổi pin lấy cây xanh", thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tập huấn về kỹ năng giảng dạy, tư vấn việc làm và tìm việc làm an toàn

(QBĐT) - Trong ngày 23-24/3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức lớp tập huấn về giảng dạy các kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn việc làm và tìm việc làm an toàn. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, 9 và 12 từ năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo số 367/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa của 3 khối lớp này.